Đề xuất điều kiện chuyển đổi khu công nghiệp thành khu đô thị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung một số nội dung quy định mới để đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành cũng như thực tế đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thời gian qua.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định điều kiện xem xét chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) sang phát triển khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Bao gồm: KCN nằm trong các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh; thời gian hoạt động của KCN từ khi được thành lập hoặc cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấp tờ có giá trị tương đương đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc 1/2 thời gian hoạt động của KCN.

Bên cạnh đó, phải có sự đồng thuận của doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng KCN, các nhà đầu của các dự án đầu tư thứ cấp trong KCN, trừ các trường hợp sau dự án đầu tư đã hết thời hạn hoạt động theo pháp luật về đầu tư, dự án đầu tư không đủ điều kiện gia hạn cho thuê lại đất theo quy định của pháp luật về đất đai, dân sự, dự án ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện buộc phải di dời theo quy định của pháp luật về môi trường; đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường cảnh quan.

Về điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, theo dự thảo Nghị định dự án phải phù hợp với phương án phát triển hệ thống KCN được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cùng với quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch hoặc điều chỉnh phương án phát triển hệ thống KCN theo quy định tại Nghị định này đối với KCN nằm ngoài ranh giới khu kinh tế; phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với KCN nằm trong ranh giới khu kinh tế.

Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại địa điểm đầu tư tại thời điểm xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo cho hoạt động của KCN. Không phát triển KCN mới tại các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương, các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, các khu vực có đất trồng lúa 02 vụ với năng suất cao hơn năng suất bình quân của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các khu vực có loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Cùng với đó, diện tích KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tối thiểu là 75ha; đảm bảo dành tối thiểu 5% tổng diện tích đất công nghiệp của KCN để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt tỷ lệ tối thiểu là 60%.

Có quy hoạch hoặc phương án đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao phục vụ công nhân làm việc trong KCN được cấp có thẩm quyền phê duyệt bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Đánh giá nhu cầu sử dụng lao động và nhu cầu bố trí nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho công nhân làm việc trong KCN; vị trí, quy mô diện tích dự kiến khu đất được sử dụng để xây dựng nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao. Tiến độ và trách nhiệm của các tổ chức có liên quan trong việc thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho công nhân làm việc trong KCN.

Đọc thêm