Bà Nguyễn Thị Thu Hà, quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh còn bị tố sử dụng xe công sai quy định; là hành vi lạm quyền, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước.
Ngày 4 lần đi - về
Theo phản ánh, quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà thường xuyên sử dụng xe ô tô Toyota Corolla Altis biển xanh 29A – 023.80 để đưa đón mình từ nhà của bà này (địa chỉ số 64, ngõ 68, phố Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) tới nơi làm việc tại đường Hoàng Hoa Thám.
Việc bà Hà sử dụng một chiếc ô tô công thường xuyên để đưa đón từ nơi ở tới cơ quan là không đúng tiêu chuẩn. Đối chiếu với quy định tại Nghị định 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, thì bà Hà không thuộc diện chức danh được xe công thường xuyên đưa đón từ nơi ở tới cơ quan.
Để kiểm chứng nội dung phản ánh, PV đã có quá trình theo dõi. Qua quan sát của PV, nhận thấy cứ khoảng gần 7h sáng nhiều ngày trong tuần, chiếc xe biển xanh 29A – 023.80 đến chờ tại ngõ 68 phố Ngọc Thụy (trước cửa nhà hàng Xuân Quế), cách nhà bà Hà khoảng vài chục mét. Sau đó khi bà Hà ra xe, chiếc xe này đưa bà Hà đến nơi làm việc. Buổi chiều hết giờ làm việc lại đón bà Hà về nhà.
Theo cung đường di chuyển từ nhà bà Hà tới nơi làm việc của Cục Điện ảnh tại đường Hoàng Hoa Thám, thì đoạn đường từ nhà tới nơi làm việc phải di chuyển xa hơn so với đoạn đường từ nơi làm việc về nhà. Bởi lẽ đoạn đường Hoàng Hoa Thám cấm ô tô một chiều. Tổng cự ly di chuyển cả đi và về mỗi ngày vào khoảng gần 15km.
Chiếc xe sử dụng để đưa đón bà Hà này được cất giữ tại Cục Điện ảnh sau khi đưa bà này về nhà. Mỗi lần tới đón bà Hà, lái xe phải đến trụ sở Cục Điện ảnh lấy xe. Như vậy, để đưa đón bà Hà, chiếc xe phải di chuyển 4 lượt gồm 2 lượt đi và 2 lượt về. Tính trung bình, tổng cự ly chiếc xe phải di chuyển vào khoảng 30km mỗi ngày để đưa đón vị quyền Cục trưởng.
Một người dân sống tại khu vực nhà bà Hà, khi được hỏi, đã cho biết: “Không rõ chị ấy làm lớn cấp nào. Nhưng chắc phải “to lắm” thì mới có xe biển xanh hàng ngày đưa đi, đón về như vậy”.
Xác nhận với PV, một nhân viên bảo vệ tại Cục Điện ảnh cho biết: “Chiếc xe 29A – 023.80 là xe quyền Cục trưởng thường xuyên sử dụng. Sáng lái xe đến đưa xe đi để đón quyền Cục trưởng, buổi tối tất cả các xe của Cục lại phải đưa về trụ sở Cục”.
Có thể bị phạt đến 20 triệu
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Theo Nghị định 04/2019/NĐ-CP, Cục Điện ảnh chỉ có định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung. Bà Hà không thuộc diện có xe công đưa đón.
Nhiều năm gần đây dư luận rất bất bình với việc lạm dụng xe công, và Bộ VH,TT&DL thường xuyên có các chỉ thị yêu cầu các địa phương, cơ quan ban ngành không sử dụng xe công đi lễ hội. Thế nhưng, sai phạm sử dụng xe công đi lễ hội chỉ diễn ra một số ngày đầu năm, trong khi ngay chính tại Bộ VH,TT&DL lại có việc lạm dụng xe công hàng ngày như bà Hà. Sử dụng xe hàng ngày đưa đón đi làm và đi về thì khác gì hành vi biến xe công thành “xe nhà”. Theo tôi, Bộ VH,TT&DL cần chấn chỉnh ngay tình trạng này”.
