“Điểm nóng” vi phạm đê điều tại Lạng Giang (Bắc Giang): Vì sao chưa xử lý dứt điểm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuyến đê Bối (Đào Mỹ, Lạng Giang, Bắc Giang) xuất hiện bãi tập kết vật liệu xây dựng và công trình xây dựng không phép trên bãi sông ngang nhiên tồn tại, hoạt động trong thời gian dài, tuy nhiên chính quyền xã Đào Mỹ cũng như UBND huyện Lạng Giang vẫn chưa có các động thái xử lý dứt điểm các vi phạm trên.
Bãi tập kết cát, than trái phép của ông Dương Quang Minh.
Bãi tập kết cát, than trái phép của ông Dương Quang Minh.

Đã bị lập biên bản, vẫn tiếp tục vi phạm

Theo tìm hiểu của PV, hiện trên một số tuyến đê của huyện Lạng Giang xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai có diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là vi phạm của các bến bãi kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng trái phép ngoài bãi sông.

Điển hình là trường hợp của hộ ông Dương Quang Minh (địa chỉ tại thôn Gai Bún, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang) có hành vi tự ý tập kết vật liệu xây dựng trái phép (cát, than) ngoài bãi sông; xây dựng công trình (trụ cẩu) trái phép.

Trước đó, ngày 24/11/2020, Hạt Quản lý đê Lạng Giang phối hợp UBND xã Đào Mỹ đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản làm việc về việc tự ý tập kết vật liệu xây dựng và xây dựng công trình không có giấy phép ngoài bãi sông (lúc này hộ ông Minh mới đổ xong bê tông phần móng cọc) và đề nghị UBND xã Đào Mỹ có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, sau đó hộ ông Dương Quang Minh vẫn tiếp tục tập kết vật liệu và xây dựng công trình (đổ 6 cột bê tông kích thước 0,5 x 0,5m); sàn bê tông cốt thép kích thước 5 x 6m sát mép sông; cách trụ cẩu đã thi công trên về phía thượng lưu 20m tiếp tục xây dựng trụ cẩu thứ 2, ghép ván khuôn cột và sàn với kích thước cột (0,3 x 0,3m) cao 3m.

Những hành vi trên đã vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 7; điểm g khoản 1 Điều 25 Luật Đê điều và khoản 4 Điều 12 Luật Phòng, chống thiên tai.

Tiếp đó, ngày 22/4/2021, Hạt Quản lý đê Lạng Giang phối hợp UBND xã Đào Mỹ kiểm tra tình trạng vi phạm và gửi công văn đến UBND huyện Lạng Giang và các cơ quan liên quan khác đề nghị có biện pháp ngăn chặn và xử phạt theo quy định.

Xây dựng trụ cẩu bê tông lấn vào lòng sông trên hành lang thoát lũ.

Xây dựng trụ cẩu bê tông lấn vào lòng sông trên hành lang thoát lũ.

Địa phương buông lỏng hay quản lý yếu kém?

Ngày 13/8/2021, UBND huyện Lạng Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hộ ông Dương Quang Minh và yêu cầu ông Minh phải tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay theo ghi nhận của PV, các vi phạm trên vẫn chưa được xử lý.

Trả lời PV, ông Nghiêm Phú Sơn, Trưởng phòng TN&MT huyện cho biết đã nắm được thông tin về trường hợp vi phạm của hộ gia đình ông Minh trên địa bàn huyện. Vừa qua Phòng TN&MT đã phối hợp Phòng NN&PTNT kiểm tra xử phạt với trường hợp vi phạm này. Ông Sơn cũng xác nhận việc chở xỉ than của hộ gia đình này cũng gây ra tình trạng bụi bẩn, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng an toàn giao thông trên địa bàn và “xin nhận trách nhiệm việc chưa sát sao trong công tác quản lý”.

Ông Lê Thành Chung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bắc Giang xác nhận trên địa bàn có trường hợp vi phạm của ông Dương Quang Minh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ; vi phạm Luật Phòng, chống thiên tai; tuy nhiên trách nhiệm của Chi cục chỉ dừng lại ở mức độ đề xuất tham mưu cho cơ quan quản lý cấp địa phương xử lý, không đủ thẩm quyền để ra các quyết định khác.

Văn bản của Chi cục Thủy lợi Bắc Giang với hộ ông Dương Quang Minh.

Văn bản của Chi cục Thủy lợi Bắc Giang với hộ ông Dương Quang Minh.

Việc xây dựng trái phép công trình bê tông, tự ý lấn chiếm bãi sông, lòng sông của hộ ông Minh bị đánh giá đang làm tăng rủi ro thiên tai, vi phạm Luật Phòng, chống thiên tai; cộng với việc tập kết vật liệu xây dựng không được cơ quan chức năng cấp phép; cần được xử lý triệt để. Trước sự việc này, nhiều người dân địa phương đặt ra câu hỏi vì sao vi phạm này đã tồn đọng thời gian dài nhưng địa phương không áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm, xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe như cưỡng chế, trả lại nguyên trạng?

Đọc thêm