Di Linh (Lâm Đồng): Cấp xã thiếu trách nhiệm, “cát tặc” hoành hành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giá cát xây dựng tăng đột biến, nguồn hàng khan hiếm… khiến vấn nạn “cát tặc” diễn ra phức tạp, DN được cấp phép nạo vét tận thu khoáng sản nhưng khai thác sai vị trí; vẫn tiếp diễn trên địa bàn huyện Di Linh, Lâm Đồng.
DN nạo vét lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 có dấu hiệu khai thác cát sai vị trí.
DN nạo vét lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 có dấu hiệu khai thác cát sai vị trí.

Trên địa bàn Lâm Đồng, theo khảo sát, so với cùng kỳ 2021, giá cát xây dựng tăng gấp 1,5 lần; giá cát xuất tận bãi 300-350 ngàn đồng/m3, cộng với chi phí vận chuyển thì tới tay người tiêu dùng từ 450-500 ngàn đồng/m3, nhưng không phải mua lúc nào cũng sẵn hàng.

Hiện Lâm Đồng siết chặt công tác quản lý khai thác khoáng sản, quyết liệt ngăn chặn nạn “cát tặc”. Hơn nữa, một chủ mỏ cát hợp pháp tính toán, 1m3 cát hiện chịu khoảng 70-80 ngàn đồng các loại thuế tài nguyên môi trường, GTGT... Nếu trừ các loại thuế phí vận hành thì lãi không đáng bao nhiêu. Đó là nguyên nhân khiến nhiều đối tượng vẫn khai thác cát lậu, gian lận khai thác.

Tại huyện Di Linh, nơi cung cấp cát dồi dào cho Lâm Đồng, vấn nạn khai thác cát trái phép tiếp tục phức tạp. Cách trụ sở xã Hòa Bắc chừng 7km, tuyến đường từ thôn 9 dẫn vào khu lòng hồ thủy điện Hàm Thuận bị cày xới nát tươm thành các “ổ voi”, “ổ trâu”, nhiều vị trí “sóng trâu” cao 30-40cm. Lần theo dấu bánh xe, PV có mặt ở khu vực lòng hồ vào 15h ngày 24/5.

Tại đây cả một bãi cát quy mô cả nghìn m2, nhiều đống cát tập kết sẵn. Dọc hồ có hơn chục tàu thuyền tàu khai thác neo đậu, bên chiếc máy múc công suất lớn. PV cũng chứng kiến xe 10 tấn chất cát đầy ngọn (ước khoảng 13m3 cát) đang chở cát từ đây đi ra trung tâm xã. Số cát này được tập kết tại một khu vực để bán lẻ, hoặc chở tới nhà dân bán trực tiếp.

Sau khoảng 15 phút, chiếc xe múc tắt máy khi phát hiện PV. Một số người dân sống hai bên đường cho biết xe chở cát hoạt động thường xuyên, không kể đêm ngày, vận chuyển cát từ hồ thủy điện đi nơi khác. Người địa phương cho biết “ông chủ” đang khai thác cát là một người tên Phong ở thôn 3.

Ông Đặng Văn Lợi, quyền Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, khu vực hồ Hàm Thuận trước đây có 2 DN Lê Tám và Tiến Phong được cấp phép nạo vét, tận thu khoáng sản, thời hạn 2015 - 2020, hiện đã hết hạn.

Khi được hỏi về việc có biết ở hồ vẫn có tình trạng khai thác cát, ông Lợi nói “xã thường xuyên kiểm tra nhưng vào tới nơi không thấy khai thác, còn xe chở cát trên đường thì xã không có thẩm quyền dừng xe kiểm tra”. Cũng theo ông Lợi, xã không có người để túc trực thường xuyên ở vị trí khai thác cát trái phép nói trên mà tháng kiểm tra 2-3 lần.

