Đền thiêng 2000 năm tuổi thờ nữ anh hùng dân tộc được tôn thờ là Thánh nữ Nhụy Kiều tướng quân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đền Bà Triệu ở xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa thờ Bà Triệu - vị nữ tướng có công lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Ngô vào thế kỷ thứ III.
Đền thiêng 2000 năm tuổi thờ nữ anh hùng dân tộc được tôn thờ là Thánh nữ Nhụy Kiều tướng quân

Gần 2000 năm trôi qua kể từ khi diễn ra cuộc kháng chiến chống giặc Ngô của Bà Triệu – người nữ anh hùng dân tộc được nhân dân tôn thờ làm vị thánh Nhụy Kiều tướng quân, câu nói đầy ý chí bất khuất của Bà vẫn còn vang vọng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta…”

Tháng Bảy mùa tri ân, chúng tôi về chiêm bái đền Bà Triệu ở xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ngôi đền này lập ra để thờ phụng Bà Triệu - vị nữ tướng có công lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Ngô vào thế kỷ thứ III. Trên dải đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt quê hương của Bà Triệu có nhiều ngôi đền lập ra để thờ Bà, trong đó ngôi đền ở xã Hoằng Ngọc được cho là cổ xưa nhất.

Sang thế kỷ III, trên đất nước ta đã bùng nổ cuộc khởi nghĩa lớn của Bà Triệu năm 248. Khởi nghĩa là đỉnh cao của phong trào nông dân thế kỷ II – III, nổ ra ngay trong thời kỳ mà giặc đô hộ phương Bắc có lực lượng hùng mạnh, đã củng cố được ách thống trị trên đất nước ta và đang đẩy mạnh dã tâm đồng hóa nhân dân ta.

Chính điện đền Bà Triệu - nơi Bà được tôn thờ là Thánh nữ Nhụy Kiều tướng quân.

Chính điện đền Bà Triệu - nơi Bà được tôn thờ là Thánh nữ Nhụy Kiều tướng quân.

Theo sử sách, Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh, sinh ngày 2/10 năm Bính Ngọ, tức năm 226 ở huyện Quân An, quận Cửu Châu (nay thuộc thôn Cẩm Trướng, xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Bà là người có sức khỏe và mưu trí lớn.

Năm 19 tuổi, người con gái đầy khí phách, kiên cường ấy đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập hợp hơn nghìn tráng sĩ ở núi Nưa mài gươm, luyện võ chuẩn bị khởi nghĩa. Nhân dân khắp vùng nô nức hưởng ứng công cuộc cứu nước của Bà.

Sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, khiến quân giặc khiếp sợ. Đang lúc này, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh thấy Triệu Thị Trinh làm tướng can đảm, bèn tôn làm chủ tướng.

Năm 248, Bà Triệu lãnh đạo nhân dân dấy cờ khởi nghĩa, tiến công các quận, huyện của bọn quan lại nhà Ngô. Triệu Thị Trinh đã chỉ huy chiến đấu vô cùng gan dạ trong trận đánh này. Bà thường mặc áo giáp vàng, cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi đầu voi xông pha trận mạc khiến quân Ngô phải hồn xiêu phách lạc. Nhân dân tôn bà là Nhụy Kiều tướng quân.

Nghĩa quân của Bà Triệu đánh thắng quân Ngô nhiều trận, giết chết viên thứ sử Giao Châu. Khắp hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân đều nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu.

Ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Sử sách nhà Ngô đã thú nhận: “Toàn thể Giao Châu phải chấn động”. Nhà Ngô vì quá lo sợ nên đã phải phái viên danh tướng Lục Dận làm thứ sử Giao Châu, đem theo 8000 quân sang nước ta đàn áp phong trào khởi nghĩa.

Lục Dận một mặt ra sức đàn áp nhân dân, mặt khác dùng thủ đoạn xảo quyệt, đem tiền bạc của cải để làm lung lạc một vài thủ lĩnh địa phương. Do lực lượng quá chênh lệch cùng nhiều mưu mô thâm độc khiến nghĩa quân của nữ tướng xứ Thanh thất bại. Bà Triệu tuẫn tiết tại núi Tùng (huyện Hậu Lộc) vào ngày 22/2, năm Mậu Thìn (248).

Bà Triệu mất, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, giặc Ngô tăng cường áp bức, bóc lột nhưng đã không thể nào dập tắt được tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân ta.

Người đời sau đã xây dựng lăng mộ Bà trên núi Tùng và lập đền thờ trên sườn núi Gai (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) để tưởng nhớ công lao của Bà Triệu.

Ngôi đền Bà Triệu này đã có lịch sử lâu đời, khởi dựng từ thời Tiền Lý Nam Đế. Lúc đầu, đền còn khá nhỏ bé và đơn sơ, nhưng đã được nhân dân và chính quyền phục dựng nhiều lần, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại thành quy mô như hiện tại.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngôi đền Bà Triệu nhiều lần bị máy bay Mỹ đánh phá làm hư hỏng, đổ nát. Vào năm 1970, đền Bà Triệu được nhà nước xây dựng lại để giữ gìn một di tích lịch sử quý giá trên mảnh đất khôn xiết tự hào này.

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ ngày 21 tháng 02 đến 24 tháng 02 âm lịch hàng năm, mang đậm nét văn hóa truyền thống gắn liền với những truyền thuyết lịch sử về Bà Triệu. Tại lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động như: tế lễ, rước kiệu, tế nữ quan, lễ Mộc dục, tế Phụng Nghinh... Bên cạnh đó, còn có các tiết mục văn nghệ dân gian như: trò "Ngô-Triệu giao quân", hát chầu văn, thi đấu vật, leo dây, thổi cơm thi, đánh cờ tướng,... rất vui nhộn và độc đáo.

Hiện ngôi đền cổ này còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm, một kho tàng các sự tích huyền thoại, cùng nhiều cổ vật gìn giữ nguyên bản như 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán; 65 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam; quạt ngà; lược đồi mồi; trâm ngà; long cung sơn son thếp vàng; tượng Bà Triệu bằng đồng… được người dân và chính quyền gìn giữ hết sức cẩn thận.

Trên dải đất Thanh Hóa địa linh nhân kiệt có nhiều di tích lịch sử tưởng nhớ, thờ tự Bà Triệu. Điển hình như:

- Đền Bà Triệu kể trên ở xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa được cho là ngôi đền cổ xưa nhất.

-Khu di tích Đền thờ Bà Triệu tại địa phận núi Gai, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2015.

-Di tích Đền thờ Bà Triệu (còn gọi là đền Vua Bà, đền núi Tía) tại làng Vân Cổn, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

-Khu Di tích Núi Nưa – Am Tiên địa điểm khởi nghĩa của Bà Triệu tại làng Cổ Định, xã Tân Ninh, Triệu Sơn, Thanh Hóa.

- Đền thờ Bà Triệu tại xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nơi quê hương của bà.

...

Đọc thêm