Diễn biến bài 'nghiệt ngã vụ án bị xã đội trưởng tháo biển số xe': Nghi vấn kích động tạo vụ án mới hòng 'mặc cả' một vụ án khác

(PLVN) - Trong vụ án ông Phùng Thạch Đông (SN 1967, ngụ xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) bị xác định gây thương tích cho Xã đội trưởng Ngô Minh Hoàng như số báo trước PLVN đã phản ánh, nguyên nhân sâu xa từ đâu? Vào cuộc tìm hiểu, phát hiện trước đây vị xã đội trưởng từng bị con ông Đông tố cáo.
Anh Dũng lúc bị người quen của xã đội trưởng chém
Anh Dũng lúc bị người quen của xã đội trưởng chém

Con bị chém, cha bị khiêu khích 

Nạn nhân trong vụ án trước chính là anh Phùng Thanh Dũng (SN 1987, con trai ông Đông). Theo đó, doanh nghiệp Phùng Gia của nhà anh Dũng nhận thầu phụ một số hạng mục tại Dự án điện năng lượng mặt trời Sông Lũy. Trong quá trình thi công, khoảng tháng 10/2018, Trương Minh Độ (SN 1990, ngụ thôn 1, xã Sông Lũy) và đồng bọn đặt vấn đề muốn yên ổn làm ăn thì anh Dũng phải chung tiền “bảo kê” 30 triệu đồng/tháng.

Từ ngày 15/11/2018 đến 15/2/2019, anh Dũng đã nhiều lần đưa tiền cho Độ, tổng cộng 100 triệu. Ngày 16/2/2019, Độ tăng tiền bảo kê lên 50 triệu/tháng. Anh Dũng không đồng ý thì Độ đe doạ, cùng đồng bọn nhiều lần kéo đến nhà, công trường, buộc anh Dũng đưa tiền.

Khoảng 18h30 ngày 26/2, Độ cùng Phạm Trường Phụng (SN 1980, ngụ thôn Hoà Bình) và một đối tượng khác cầm hung khí đến nhà chém anh Dũng gây thương tích. Độ và Phụng sau đó bị bắt tạm giam để điều tra tội “Cố ý gây thương tích”.

Anh Dũng cho rằng: “Thương tích của tôi rất nặng nhưng một số người có thẩm quyền cố tình làm nhẹ đi. Tôi nghe công an thông báo chỉ có 11%. Chuyện này tôi đang khiếu nại và xin giám định lại”.

Vậy vị xã đội trưởng liên quan thế nào đến Độ, Phụng và nhiều thanh niên đang làm bảo vệ trong Dự án điện năng lượng mặt trời Sông Lũy? Anh Dũng cho rằng: “Chính ông Hoàng là người đưa Độ vào làm bảo vệ. Ở đây nhiều người biết Độ là đối tượng bảo kê gái bán dâm, bảo kê các quán Karaoke, chẳng lẽ xã đội trưởng lại không biết. Khi tôi không chịu chung tiền bảo kê, Độ liên tiếp cho đàn em đuổi đánh công nhân của tôi ở trong công trường. Ví dụ ngày 19/2/2019, khi Độ cùng vài chục đối tượng cầm hung khí đến công trường đập phá, đe doạ, đuổi công nhân của tôi. Sau đó công an xã tới, vị xã đội trưởng cũng tới nhưng không có động thái ngăn cản. Thậm chí xã đội trưởng còn cười đùa với nhóm của Độ. Tôi đã từng làm đơn tố cáo xã đội trưởng vấn đề này. Có thể ông Hoàng ghét gia đình tôi từ đó”.

Đoạn đường nơi xảy ra vụ việc giữa ông Đông và xã đội trưởng
Đoạn đường nơi xảy ra vụ việc giữa ông Đông và xã đội trưởng

Trước những tố cáo này, vị xã đội trưởng thừa nhận là người đưa Độ và một số người vào Dự án làm bảo vệ, lý giải việc đưa những người này vào làm là vì Dự án có nhu cầu và “là người cùng thôn, không có việc làm”.

