Điện Biên: Doanh nghiệp kêu khổ vì lãnh đạo tỉnh muốn xoá cam kết của tiền nhiệm

(PLO) -  11 năm theo đuổi cụm dự án thuỷ điện nhỏ Mường Luân – Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) đã được UBND tỉnh ra văn bản giao việc khảo sát, lập báo cáo đầu tư, thúc giục triển khai dự án, nhưng hiện tại Công ty cổ phần đầu tư xây dựng điện Linh Linh JFC có nguy cơ bị mất dự án vào tay doanh nghiệp khác.
Nhà máy thuỷ điện Nậm Khoá 3
Nhà máy thuỷ điện Nậm Khoá 3

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công ty Linh Linh đã kể lại câu chuyện họ đến với huyện nghèo Điện Biên Đông nơi đầu nguồn sông Mã từ hơn mười năm trước để khảo sát địa chất, đo đạc từng mỏm đá, mép nước, tính toán nguồn thuỷ năng có thể cho ra đời dòng điện. Kể từ khi Công ty dò đá mở đường, các nhà lãnh đạo tỉnh Điện Biên thời điểm ấy đã nhiệt liệt chào đón, thúc giục triển khai dự án.

Nhiều văn bản giao việc

Ông Bùi Văn Nghĩa, Giám đốc Nhà máy Thuỷ điện Nậm Khoá 3 (Lào Cai) kiêm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Linh Linh, kể lại: Các chuyên gia của Công ty Vina Power mới là những người đầu tiên tiến hành khảo sát sơ bộ tại khu vực Mường Luân, Chiềng Sơ. Theo tính toán ban đầu được Sở Công nghiệp tỉnh Điện Biên báo cáo thì khu vực Mường Luân có thể xây dựng một nhà máy thuỷ điện có công suất lắp máy 13MW, khu vực Chiềng Sơ có thể xây dựng nhà máy có công suất lắp máy 15MW. Đó là thời điểm năm 2007, có thể Vina Power phân tích thấy hiệu quả kinh tế không cao, nên khi Công ty Linh Linh tiếp cận thì họ đã thoả thuận xin chuyển toàn bộ quá trình khảo sát hai dự án thuỷ điện này cho Công ty Linh Linh.

Thoả thuận giữa hai công ty đã nhanh chóng được UBND tỉnh Điện Biên đồng ý, tại công văn số 06/UBND-CN ngày 8-1-2009. Công văn nêu rõ: “Nhất trí việc chuyển giao nhiệm vụ khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy thuỷ điện Mường Luân và thuỷ điện Chiềng Sơ thuộc địa bàn các xã Mường Luân, Chiềng Sơ – huyện Điện Biên Đông từ Công ty cổ phần Vina Power cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng điện Linh Linh JFC”.

Sông Mã, đoạn qua xã Chiềng Sơ
Sông Mã, đoạn qua xã Chiềng Sơ

Mong muốn sớm có các dự án điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh đã động viên Công ty Linh Linh đẩy nhanh tiến độ khảo sát, lập báo cáo đầu tư và chỉ hai tháng sau đó, tức là cuối tháng 3 năm 2009, tỉnh Điện Biên đã triệu tập cuộc họp liên ngành gồm có đại diện các sở: Kế hoạch - đầu tư, Công thương, Giao thông vận tải , UBND huyện Điện Biên Đông. Đến nay, văn bản cuộc họp liên ngành này vẫn còn, trong đó các cơ quan chức năng của Điện Biên thống nhất giao Công ty Linh Linh tiến hành khảo sát, đầu tư xây dựng cụm thuỷ điện với ba nhà máy: Thuỷ điện Mường Luân, công suất lắp máy dự kiến 16MW; Thuỷ điện Chiềng Sơ 1, công suất lắp máy dự kiến 10MW và Thuỷ điện Chiềng Sơ 2 cũng với công suất dự kiến 10MW.

Thậm chí, tỉnh Điện Biên còn giao ngay việc cho Công ty Linh Linh: “Thực hiện ngay việc khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng đường tránh ngập theo tiêu chuẩn giao thông nông thôn A. Kinh phí để thực hiện công việc khảo sát lập dự án, các chi phí khác trong quản lý dự án đầu tư xây dựng và thi công phần mở nền đường, các công trình cầu thuộc đường tránh ngập do nhà đầu tư – Công ty Linh Linh chi trả”.

Không tôn trọng cam kết của lãnh đạo tiền nhiệm? 

Phóng viên đặt câu hỏi với bà Lương Thị Lợi, Giám đốc Công ty Linh Linh, là tại sao mọi việc đang thuận lợi như vậy mà dự án lại vướng mắc cho đến tận bây giờ? Bà kể: khi chúng tôi đang triển khai các công việc cần thiết, theo đúng tiến độ cam kết với địa phương, thì gặp một nguyên nhân khách quan là Thủ tướng quyết định ban hành quy hoạch thuỷ lợi miền Trung giai đoạn 2012-2020, trong đó có hồ chứa Pa Ma (thuộc địa phận tỉnh Sơn La). Do tác động của quy hoạch tổng thể, nên các dự án thuỷ điện cụm Mường Luân, Chiềng Sơ không được phép tiếp tục triển khai xây dựng.

