Điện ảnh Việt dùng kịch bản nước ngoài: Vì biên kịch thừa mà... thiếu?

(PLO) - Biên kịch hiện đang là một nghề được coi là “thời thượng” với giới trẻ. Nhưng dù lớp trẻ tham gia biên kịch đang ngày một đông lên thì phim Việt vẫn đang thiếu hụt trầm trọng một đội ngũ biên kịch chắc tay.
Dù là cây viết ngôn tình được yêu thích nhưng khi bắt tay vào biên kịch cho dự án Thử yêu rồi biết, Hamlet Trương vẫn bị đánh giá kịch bản “dở dưới trung bình”.

Vì sao kịch bản Việt không phải lựa chọn hàng đầu?

Thời gian vừa qua, "sốt" nhất thị trường điện ảnh Việt có lẽ phải kể đến Tháng năm rực rỡ, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Không thể phủ nhận, một trong những yếu tố khiến bộ phim thành công chính là nhờ kịch bản đầy sức hút của bộ phim bản gốc tiếng Hàn. Một kịch bản hay nhưng rất nhẹ nhàng và giản đơn, giản đơn đến mức nhiều người quan tâm đến điện ảnh phải thốt lên: Chẳng lẽ biên kịch Việt Nam không thể viết ra được những kịch bản thế này?

Khan hiếm kịch bản hay, có sức bật đang là một thực tế hiện nay. Thiếu biên kịch giỏi, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn cũng kiêm luôn phần viết kịch bản, tự triển khai những ý tưởng mình đề ra. 

Đó cũng chính là một trong những lý do khiến các nhà làm phim “chuộng” kịch bản remake (mua và làm lại từ kịch bản ngoại). Một đạo diễn chia sẻ, thực ra không phải anh không muốn tạo cơ hội cho các biên kịch, đặc biệt là biên kịch trẻ trong nước, nhưng đúng là sau khi xem xét kĩ thì remake vẫn là phương án khả thi và có tiềm năng hơn. Lý do không chỉ bởi các phim remake “ăn theo” độ nổi tiếng của bản gốc, mà thực sự là kịch bản của họ rất hoàn chỉnh, trau chuốt và hấp dẫn. Còn kịch bản của các biên kịch trong nước dù hay thế nào, đâu đó vẫn có thể nhặt ra vài “hạt sạn”, từ kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic hay vài tình tiết phi thực tế, hoặc đuối mạch phim... 

Một ví dụ, kịch bản phim Cô gái đến từ hôm qua, được viết từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Mặc dù bộ phim được đánh giá cao và khá ăn khách nhưng đây đó vẫn có lời phê bình về kịch bản phim đi loãng mạch ở phần cuối bởi những chi tiết “ảo hoá” thừa thãi. Một dự án điện ảnh khá hấp dẫn là Bao giờ có yêu nhau được kì vọng có thể thành công nhưng rồi trở thành “bom xịt”, một phần cũng do nguyên nhân kịch bản còn khá “non” trong nhiều chi tiết. 

Thiếu chất liệu thực tế

Nếu nói đến kịch bản Việt thời gian gần đây được chấm ở thang điểm cao và tiệm cận với chuẩn kịch bản của thị trường điện ảnh khu vực, có lẽ phải nói đến Em chưa 18. Chắc tay, logic, Em chưa 18 đã biến 1 câu chuyện “ngôn tình thời thượng” tưởng như không có gì mới mẻ thành một “quả bom phòng vé” trong nước. Kịch bản Em chưa 18 cũng là kịch bản Việt Nam duy nhất được nhiều nhà sản xuất phim các nước đặt vấn đề mua lại.

Thiếu biên kịch giỏi, nhiều nhà sản xuất, đạo diễn cũng kiêm luôn phần viết kịch bản, tự triển khai những ý tưởng mình đề ra. Cạnh đó, đội ngũ các nhà văn làm biên kịch cũng chiếm một phần rất lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải nhà văn nào viết tốt hoặc có tác phẩm ăn khách thì chất lượng kịch bản cũng tương tự, bởi chất liệu để tạo nên một kịch bản điện ảnh khá khác biệt với chất liệu của một tiểu thuyết, và biên kịch cũng đòi hỏi kĩ thuật khác với viết văn. Hamlet Trương, một cây viết ngôn tình trẻ có sách bán chạy hàng đầu hiện nay, thế nhưng bắt tay vào viết kịch bản cho phim Thử yêu rổi biết thì bộ phim lại bị thất bại nặng nề, đặc biệt là bị khán giả chê thậm tệ về mặt kịch bản. Đây cũng là một thực tế đã được kiểm chứng tại các nền điện ảnh lân cận. 

Hiện nay, về mặt thu nhập, thì cát xê của nghề biên kịch cũng tăng nhiều lần so với những năm trước đây. Hiện trung bình, một nhà biên kịch có thể nhận từ 100 đến vài trăm triệu đồng cho một kịch bản điện ảnh. Có những “kịch bản vàng” được nhà sản xuất trả gần 1 tỉ đồng. Có danh, có tiền, nghề này đã thu hút khá đông đảo lượng biên kịch trẻ tuổi tham gia.

Tuy nhiên, để có những kịch bản đặc sắc, hấp dẫn góp phần giúp điện ảnh Việt có thể vươn tầm ra khu vực, thì chúng ta cần một đội ngũ biên kịch giỏi, chắc tay và chuyên nghiệp hơn thế. Một cái lỗi mà nhiều nhà chuyên môn đánh giá biên kịch Việt rất hay mắc phải là lỗi “thiếu thực tế”. Nếu như ở nước ngoài, nhiều biên kịch khi viết về bất cứ lĩnh vực gì, nhà biên kịch cũng phải “lăn lộn” tận nơi, sống và thấu hiểu lĩnh vực ấy để có chất liệu thực tế thì đa số biên kịch Việt chỉ “ngồi bàn giấy” và tưởng tượng ra.

Ngoài ra, không ít tay viết ngôn tình với vài truyện tình cảm sến sẩm được tung hô trên mạng xã hội cũng ào ào gia nhập nghề, nhưng với kĩ thuật bằng con số không. Số lượng biên kịch giỏi, vừa được đào tạo, vừa có kinh nghiệm và tư duy hiện vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường điện ảnh Việt. Thừa mà thiếu chính là thế!

Đọc thêm