Các bệnh viện tuyến huyện luôn gặp khó trong việc xử xử lý chất thải y tế - chất thải nguy hại trong việc bảo vệ môi trường. Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo là một trong số ít các bệnh viện trên địa bàn Hải Phòng có đầy đủ cơ sở xử lý chất thải nguy hại từ hoạt động khám chữa bệnh.
Bà Phạm Thị Lương - Giám đốc Bệnh viện Vĩnh Bảo |
Được thành lập từ năm 1963, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo là bệnh viện cấp II, hàng ngày Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo đón tiếp 250 lượt bệnh nhân tới khám chữa bệnh.
Lượng bệnh nhân khá đông nên kéo theo lượng phế phẩm y tế, rác thải rắn được thải ra từ hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện trung bình 30kg/ngày, nước thải sinh hoạt, nước thải y tế bệnh viện phải xử lý 200m3/ngày. Vì vậy, việc thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường luôn được Ban lãnh đạo bệnh viện hết sức coi trọng và xử lý đảm bảo đúng quy trình.
Ông Đào Nguyên Hùng - Trưởng phòng Quản trị hành chính bệnh viện - cho biết, đầu năm 2012, theo Đề án 225/2005/QĐ-TTg về việc nâng cấp bệnh viêjện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005-2008, Bệnh viện đã được Nhà nước trang bị một lò đốt 2 buồng để tiêu hủy chất thải nguy hại mang mầm bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chống lây lan vi trùng và dịch bệnh. Chất lượng khí thải của lò đạt chất lượng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 6560-1999) về khí thải lò đốt chất thải rắn.
Tiếp đến là quy trình xử lý nước thải, ông Hùng hồ hởi khoe, từ năm 2000 Bệnh viện đã được UNICEF tài trợ hệ thống xử lý nước thải để xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt, nước thải y tế. Toàn bộ nguồn nước thải y tế, nước thải sinh hoạt được thu từ các khoa, buồng bệnh rồi chảy về khu vực 2 bể xử lý này bằng hệ thống cống ngầm. Tại đây, nước thải được xử lý theo công nghệ môi trường Formach, đảm bảo tiêu chuẩn về nước thải. Hệ thống này luôn được các cán bộ của bệnh viện sử dụng, quản lý tốt.
Để đảo bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và xử lý rác thải, trong những năm qua, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo luôn chú trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, bác sỹ, bệnh nhân. Rác thải được phân loại ngay từ các khoa, buồng bệnh trước khi chuyển đi xử lý.
Bà Dương Thị Nguyệt - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chia sẻ: “Các dịp đầu năm, bệnh viện thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, bác sỹ thực hiện nghiêm túc Quyết định 43/2007/QĐ-BYT về việc ban hành Quy chế quản lý chất thải y tế và Thông tư số 18/2009/ TT-BYT về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Bà Nguyệt cho biết thêm: “Thời gian gần đây, việc quản lý chất thải lây nhiễm nhau thai đang là vấn đề nhạy cảm, để quản lý tốt vấn đề này, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo đã xây dựng Kế hoạch số 07/KH-KSNK ngày 05/06/2012 về việc Quản lý chất thải lây nhiễm nhau thai. Trong đó quy định cụ thể phương pháp xử lý ban đầu, cách thức vận chuyển, phương pháp tiêu hủy, phân công các bộ phận chuyên trách thực hiện, lập sổ sách theo dõi số liệu cụ thể, để đảm bảo về công tác vệ sinh môi trường cũng như vấn đề khác”.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - người đã sống nhiều năm nay cạnh bệnh viện tại khu phố Tân Hòa, thị trấn Vĩnh Bảo cho biết: “Trước đây chưa có hệ thống đốt rác thải, toàn bộ lượng rác thải được đốt thủ công thải ra khói bụi và mùi khét rất khó chịu. Từ khi lò đốt rác thải được vận hành, việc đốt rác của bệnh viện không gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh nữa”.
Sau cơn bão số 8 quét qua Hải Phòng vừa qua (28/10), Bệnh viện Vĩnh Bảo cũng bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều cây cối gẫy đổ, các cửa kính vỡ vụn, việc xử lý môi trường, thu gom rác thải bị xáo trộn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành việc thu gom xử lý rác thải đảm bảo môi trường tốt phục vụ cho công tác khám chữa bệnh.
Trao đổi với PLVN, bà Phạm Thị Lương - Bác sỹ chuyên khoa I, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo - cho biết: “Giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý chất thải rắn, nước thải bệnh viện là vấn đề rất bức thiết mà Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo luôn coi trọng thực hiện.
Ngoài ra, Bệnh viện tổ chức thành lập Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng kế hoạch hoạt động của Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn, thành lập mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện giao ban 1 lần/tháng về vấn đề môi trường bệnh viện. Việc này không chỉ đảm bảo tốt cho môi trường xung quanh mà còn tránh được nhiễm khuẩn bệnh viện do ô nhiêm môi trường gây ra”.
Đông Bắc