Nguồn cảm hứng bất tận
Tính đến nay, đã có hàng trăm nhà thơ, hàng nghìn bài thơ sáng tác về Bác. Tạo nên nhiều “kỷ lục”, mà đến lúc nhìn lại, những người yêu thơ không khỏi ngạc nhiên, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thi sĩ, như Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh sinh năm 1932 (hiện nhà thơ đã qua đời), ông sống tại Quảng Bình, có lẽ là người sáng tác nhiều nhất về Bác. Tổng số bài thơ của ông sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đến hàng trăm bài. Trong đó, có một số tập thơ được nhiều người biết đến như tập “Nhớ Bác Hồ” gồm 115 bài thơ tứ tuyệt.
Ông từng chia sẻ, ở tuổi đôi mươi nhà thơ đã xin tham gia kháng chiến chống Pháp, trong thời gian khoác lên mình màu áo lính, hình ảnh, bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn được ông tìm đọc, trân trọng lưu giữ. Lần đầu tiên ông viết thơ về Bác vào năm 1957, khi tình cờ về thăm quê Bác, nghe câu chuyện về cuộc đời vị Chủ tịch kính yêu, ngắm nhìn từng mảnh gạch ngói, căn nhà, chiếc khăn, tấm áo,... đã tạo nên những rung động mãnh liệt trong cuộc đời nhà thơ Nguyễn Văn Dinh. Từ đó, tứ thơ về Bác đã trở thành niềm cảm hứng gắn bó với ông trong hơn 60 năm sự nghiệp văn thơ. Đến năm 2005, kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã tự bỏ tiền in tập thơ “Nhớ Bác Hồ” dài hơn 120 trang, với 115 bài thơ để kỷ niệm. Ông được nhiều nhà nghiên cứu, độc giả ưu ái gọi bằng cái tên người nghệ sĩ “tạc tượng” Bác Hồ bằng thơ.
Ngoài nhà thơ Nguyễn Văn Dinh, vẫn còn các cây bút khác đã “thi họa” nên những vần thơ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có rất nhiều cái tên nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên,... Nhưng Tố Hữu là cái tên được nhiều người biết đến nhất. Bằng giọng điệu trữ tình đặc trưng, ngọt ngào tha thiết của tình thương mến, Tố Hữu cất lên tiếng thơ dâng trào cảm xúc thiêng liêng dành cho Bác Hồ.
Mặc dù không phải người viết nhiều thơ nhất về Bác Hồ, nhưng bài thơ xúc động nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn thuộc về nhà thơ Tố Hữu, ông là nhà thơ sáng tác để làm cách mạng. Trong một đoạn băng ghi âm về một câu chuyện giữa nhà thơ và Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tố Hữu chia sẻ trước đây, ông từng nói: “Tôi nghĩ rằng mỗi khi nghĩ đến Đảng, nghĩ đến Bác là chúng ta nghĩ đến những ước mơ cao đẹp nhất, trong sáng nhất của cuộc đời mình”.
Cả cuộc đời, Tố Hữu đã có một “quá trình” dài làm thơ về Bác Hồ, từ khi ông vừa mới tham gia cách mạng chưa bao giờ có cơ hội gặp Bác trực tiếp, cho đến lúc được điều lên Chiến khu Việt Bắc, ông đã sáng tác những bài thơ như “Hồ Chí Minh”, “Sáng tháng 5”,…: “Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ... Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng - Bác ngồi đó lớn mênh mông”. (Sáng tháng 5 - Tố Hữu)
Vào năm 1969, hòa chung nỗi đau cả dân tộc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi, Tố Hữu đã viết bài thơ “Bác ơi!” như lời tâm sự nghẹn ngào, gửi lời nhớ nhung, thương tiếc của người dân Việt Nam dành cho Bác. Vợ của nhà thơ Tố Hữu từng chia sẻ, ngày 2 tháng 9 khi nhận được tin Bác Hồ qua đời, nhà thơ Tố Hữu lúc đó đang nằm viện đã ngay lập tức vào Phủ Chủ tịch bất chấp tình hình sức khỏe. Đến khi về nhà, ông liền đóng cửa phòng, không tiếp bất kỳ ai kể cả người nhà. Sau đó, bài thơ “Bác ơi!” đã được hoàn thành và phát trên hệ thống truyền thanh lúc bấy giờ. Đây được coi là bài thơ xúc động nhất về Bác Hồ, khiến hàng triệu con tim người Việt Nam rơi lệ: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông, mọi kiếp người/Bác sống như trời đất của ta/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Bác đã lên đường theo tổ tiên...” (Bài thơ Bác ơi! - Tố Hữu)
Tên tuổi gắn liền với những bài thơ về Bác
Có những nhà thơ mà sự nghiệp sáng tác, bài thơ tiêu biểu nhất của họ gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như nhà thơ Minh Huệ (sinh năm 1927) với bài “Đêm nay Bác không ngủ” sáng tác năm 1951. Nhà thơ tham gia cách mạng từ rất sớm, khoảng năm 1945, Minh Huệ thực chất là bút danh của ông, còn tên thật của nhà thơ là Nguyễn Đức Thái.
Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt, vào một đêm mùa đông ở sông Lam vào năm 1950, khi nhà thơ Minh Huệ 24 tuổi, ông được người bạn tên Chắt, bảo vệ của đồng chí Nguyễn Chí Thanh kể lại những câu chuyện Chắt từng tận mắt chứng kiến. Trong đó, phần lớn là những chuyện về tấm lòng yêu quân, thương dân của Bác Hồ khiến nhà thơ Minh Huệ vô cùng xúc động.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca Việt Nam. (Bác Hồ làm việc với nhà thơ Tố Hữu năm 1960, nguồn: Đinh Đăng Định) |
Cụ thể, đó là chuyện về những chuyến đi rừng, khi Bác nhường ngựa, dành phần ăn ngon cho các đồng chí. Đặc biệt, Chắt còn kể lại cho nhà thơ Minh Huệ câu chuyện một anh lính trong đêm tình cờ thấy Bác dậy cho thêm củi vào lò, sưởi ấm không gian ngủ của binh sĩ. Anh lính vừa vui mừng được gặp Bác, vừa lo Bác thức đêm sẽ mệt mỏi, liên tục thủ thỉ khuyên Bác đi ngủ. Nhưng Bác lại âu yếm bảo: “Cháu cứ việc ngủ ngon, ngày mai đi đánh giặc. Cháu ngủ ngon là Bác khỏe. Bác không buồn ngủ vì trời lạnh còn nhiều bộ đội và dân công ngủ ngoài rừng”.
Cứ như vậy, lời thơ về Bác Hồ ấp ủ trong lòng chàng trai Minh Huệ 24 tuổi ngày ấy suốt 5 tháng trời. Ông cầm bút lên, lại đặt xuống. Cuối cùng vào một ngày định mệnh, tứ thơ ào ạt đến, ông viết thâu đêm, đến khi mệt lử mới dừng lại, vậy là bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” đã ra đời. Một người bạn tình cờ thấy bài thơ của ông, khen thơ hay và xin phép in ngay vào tập thơ của chi hội văn nghệ kháng chiến Khu IV của ông Lư (Lưu Trọng Lư). Không lâu sau, nhà thơ Lưu Trọng Lư gặp Minh Huệ. Ông ôm lấy vai nhà thơ trẻ giật lia lịa, vui sướng kể lại câu chuyện mình đã ngâm bài “Đêm nay Bác không ngủ” cho những người nông dân nghe, nhờ đó ý chí, quyết tâm phục vụ kháng chiến, giành lấy độc lập của họ ngày càng tăng cao.
Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” đã tạo dựng nên tên tuổi của nhà thơ Minh Huệ. Các câu thơ được lan truyền rộng rãi, phổ nhạc, cải biên theo nhiều hình thức khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, chính sự thật từ câu chuyện của Chắt kể lại cho nhà thơ Minh Huệ, đã khiến trái tim ông xúc động mãnh liệt và viết ra vần thơ chân thực lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam. Đến nay, những câu thơ trong bài “Đêm nay Bác không ngủ” vẫn được rất nhiều thế hệ thuộc lòng và yêu mến: “Anh đội viên thức giấc/ Thấy trời khuya lắm rồi/Mà sao Bác vẫn ngồi/ Đêm nay Bác không ngủ” (Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ).
Một nhà văn nữa mà tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn với Bác Hồ, chính là nhà thơ Hải Như. Ông tên thật là Vũ Hải Như sinh năm 1923, sinh sống tại Nam Định (hiện tại ông đã qua đời). Nhà thơ Hải Như giữ nhiều chức vụ khác nhau, thời kháng chiến chống Pháp cứu nước, ông làm thư ký toà soạn báo Sông Lô tại Quân khu 10, Việt Bắc, sau đó ông theo học lớp báo chí cách mạng Việt Nam đầu tiên tại Việt Bắc.
Ông là một người yêu thơ ca, có suy nghĩ sâu sắc về nghiệp văn thơ. Thơ của Hải Như được mọi người biết đến nhiều nhất vì gắn liền với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có trên 100 bài thơ viết về Bác, nhưng ông không cố “sao chép”, xây dựng hình tượng của Bác giống hệt như thật, mà theo nhà văn Hải Như, Chủ tịch Hồ Chí Minh như một điểm tựa vững chắc để ông thực hiện chức năng của thi ca đó là thức tỉnh con người trong thời hiện tại. Nhà báo Huỳnh Mai Liên từng đưa ra lời nhận xét về thơ của ông: “Trong con mắt nhiều người, Hải Như cô đơn trên con đường thơ “chẳng giống ai” trong mảng sáng tác đề tài Hồ Chí Minh”.
Hầu hết bài thơ của ông, đều sử dụng hình ảnh Bác Hồ đại diện một lối sống đẹp, thanh cao, để hướng người đọc đến với tình yêu nước, tương thân, tương ái, ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh,...: “Ta đến thăm ngôi nhà Bác ở? Để lòng ta tưởng niệm biết ơn Người/ Bác đã cho ta, Bác đã cho đời/ Lẽ sống của ngày mai trên Trái Đất/Lẽ sống đẹp: không coi mình cao nhất/Mong kiếp người ai cũng cất đầu cao” (Sinh ra con người chủ nghĩa Mác).
Nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn chương của ông là bài “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi!”, sáng tác vào năm 1969, năm ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất. Bài thơ sử dụng lời kể của một chiến sỹ canh lăng, với hy vọng đất nước hòa bình, dân chúng ấm no để Bác Hồ có thể an giấc yên nghỉ. Bài thơ được lan truyền rộng rãi, nhiều người yêu mến. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã đọc bài thơ và lấy bút gạch chân 16 câu tâm đắc và nhận xét: Bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu sáng tác cùng thời điểm là bài thơ con khóc cha, còn bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi” của Hải Như là bài thơ quần chúng khóc lãnh tụ. Sau này, những vần thơ đầy xúc cảm của Hải Như đã được phổ thành bài hát, lay động bao người nghe cho đến thời hiện tại: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Bác vừa chợp mắt, xin chờ trăng ơi!/Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa/Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu.../ Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu/ Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc” (Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi - Hải Như).