Sau này, đến năm 2016, khi Thủ tướng quyết định loại hồ Pa Ma ra khỏi quy hoạch (lúc đầu dự kiến đầu tư xây dựng hồ thuỷ lợi kết hợp khai thác thuỷ điện, nhưng không hiệu quả vì tác động số lượng lớn dân cư), thì các dự án thuỷ điện trên địa bàn Mường Luân, Chiềng Sơ lại có cơ sở để triển khai.

Bà Lợi kể thêm: “Nhận được thông tin này, chúng tôi đã quay lại Điện Biên để tiếp tục đề xuất thực hiện các công việc đã bắt đầu trước đó, theo đúng các yêu cầu, cam kết của UBND tỉnh. Lúc này chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm khi đầu tư thành công dự án Nhà máy Thuỷ điện Nậm Khoá 3 (Lào Cai). Nhưng khi xúc tiến đầu tư trở lại với Điện Biên thì chúng tôi nắm được thông tin một số nhà đầu tư khác họ cũng muốn có dự án mà chúng tôi đã mất công khảo sát, lập báo cáo đầu tư và đã được tỉnh giao trước đó”.

Ông Bùi Văn Nghĩa (bên trái), đi thực địa Sông Mã
Ông Bùi Văn Nghĩa (bên trái), đi thực địa Sông Mã

Có lẽ vì nhiều nhà đầu tư vào cuộc và cũng có thể cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đã có “cam kết” với nhiều nhà đầu tư, nên ngày 18-1-2017, phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô ký Thông báo số 164/UBND-KT, giao Công ty Linh Linh thực hiện nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện Chiềng Sơ 1. Hai dự án còn lại, tỉnh dự kiến giao cho các doanh nghiệp khác. Ông Bùi Văn Nghĩa cho rằng quyết định này của UBND tỉnh Điện Biên là rất vô lý, bởi Công ty Linh Linh đã mất nhiều thời gian để khảo sát, thăm dò địa chất, báo cáo với cơ quan chức năng của tỉnh và đã được giao việc bằng các văn bản cụ thể.

“Các số liệu, kết quả khảo sát mà chúng tôi đã tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí từ chục năm trước đây, thậm chí Công ty Linh Linh phải thuê các chuyên gia khảo sát địa chất, địa hình, lập báo cáo đầu tư…, đến nay tỉnh Điện Biên vẫn sử dụng. Trong khi họ lại giao chúng tôi dự án khó nhất trong số các dự án cụm thuỷ điện này, đây là điều khiến chúng tôi rất thất vọng” – ông Nghĩa nói.

Không đồng ý cách giải quyết của cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, Công ty Linh Linh đã có các văn bản kiến nghị, yêu cầu tỉnh thực hiện các cam kết đã có, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Đáp lại, các công văn của Sở Công thương, mà mới nhất là 3-5-2018 được Giám đốc Sở Công thương Điện Biên Nguyễn Văn Tưởng ký, đã thừa nhận toàn bộ quá trình Công ty Linh Linh tiếp cận dự án và các văn bản như đã nêu trên đây. Tuy vậy, lãnh đạo Sở Công thương Điện Biên viện dẫn lý do năm 2012 Thủ tướng đã ban hành quyết định quy hoạch thuỷ lợi miền Trung giai đoạn 2012-2020 nên cụm dự án thuỷ điện Mường Luân, Chiềng Sơ không được phép đầu tư xây dựng. Do đó, các văn bản đã cam kết trước đó là không còn hiệu lực.

“Tôi không hiểu tại sao lãnh đạo Sở Công thương Điện Biên lại có thể trả lời như vậy. Các dự án phải dừng lại một thời gian hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, không phải lỗi của doanh nghiệp. Đến khi dự án có điều kiện tiếp tục triển khai, chúng tôi đã có văn bản đề nghị với tỉnh và chúng tôi có đủ năng lực thực hiện các dự án nêu trên. Tại sao toàn bộ quá trình triển khai công việc liên quan đến dự án, toàn bộ các văn bản của tỉnh, lại được cho là không còn giá trị gì khi nguyên nhân khách quan nêu trên đã không tồn tại nữa? Chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh Điện Biên xem xét vụ việc thấu lý đạt tình, cũng mong cơ quan báo chí và cơ quan chức năng nhà nước làm rõ vụ việc” – ông Nghĩa bày tỏ.

Tại sao lãnh đạo tỉnh Điện Biên lại có sự tiền hậu bất nhất như vậy, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm