“Điểm nóng” xây dựng không phép tại Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Phường Tứ Liên, quận Tây Hồ nằm ven sông Hồng đang là một trong những địa bàn hưởng lợi khi cơ quan chức năng vừa công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Giá đất tại khu vực này tăng chóng mặt, nhưng việc quản lý sử dụng đất đai nơi đây đang có nhiều vi phạm diễn ra thời gian dài chưa được xử lý dứt điểm.
Trong “ngách 35” có nhiều biệt thự, ngôi nhà xây dựng không phép.
Trong “ngách 35” có nhiều biệt thự, ngôi nhà xây dựng không phép.

Theo phản ánh, có một thực tế nhức nhối đã đang xảy ra trên địa bàn phường Tứ Liên là tình trạng sử dụng đất công ích, đất nông nghiệp sai mục đích, có khi dẫn tới tình trạng hình thành cả khu dân cư xây dựng không phép.

Có thể kể ra một khu vực vi phạm nằm tại “ngách 35” ngõ 76 phố An Dương thuộc cụm 1 tổ dân phố số 2, phường Tứ Liên. Gọi là “ngách” nhưng thực tế “ngách 35” có làn đường rộng như phố, hai ô tô tải cỡ lớn có thể tránh nhau dễ dàng, là tuyến đường kết nối liên khu giữa phường Yên Phụ - phường Tứ Liên.

Sở dĩ người dân gọi đây là “ngách 35” vì thông với ngõ 76 của phố An Dương. Trên giấy tờ, “ngách 35” chưa được công nhận tổ dân phố như một đơn vị hành chính chính thức. Một số người địa phương gọi vui “ngách 35” là “xóm liều” vì ở đây không phải quy hoạch đất ở nên không có sổ đỏ, nhà ở đây đều xây dựng không phép, chỉ những người “máu liều” mới dám mua và xây nhà để ở.

Một bãi trông giữ xe trong “ngách 35”.

Một bãi trông giữ xe trong “ngách 35”.

Trong vai người có nhu cầu mua đất xây nhà, chúng tôi được một số người dân sống tại đây cảnh báo: “Đây toàn đất “nhảy dù”, không có “sổ đỏ”. Mà khi mua đất xong, muốn xây dựng thì phải “làm luật”. Cân nhắc kỹ khi mua”.

Theo quan sát, hiện “ngách 35” đã có hàng trăm ngôi nhà lớn nhỏ, có cả những cơ ngơi rộng lớn như “biệt phủ” hàng nghìn m2 với tường bao kiên cố chạy dài, xen lẫn là những ngôi nhà xây theo kiểu tạm bợ dạng cấp 4, mái tôn.

Theo tìm hiểu, trong 5 năm gần đây (2017-2022), tình trạng vi phạm sử dụng đất và trật tự xây dựng ở Tứ Liên diễn ra rất “nóng”. Theo người dân địa phương, giai đoạn này nhiều công trình nhà không phép đã mọc lên trên những mảnh đất quy hoạch đất trồng cây, đất cây xanh hoặc quỹ đất phục vụ xây dựng công ích.

Giai đoạn này, Chủ tịch UBND phường Tứ Liên là ông Nguyễn Văn Quang và Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách xây dựng Lê Văn Thủy là người chịu trách nhiệm trực tiếp về vấn đề đất bị sử dụng sai mục đích, xây dựng không phép. Sau khi ông Quang về hưu, ông Thủy được bổ nhiệm Phó Phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ; thì ông Nguyễn Việt Cường giữ chức Chủ tịch UBND phường Tứ Liên và ông Nguyễn Công Quảng giữ chức Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực xây dựng.

Vi phạm trong sử dụng đất ở “ngách 35” nóng đến mức ông Quảng từng bị người dân làm đơn tố cáo về nhiều hành vi gửi tới UBND quận. Năm 2020, một người dân ngụ phố An Dương đã có đơn thư tố ông Quảng “tạo điều kiện” cho sai phạm trật tự xây dựng tràn lan trên địa bàn phường. Đơn còn nêu cả chuyện “làm luật” để được xây dựng trên đất không sổ đỏ.

