Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng: 20 năm vươn tầm quốc tế

(PLVN) - Năm 2003, UNESCO đã công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới ở tiêu chí địa chất địa mạo. Đến năm 2015, với những giá trị ngoại hạng của mình, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục được vinh danh Di sản Thiên nhiên thế giới lần 2 với các tiêu chí: hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Cửa ngõ vào VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

20 năm trước, tại Hội nghị thường niên lần thứ 27 diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận VQG Phong Nha - Kẻ Bàng của Việt Nam là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí địa chất địa mạo, cụ thể là đại diện quá trình hình thành trái đất và giá trị địa chất.

Đến ngày 3/7/2015, các thành viên của WHC đã nhất trí bổ sung thêm tiêu chí ix - các giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, tiêu chí x - sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học, gọi tắt chung là tiêu chí: hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Suốt nhiều năm qua, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế lớn như: The New York Times, The Guardian, The Mirror, The Huffington Post... và hơn 50 tạp chí trên thế giới đã liên tục có rất nhiều bài viết ca ngợi.

Nhiều hoạt động kỷ niệm

Ngày 27/6, thông tin từ Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 20 năm Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận và vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới (5/7/2003 – 5/7/2023), tỉnh Quảng Bình tổ chức nhiều sự kiện chào mừng như:

VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có đặc thù sinh cảnh riêng và ẩn chứa rất nhiều giá trị ngoại hạng.

Thi trực tuyến “Tìm hiểu về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng” diễn ra trong các ngày 14/6, 21/6 và ngày 28/6 trên trang website:quangbinh.gov.vn hoặc fanpage Facebook: Tuổi trẻ Quảng Bình. Lễ tổng kết trao giải sẽ diễn ra ngày 30/6 tại Nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Bình.

Một sự kiện nổi bật khác là Chương trình “Áo dài - Về miền di sản Quảng Bình” vào lúc 20h00 ngày 30/6 tại trung tâm thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch.

Và đặc biệt, hội thảo khoa học mang tầm quốc tế về Di sản thiên nhiên thế giới này với chủ đề “Phát huy giá trị Di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững” được tổ chức trong 2 ngày (30/6 và 1/7 tại TP Đồng Hới).

Hội thảo này dự kiến sẽ thu hút khoảng 300 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, UNESCO, IUCN, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và thế giới.

Các hoạt động chính kỷ niệm 20 năm Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Trong chuỗi các sự kiện nổi bật trên là các hoạt động chào mừng đi kèm: Họp báo tuyên truyền quảng bá; xuất bản ấn phẩm song ngữ Việt – Anh về Hội thảo khoa học quốc tế về Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; xuất bản sách “Kỳ quan hang động Quảng Bình”; sản xuất và phát sóng phim tài liệu song ngữ Việt – Anh “VQG Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sau 20 năm được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới”; xuất bản số báo đặc biệt “VQG Phong Nha - Kẻ Bàng sau 20 năm được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới”; tuyên truyền bằng trực quan pano tấm lớn, băng rôn tại các trục đường chính, các khu trung tâm…

Những con số biết nói

Trao đổi với PLVN, ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng khẳng định: “Việc ghi nhận Di sản thiên nhiên thế giới là một dấu mốc không những khẳng định các giá trị ngoại hạng toàn cầu của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, mà còn là sự thừa nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên”.

Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật luôn được chú trọng đẩy mạnh để bảo vệ và phát huy bền vững các giá trị di sản.

“Chuỗi hoạt động thiết thực lần này, ngoài ý nghĩa kỷ niệm chào mừng còn hướng tới mục tiêu nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân có nhận thức đầy đủ giá trị, vị thế VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực cũng như cả nước. Để từ đó, ý thức, trách nhiệm chung tay trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới” – ông Thái cho biết thêm.

Sau 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên giới, hoạt động phát triển du lịch đã đạt được những kết quả vượt bậc. Nơi đây là “trái tim” của du lịch Quảng Bình và được mệnh danh là kinh đô của du lịch khám phá mạo hiểm hang động, rừng núi. 20 năm qua, đã có 17 tuyến, điểm du lịch được đưa vào khai thác. Trong đó, chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới là sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Di sản này đã đón gần 10 triệu lượt khách, doanh thu từ phí tham quan đạt 1.742 tỷ đồng.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học và cứu hộ, đã phát hiện thêm 43 loài mới (5 loài thực vật, 38 loài động vật); có 425 hang động, với tổng chiều dài 243km đã được khảo sát và đo vẽ; 1.439 cá thể động vật hoang dã, 1.575kg phong lan đã được cứu hộ, chăm sóc, 1.335 cá thể đã được thả về môi trường tự nhiên; nuôi cứu hộ 64 cá thể động vật hoang dã, với 7 cá thể hổ Đông Dương; tỷ lệ cứu hộ thành công đến 85%.

Du lịch mạo hiểm hang động là sản phẩm đặc biệt riêng có của Phong Nha – Kẻ Bàng.

Công tác tuyên truyền bảo vệ tài nguyên di sản được chú trọng với 1.565 lượt đến 876 lượt thôn bản, tiếp cận đến 29.628 lượt người; 5 cuộc thi vẽ tranh cho học sinh, phát hành 60.000 ấn phẩm; lực lượng chuyên môn của Ban quản lý VQG này đã vận động người dân các vùng đệm giao nộp 126 khẩu súng tự chế, 23 cá thể động vật rừng quý hiếm.

Công tác bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng được đặc biệt chú trọng. Trong 20 năm qua, lực lượng kiểm lâm Vườn này đã tổ chức 41.000 đợt tuần tra rừng với tổng thời gian 45.500 ngày trên quãng đường 211.240km; 42.596 bẫy đã bị tháo dỡ, 579 lán trại bị phá hủy, 4.158 lượt người xâm nhập trái phép bị đẩy đuổi ra khỏi rừng.