Đáng nói, hồi tháng 11/2020, báo chí phản ánh việc khai thác cát trái phép tại khu vực trên, ông Lợi khi đó là Phó Chủ tịch cũng trả lời tương tự rằng xã chỉ phối hợp với các phòng chức năng của huyện để kiểm tra, kiểm soát theo định kỳ, việc khai thác cát xã không nắm được. Thực tế, việc khai thác cát trái phép, vận chuyển cát diễn ra thường xuyên, ngay giữa ban ngày; nên trả lời như trên rất khó thuyết phục.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thơm, chuyên viên phụ trách mảng khoáng sản thuộc Phòng TN&MT huyện; khi nhìn những hình ảnh, video khai thác cát ở lòng hồ thủy điện Hàm Thuận do PV cung cấp; cũng bất ngờ vì vị trí trên đã bị đình chỉ khai thác cát.

Bà Thơm nói Phòng cũng nhận được thông tin khai cát trái phép ở hồ Hàm Thuận và thường xuyên phối hợp địa phương kiểm tra. Tuy nhiên, các đối tượng rất tinh vi, hễ đoàn kiểm tra vào tới nơi thì không có hoạt động khai thác cát diễn ra. Một số máy móc, thiết bị được di chuyển sang địa phận tỉnh Bình Thuận nên khó xử lý.

Theo bà Thơm, để xử lý triệt để, cần cưỡng chế di dời toàn bộ phương tiện máy móc ra khỏi khu vực. Hiện Phòng đang đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp, hỗ trợ cưỡng chế di dời.

Tại khu vực lòng thủy điện Đồng Nai 3 thuộc thôn 3, xã Đinh Trang Thượng, theo ghi nhận của PV, Cty TNHH Bình Minh Lâm Đồng là đơn vị được cấp phép nạo vét tận thu khoáng sản; cũng có dấu hiệu khai thác sai vị trí được cấp phép; không cắm phao thả mốc xác định vị trí khu vực nạo vét được cấp phép…

Xe chở cát từ khu vực lòng hồ thủy điện Hàm Thuận.

Xe chở cát từ khu vực lòng hồ thủy điện Hàm Thuận.

Ông K’Đô, Chủ tịch UBND xã cho biết, quá trình khai thác, DN không cung cấp giấy phép cho xã. Cách đây 1 tháng, xã phối hợp Phòng TN&MT, công an huyện xuống kiểm tra, nhận thấy DN vi phạm khai thác cát sai vị trí, còn cụ thể sai như thế nào, mức độ thế nào “không rõ do phía công an huyện chủ trì làm việc, đang hoàn thiện hồ sơ xử lý”.

Về trường hợp này, đại diện Phòng TN&MT qua xem các hình ảnh PV cung cấp cũng nhận định DN múc đất, khai thác cát không đúng vị trí. Hiện trạng thực địa khác nhiều so với thời điểm kiểm tra cách đây 1 tháng: “Phòng sẽ phối hợp với xã kiểm tra làm rõ, tránh tình trạng cấp phép một đằng làm một nẻo”.

Theo Phòng TN&MT, trên địa bàn huyện có 7 đơn vị được cấp phép khai thác mỏ, cát. Trong đó, riêng về khai thác cát có 2 mỏ của Cty Vinh Quang và mỏ của Cty Đoàn Dung. Cty Vinh Quang đang tạm dừng khai thác, nợ thuế. 3 đơn vị được cấp phép nạo vét tận thu cát gồm Cty Rạng Đông, Cty Bình Minh và Cty Song Sinh.

Có sự khó hiểu ở xã Đinh Trang Thượng, là Chủ tịch xã cung cấp thông tin chủ DN khai thác cát là ông Phan Bội Dũng (ngụ thôn 3). Ngay sau khi PV rời trụ sở xã, một người đàn ông gọi điện giới thiệu tên là Dũng muốn tiếp cận PV.

Tuy nhiên, đại diện Phòng TN&MT huyện khẳng định, đến hiện tại chỉ có Cty TNHH Bình Minh Lâm Đồng trụ sở chính tại thôn 1, xã Đinh Trang Thượng của ông Phạm Viết Bình (SN 1975) được cấp phép nạo vét khai thác cát ở lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3. Còn DNTN Bội Dũng mới chỉ được cấp phép hoạt động trong phạm vi lòng hồ chứ chưa được cấp phép khai thác cát.

Đọc thêm