Đi ngược chiều đạo lý

(PLVN) - Trong cơn dịch bệnh hoành hành, lợi dụng sự khó khăn, một nhóm người lập ra các app (ứng dụng) tín dụng và mồi chài “ở nhà kiếm tiền triệu”.
Hình minh họa

Nhiều người đã sa vào bẫy tín dụng ảo này với “mồi nhử” ban đầu hàng ngày thu về lãi suất đều đặn, sau một tháng lãi vài chục triệu nhưng khi không đủ tiền để đóng thêm muốn rút vốn ra thì không biết ai là chủ “app” và bị xóa tên ra khỏi app.

Một phụ nữ phải nghỉ việc do dịch, bị nhử vào bẫy này, sau một tháng chị nộp vào 50 triệu, thu “lãi” được 20 triệu, mất trắng 30 triệu. Món tiền tiết kiệm của vợ chồng chị “bay hơi” quá nửa, không những thế, hệ lụy của việc này có thể khiến gia đình chị xào xáo. Có một số kẻ còn giả dạng “app” chính thức của các ngân hàng thương mại để nhử người nhàn rỗi và có “tiền nhàn rỗi” sập bẫy, báo chí từng cảnh báo nhưng không phải ai cũng biết đây là hành vi lừa đảo và có các dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Việc bán hàng online nở rộ trong mùa dịch, phù hợp với việc mua bán khi giãn cách xã hội và “ở nhà là yêu nước”. Thế nhưng, có kẻ lợi dụng điều này để bán các sản phẩm kém chất lượng, hoặc hàng giả, hàng nhái, không như quảng cáo rao bán và khách hàng không thể liên lạc được với người bán sau khi mua hàng.

Các hình thức lừa đảo qua mạng như “thông báo trúng thưởng” hoặc mạo danh các cơ quan nhà nước thông báo phải nộp phạt hoặc “nhận bưu phẩm”, thậm chí cả đe dọa phạm pháp để tống tiền người nhận điện thoại cũng đã xảy ra và không ít người đã trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo này.

Trong dịch dã hoành hành, đạo lý truyền thống tốt đẹp “nhường cơm, sẻ áo” được thể hiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều người, giúp nhau vượt qua hoạn nạn thì vẫn có những hành vi, việc làm đi ngược với đạo lý đó. Đó là điều khó có thể chấp nhận trong xu thế chung sức, đồng lòng chống dịch và thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra.

Đọc thêm