Còn theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM), vi phạm này của bà Hà có thể bị xử phạt hành chính đến 20 triệu, căn cứ theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, Kho bạc Nhà nước.
Theo khoản 2 Điều 8 Nghị định nêu trên, phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích: Sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với chức danh không có tiêu chuẩn; sử dụng xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao, sử dụng xe ô tô vào mục đích cá nhân…
“Trong trường hợp này, vì đã có các clip, hình ảnh rõ ràng về vi phạm, nên các tài liệu có thể chuyển đến Thanh tra Bộ VH,TT&DL để xác minh sự việc, ra quyết định xử lý kỷ luật”, Luật sư Hiệp nêu quan điểm.
Theo nhiều ý kiến khác, là một cán bộ cấp Cục, bà Hà phải biết rõ quy định pháp luật về sử dụng xe công; là một cán bộ ngành văn hóa, bà Hà càng phải biết những dư luận xấu mang lại khi cán bộ sử dụng tài sản Nhà nước sai quy định, gây lãng phí; có thể ảnh hưởng đến ngành Văn hóa và hình ảnh người cán bộ. Vì vậy thậm chí với vi phạm này, phải soi chiếu các quy định của Đảng để xử lý về mặt Đảng.
Trước đó, như PLVN đã phản ánh, Cục Điện ảnh đã để một số bộ phim có nội dung sai trái được phát hành và công chiếu tại Việt Nam, trong đó gần đây nhất là phim hoạt hình “Everest - người tuyết bé nhỏ” (tựa tiếng Anh là Abominable) có nội dung lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp.
Cũng tại Cục Điện ảnh, thời gian gần đây đã xuất hiện hàng loạt bê bối gây bức xúc trong giới điện ảnh như việc: Quá trình bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thu Hà giữ chức vụ Phó Cục trưởng nhưng được giao Quyền Cục trưởng bị tố có sai phạm về quy trình. Bà Hà bị tố là người không đủ điều kiện, năng lực đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Cục Điện ảnh.
Từ khi bà Hà được bổ nhiệm (tháng 1/2019) đến nay (tháng 10/2019), Cục Điện ảnh đã bị Bộ VH,TT&DL phê bình rất nhiều lần bởi không hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ giao, mà nghiêm trọng nhất là làm bê trễ kế hoạch sản xuất phim của cả giai đoạn 2018-2021. Đến nay gần hết năm 2019, các Hãng phim thuộc diện làm phim thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn chưa hề được phê duyệt ngân sách sản xuất của cả hai năm (2018-2019) dù Chính phủ đã phê duyệt chủ trương tại Công văn số 600/VPCP-KGVX ngày 22/01/2019.
Theo đơn thư của đại diện nghệ sĩ và người lao động tại các hãng phim tố cáo, lãnh đạo Cục Điện ảnh là bà Nguyễn Thị Thu Hà đã chậm trễ trong việc triển khai kế hoạch đặt hàng sản xuất phim của giai đoạn 2018 - 2019 theo chủ trương đã được Chính phủ phê duyệt. Và do năng lực yếu kém, công văn của Cục Điện ảnh do bà Hà ký báo cáo Bộ về việc tuyển chọn kịch bản đã bị Bộ bác bỏ kết quả bởi không hợp lệ. (Công văn số 2384/VHTTDL-KHTC ngày 20/6/2019 của BộVH,TT&DL do Thứ trưởng Tạ Quang Đông ký về việc rà soát lại kế hoạch đặt hàng, nhu cầu kinh phí sản xuất phim ghi rõ: “Kết quả họp của Hội đồng do Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện năm 2018 phải bị huỷ bỏ bởi không hợp lệ”.)
Cho đến nay, các hãng phim vẫn không được phê duyệt kinh phí, gây hoang mang trong giới nghệ sĩ, đồng thời ngành điện ảnh không thể sản xuất phim hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo chủ trương của Chính phủ. Sự việc này không biết còn kéo dài đến thời gian nào.
Nhiều ý kiến cho rằng hàng loạt sai phạm xảy ra tại Cục Điện ảnh chứng tỏ do việc quản lý lỏng lẻo, thậm chí là sự kém năng lực chuyên môn của bà Hà.