Trọng tài thương mại phải ghi rõ trong bản án về quyền yêu cầu thi hành án
Luật Cạnh tranh năm 2018 đã sửa đổi Điều 121 Luật Cạnh tranh năm 2004 về thi hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thành Điều 114 (Thi hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh) và Điều 115 (Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh). Đặc biệt, Điều 116 Luật Cạnh tranh năm 2018 đã sửa đổi một số quy định trong Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Cụ thể:
Trước đây đối tượng thi hành án là Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh khi đáp ứng đủ điều kiện: Sau 30 ngày, kể từ ngàyQuyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án. Theo Luật Cạnh tranh năm 2018, Điểm c khoản 1 Điều 116 Luật Cạnh tranh năm 2018 sửa đổi quy định tại Điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật thi hành án dân sự. Theo đó đối tượng là quyết định cạnh tranh được tổ chức thi hành bao gồm:
Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành mà sau 15 ngày kể từ ngày Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành.
Quyết định giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến tài sản của bên phải thi hành mà sau 15 ngày kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành hoặc không khởi kiện ra Toà án theo quy định tại Điều 103 của Luật Cạnh tranh năm 2018.
Luật Cạnh tranh năm 2018 đã thay cụm từ “Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh” tại Điều 26 Luật thi hành án dân sự bằng cụm từ “Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”.
Theo đó, khi ra bản án, quyết định, ngoài việc phải giải thích cho đương sự, Tòa án, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại còn phải ghi rõ trong bản án, quyết định về quyền yêu cầu thi hành án, nghĩa vụ thi hành án, thời hiệu yêu cầu thi hành án của các đương sự.
Tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về cạnh tranh
Điều 116 Luật Cạnh tranh năm 2018 thay cụm từ “Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh” tại Điều 27 Luật thi hành án dân sự bằng cụm từ “Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”. Theo đó chủ thể cấp bản án, quyết định bao gồm: Tòa án, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Trọng tài thương mại phải cấp cho đương sự bản án, quyết định có ghi “ để thi hành”.
Về thẩm quyền thi hành án, Điều 116 Luật Cạnh tranh năm 2018 thay cụm từ “Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh” tại điểm e khoản 2 Điều 35 Luật thi hành án dân sự thành cụm từ “Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh”. Theo đó cơ quan thi hành án cấp tỉnh có thẩm quyền tổ chức thi hành các quyết định này.
Về chủ thể có quyền yêu cầu thi hành án: Theo quy định tại Điều 114, Điều 115 Luật Cạnh tranh năm 2018, đối với Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, sau 15 ngày kể từ ngày Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành thì bên được thi hành, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định.
Trường hợp Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định. Đối với quyết định giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền tổ chức thi hành là bên được thi hành và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Như vậy, so với chủ thể yêu cầu thi hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định tại Luật Cạnh tranh năm 2004 thì chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án đối với các quyết định này đã được mở rộng thêm, bao gồm Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Về hiệu lực của Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: Điều 95 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày kết thúc thời hạn khiếu nại quy định tại Điều 96 của Luật Cạnh tranh năm 2018 (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, tổ chức, cá nhân không nhất trí với một phần hoặc toàn bộ nội dung Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 99 của Luật Cạnh tranh”.
Việc xác định hiệu lực pháp luật, hiệu lực thi hành của các Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh cũng như tổ chức thi hành các vụ việc này mang nhiều tính chất đặc thù và phức tạp. Trong khi đó Luật thi hành án dân sự chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành các Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (trước đây) và hiện nay là Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định giải quyết khiếu nại Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Do đó cần xem xét bổ sung các quy định hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này tại Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo thuận lợi cho cơ quan thi hành án dân sự khi tổ chức thi hành các Quyết định liên quan đến cạnh tranh theo thẩm quyền. Đồng thời cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền các quy định pháp luật về cạnh tranh năm 2018 đối với chấp hành viên và cán bộ cơ quan thi hành án dân sự để nâng cao hiệu quả thi hành án đối với các vụ việc này.