Đề xuất có tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đề xuất thành lập tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ được Cục Sở hữu trí tuệ đưa ra từ năm 2018. Mới đây, tại Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ”, đề xuất này lại tiếp tục được đưa ra vì cho rằng tranh chấp dạng này có nhiều đặc thù.
Đề xuất thành lập tòa sở hữu trí tuệ đã được đưa ra trong Hội thảo góp ý về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Đề xuất thành lập tòa sở hữu trí tuệ đã được đưa ra trong Hội thảo góp ý về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Luật Sở hữu trí tuệ chậm vào cuộc sống?

Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã có hiệu lực thi hành từ 1/7/2006 nhưng theo đánh giá của ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) thì việc đưa pháp luật về SHTT vào cuộc sống còn rất chậm. Nhiều doanh nghiệp (DN) khi làm việc với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hay tòa án còn không biết là đã vi phạm pháp luật.

Theo Luật SHTT thì đơn vị trực tiếp sản xuất các sản phẩm vi phạm Bằng độc quyền là đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết các DN sản xuất đều cho rằng sản xuất theo đơn đặt hàng từ đơn vị khác, các thiết kế, bản vẽ này đã được chủ đầu tư phê duyệt nên mình không vi phạm. Ngay cả một số cán bộ tại Thanh tra Sở KH&CN, tòa án tại các địa phương ít khi tiếp xúc với các hồ sơ tranh chấp về SHTT cũng cho rằng những đơn vị đặt hàng hay chủ đầu tư phê duyệt bản vẽ, dự án mới là người vi phạm.

Ví dụ, trong quá trình bị Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, chủ một xưởng sản xuất nước giặt - xả mang nhãn hiệu Thái Lan đã “ngây thơ” trả lời rằng, “được thuê sản xuất theo công thức và nguyên liệu có sẵn cho một công ty nên không vi phạm”. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục QLTT khẳng định, trong trường hợp này, kể cả được thuê thật thì xưởng sản xuất cũng vẫn là chủ thể vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, ông Thảo còn cho biết, Busadco gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ tài sản SHTT của mình khi các cấp tòa án thiếu linh hoạt trong việc áp dụng pháp dụng pháp luật. Đơn cử, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự, trong vụ kiện do bị xâm phạm Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết. Tuy nhiên, tòa án địa phương nơi xảy ra thiệt hại vẫn cứng nhắc áp dụng quy định là tòa án nơi đặt trụ sở của bị đơn có thẩm quyền giải quyết.

“Nếu có tòa án chuyên về SHTT, tình huống này có thể không xảy ra” - đại diện Busadco nói.

Hào kỹ thuật của Busadco đã được sử dụng ở nhiều dự án nhưng cũng là sản phẩm bị làm nhái khá nhiều.

Hào kỹ thuật của Busadco đã được sử dụng ở nhiều dự án nhưng cũng là sản phẩm bị làm nhái khá nhiều.

Tranh chấp về sở hữu trí tuệ có nhiều đặc thù

Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, vấn đề xử lý xâm phạm SHTT hiện nay đang còn có nhiều vướng mắc, Cục SHTT đang phối hợp, tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức tòa án theo hướng thành lập riêng tòa án chuyên về lĩnh vực SHTT.

Trong một cuộc Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức (vào cuối tháng 8/2021), ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam đã đề xuất cần xây dựng một lộ trình cụ thể trong trung hạn và dài hạn (5-10 năm) cho việc bồi dưỡng năng lực cho ngành Tòa án.

Cụ thể là thành lập tòa chuyên trách về SHTT, bổ nhiệm thẩm phán chuyên trách về SHTT và các bồi dưỡng chuyên ngành khác, trước khi có những sửa đổi Luật SHTT tương ứng, tránh tình trạng luật ban hành nhưng không thể áp dụng.

Theo các luật sư đại diện chủ thể quyền cho một số nhãn hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, hiện tòa án SHTT là một trong những tòa chuyên trách được nhiều quốc gia thành lập nhằm thụ lý và xét xử các tranh chấp về SHTT. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục áp dụng trình tự như quy định pháp luật tố tụng dân sự trong giải quyết tranh chấp quyền SHTT sẽ không thể giải quyết vụ việc. Bởi SHTT liên quan đến đối tượng đặc thù như sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh…

Do đó, cần phải nghiêm túc tính đến khả năng và lộ trình thành lập tòa án chuyên trách về SHTT tại Việt Nam. Đồng thời, các cơ chế tố tụng dân sự hiện hành liên quan đến việc giải quyết tranh chấp SHTT cũng cần được xem xét, sửa đổi theo hướng rút gọn, đơn giản hóa cơ chế tiếp nhận xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… để bảo đảm tốt hơn, kịp thời hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền SHTT.

Đọc thêm