Đơn cũng cho rằng một số cán bộ UBND phường, Tổ quản lý Trật tự xây dựng – đô thị phường “bảo kê, bao che, buông lỏng quản lý để các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp”.

Thanh tra quận thụ lý giải quyết và có kết luận về vấn đề này. Đến thời điểm hiện tại, sau những “lùm xùm” kiện cáo và hàng loạt ngôi nhà không phép mọc lên ở “ngách 35”, ông Quảng đã được lên chức, được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND phường Phú Thượng. Còn ông Cường vừa được UBND quận Tây Hồ có Quyết định 1142/QĐ-CTUBND ngày 29/4/2022 điều động, bổ nhiệm giữ chức Trưởng Phòng Kinh tế.

Một sân tennis trong “ngách 35”.

Một sân tennis trong “ngách 35”.

Theo ghi nhận, dù là đất không có sổ đỏ nhưng việc mua bán đất ở “ngách 35” vẫn diễn ra rất sôi động. “Khoảng năm 2016, giá đất ở đây chỉ dao động 15-19 triệu đồng/m2 thì bây giờ lên tới 30 triệu đồng/m2. Thậm chí những miếng mặt đường gần 40 triệu dù chưa có sổ đỏ”, một người dân cho hay.

Có thể kể ra một ví dụ cụ thể như khu đất ở số 27 kéo dài đến số 31 nằm tại “ngách 35”. Khu đất này vốn là đất trồng cây, trồng rau đã được một người phụ nữ “phân lô” thành nhiều miếng nhỏ để bán cho nhiều người. Chủ đất cũng giữ lại một miếng, xây dựng hẳn một “biệt thự” hoành tráng.

Không biết bằng cách nào, tất cả các lô đất trên đều đã được xây dựng thành những công trình “khủng” dù đều là loại đất mua bán “chui” bằng những tờ giấy viết tay, không được pháp luật công nhận. Cùng với “cơn sốt” đất ở “ngách 35”, việc dễ dàng xây dựng các công trình dù không được cấp phép xây dựng đã khiến khu vực này hấp dẫn nhiều khách ở các tỉnh địa phương nơi khác tìm đến để mua đầu cơ.

Để làm rõ những vấn đề trên, ngày 26/4/2022, PV đã đăng ký làm việc với UBND quận Tây Hồ. Ngày 28/4/2022, Văn phòng HĐND&UBND quận có Phiếu chuyển số 23/VP thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND quận, giao UBND phường Tứ Liên làm việc và cung cấp thông tin.

PV tiếp tục liên hệ làm việc với UBND phường Tứ Liên. Sau đó, ông Lê Hùng Phong, Tổ trưởng Tổ Quản lý trật tự đô thị, cho biết được lãnh đạo UBND phường giao mời PV đến làm việc. Tuy nhiên, khi PV đến làm việc thì vị Tổ trưởng này chỉ thông tin: “Đây đều là công trình xây dựng tồn tại cũ, tôi mới chuyển về đây công tác từ 2018 nên không nắm được. Hôm nay tôi chỉ tiếp nhận thông tin của PV, sẽ báo cáo lại lãnh đạo phường để sắp xếp một buổi làm việc khác, chứ tôi không có đủ thẩm quyền phát ngôn”.

Một Luật sư bình luận: “Việc sử dụng đất sai mục đích là một thủ đoạn làm giàu bất chính, vi phạm pháp luật; khiến Nhà nước bị thất thu ngân sách, gây ra những tiêu cực trong xã hội. Đây là vấn đề cần các cấp chính quyền của quận Tây Hồ và TP Hà Nội phải vào cuộc mạnh mẽ xử lý dứt điểm; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm minh”.

Nhiều lô đất rộng hàng nghìn m2 tại “ngách 35” dù chưa bị “phân lô” để bán nhưng lại đang được biến thành các bãi xe, sân bóng, sân tenis. Với lượng chứa đến vài trăm chiếc xe và các sân bóng, tenis hoạt động hết công suất. Theo người dân địa phương, các chủ bãi xe này mỗi tháng đút túi từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng nhưng không hề đóng thuế theo quy định vì toàn bộ hoạt động kinh doanh ở đây đều “chui”.

Đọc thêm