Tuy nhiên, vị xã đội trưởng cho rằng: “Tôi và Dũng cùng anh trai Dũng chơi rất thân, chưa từng mâu thuẫn. Việc tôi không can thiệp khi thấy hai nhóm rượt nhau ở công trường là do lúc đó hết giờ hành chính, tôi lên coi bạn bè làm việc ra sao, thấy hai nhóm đang rượt nhau nhưng là xã đội trưởng đâu có thẩm quyền can thiệp xử lý. Với lại lúc đó chưa có gì xảy ra”. 

Lời “gạ gẫm” bất ngờ

Gia đình anh Dũng cho rằng có mối liên hệ mật thiết giữa vụ án anh Dũng bị chém, với vụ việc ông Đông bị cáo buộc gây thương tích cho vị xã đội trưởng.

Theo anh Dũng, sau khi Độ bị bắt, nhiều lần gia đình anh bị áp lực phải làm đơn bãi nại. “Chúng tìm cách khiêu khích, đập phá biển hiệu công ty, chặn xe… tóm lại là dùng nhiều thủ đoạn để chúng tôi có thể không kiểm soát được hành vi. Trong vụ ba tôi với Hoàng, chúng tôi đã dính vào bẫy. Vì sao tôi nói thế? Vì sau khi ba tôi bị bắt, có người gọi điện thoại hẹn gặp anh trai tôi. Người này nói nếu gia đình làm đơn bãi nại cho Độ thì họ sẽ có cách làm cho xã đội trưởng bãi nại cho ba tôi và ba tôi khỏi bị tạm giam”.

Trở lại câu chuyện ông Đông hiện đang bị bệnh nặng nhưng không được tại ngoại, Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM), nhận định: “Tạm giam là biện pháp nhằm hạn chế việc thông cung với đồng phạm, phi tang chứng cứ hoặc tìm cách trốn tránh, cản trở điều tra, xét xử. Ông Đông bệnh nặng, mới giam được 1 tháng đã 2 lần nhập viện cho thấy tình trạng bệnh rất nghiêm trọng cần được điều trị. Ông Đông thuộc trường hợp “bệnh nặng”, được quy định tại khoản 4 Điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Nếu CQĐT lấy lý do ông Đông không nhận tội để tạm giam thì càng không thuyết phục. Luật quy định rất rõ, bị can, bị cáo không cần chứng minh mình vô tội, không buộc phải khai những gì chống lại mình. Theo tôi, việc tạm giam ông Đông của CQĐT là áp dụng chưa đúng đối tượng”.

Hồ sơ bệnh án cho thấy ông Đông có tiền sử bệnh tim do cao huyết áp và thiếu máu cục bộ hở 02 lá 1/4; bệnh gan nhiễm mỡ…
Hồ sơ bệnh án cho thấy ông Đông có tiền sử bệnh tim do cao huyết áp và thiếu máu cục bộ hở 02 lá 1/4; bệnh gan nhiễm mỡ…

Đồng quan điểm, LS Hứa Thị Thảo (Đoàn LS TP HCM) giải thích: “Cần cho ông Đông tại ngoại để chữa bệnh ngay, tránh những trường hợp xấu nhất. Bởi trong trại tạm giam, môi trường, thuốc men khá hạn chế. Bệnh ông Đông dễ bộc phát nhất thời thì nguy hiểm cho tính mạng”.

“Nếu gia đình đã gửi đơn bảo lãnh mà không được trả lời thì làm đơn khiếu nại đến các cấp cao hơn. Trong việc cho ông Đông tại ngoại, VKS cùng cấp cũng có trách nhiệm. Vì VKS sẽ là cơ quan giám sát việc thực thi pháp luật của CQĐT”.

LS Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP HCM), người bào chữa cho ông Đông kể: “Trong buổi tiếp xúc với ông Đông ngày 29/5, tôi nhận thấy ông Đông đi đứng không bình thường, một chân bị yếu. Tôi đã làm đơn đề nghị cho ông Đông tại ngoại nhưng chưa thấy phản hồi. Tôi sẽ tiếp tục khiếu nại”.

Trước việc tạm giam ông Đông có dấu hiệu không hợp tình hợp lý, VKS các cấp nói gì? Tình trạng bệnh của ông Đông ra sao mà Bệnh viện An Phước đề nghị buộc phải nhập viện để điều trị?

Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.

Đọc thêm