Hiệp hội đề nghị các cơ quan quản lý chỉ nên tập trung ngân sách đầu tư cho hai nhóm nhà ở xã hội: cho thuê và thuê mua (bằng hình thức trả góp). Mô hình mới là nhà ở xã hội cho thuê sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng không đủ khả năng tài chính mua trả góp. Hiện nay, nhà giá rẻ cho thuê chỉ mới được phát triển dưới dạng khu lưu trú, khu ký túc xá cho công nhân.
Riêng đối với loại nhà ở xã hội xây theo phương thức bán nhà thương mại, cần hoàn thiện cơ chế phù hợp để mời gọi doanh nghiệp, các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia theo hình thức xã hội hóa. Mô hình khả thi là hợp tác công - tư, tận dụng nguồn lực là các doanh nghiệp chuyên xây nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, tương đương giá bán nhà ở xã hội trên địa bàn.
Theo đánh giá của Hiệp hội, những khó khăn và hạn chế trong quá trình triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội đang khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư phát triển phân khúc này. Do đó, HOREA đề xuất một số giải pháp cơ bản.
Thứ nhất là gia hạn thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng lên ít nhất 60 tháng (5 năm), tức kéo dài đến hết ngày 31/5/2018. Nguyên nhân là do thời hạn giải ngân kết thúc vào ngày 31/5/2016, còn quá ngắn đối với quy trình, thủ tục mua bán nhà ở xã hội.
Thứ hai là đưa lãi suất cho vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng về mức 4-4,5% áp dụng cho năm 2016 đối với nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng. Đối với nhà ở xã hội thì đề nghị mức lãi suất 3-3,5% để phù hợp với thu nhập phổ biến của các đối tượng và thực tế tình hình kiểm soát lạm phát của Nhà nước.
Thứ ba là cho phép đối tượng mua nhà ở xã hội không cần phải chứng minh thu nhập để giúp người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ đồng thời ân hạn 3 năm đầu người mua nhà chưa phải trả lãi vay và nợ gốc.
Thứ tư bổ sung các cặp vợ chồng mới kết hôn, người mới mua căn nhà đầu tiên, người lao động ngoại tỉnh chưa có hộ khẩu thường trú cũng được vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Thứ năm cho phép doanh nghiệp được thực hiện một trong ba phương thức để thực hiện nghĩa vụ dành 20% quỹ đất của dự án để tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Doanh nghiệp có thể chọn xây dựng nhà ở xã hội tại dự án hoặc hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ nhà ở xã hội có giá trị tương đương tại vị trí khác hay thanh toán bằng tiền theo quyết định của UBND cấp tỉnh.