Diễn biến mới vụ bà Trần Uyên Phương bị tố “lừa đảo” tại TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như PLVN đã phản ánh, ngày 9/3/2021, Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự 20/QĐ-VPCQCSĐT-P4. Trước đó, nhiều người có đơn tố cáo tố cáo ông Trần Quí Thanh (ông chủ Cty Tân Hiệp Phát - THP) cùng 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là “các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn”.
Khu đất số 230 Hồ Học Lãm hiện đã bị C01 Bộ Công an kê biên.
Khu đất số 230 Hồ Học Lãm hiện đã bị C01 Bộ Công an kê biên.

C01 sau khi kiểm tra, xác minh các đơn tố giác, “xác định có dấu hiệu tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS”, đã khởi tố vụ án.

Một trong số những người có đơn tố cáo, ông Trần Phước Lộc (SN 1976, ngụ quận 6, TP HCM), cho biết, cơ quan chức năng vừa có kết luận định giá về một trong số các tài sản mà người của THP bị tố “lừa đảo chiếm đoạt”.

Lời khai bên tố cáo

Theo hồ sơ ông Lộc cung cấp, tháng 8/2018, ông và hai người bạn làm ăn chung là Nguyễn Văn Chung (SN 1986) và Huỳnh Thanh Huê (SN 1964, cùng ngụ quận Tân Phú) thỏa thuận mua của vợ chồng ông Lâm Hoàng khu đất gần 3.000m2 tại số 230, Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân; dự tính sẽ chia lô xây nhà bán; giá 70 tỷ đồng.

Đầu 2019, nhóm người này chưa trả hết tiền cho bên bán, gần đến thời hạn ký công chứng sang tên, lại đúng dịp giáp Tết, xoay xở không kịp, ông Lộc nhớ đến một “người bạn” là Nguyễn Phi Long (SN 1980, ngụ Tân Hòa Đông, phường 14, Quận 6). “Trước đó, tôi được Long giới thiệu là một trong số “cò” của ông Qúi Thanh, bà Trần Uyên Phương, chuyên cho doanh nhân doanh nghiệp “vay nóng”, lãi suất 3%/tháng”, ông Lộc trình bày.

Ngày 8/1/2019, hai bên gặp nhau, xem hồ sơ nhà đất, trao đổi về số tiền vay, lãi suất, thủ tục… “Một ngày sau, Long gặp lại chúng tôi tại quán cà phê, giới thiệu người phụ nữ đi cùng là “Trần Uyên Phương, vợ tôi”. Long và người phụ nữ đồng ý cho chúng tôi vay 35 tỷ, thời hạn 3 tháng (11/1 - 11/4/2019), “quy trình giải ngân” gồm ba khoản: Khoản thứ nhất, Phương - Long thay chúng tôi chuyển cho bên bán đất (vợ chồng ông Hoàng) 26,5 tỷ. Khoản thứ hai, Phương - Long “khấu trừ” luôn 4,85 tỷ (3,15 tỷ lãi 3 tháng; và 1,7 tỷ “phí môi giới”). Khoản thứ ba, Long chuyển vào tài khoản ông Chung 3,65 tỷ”, lời khai của ông Lộc tại CQĐT.

“Để được “giải ngân” khoản vay, Long yêu cầu chúng tôi đáp ứng các điều kiện: Thứ nhất, phải lập hợp đồng giả cách để Trần Uyên Phương đứng tên khu đất số 230; yêu cầu chúng tôi thuyết phục vợ chồng ông Hoàng ký hợp đồng giả cách bán mảnh đất trên cho Phương với giá ghi trên hợp đồng 11 tỷ. Thứ hai, ông Chung phải đại diện cho nhóm ký một hợp đồng giả cách vay của Long 24 tỷ, và thế chấp cho Long thửa đất khác của cả nhóm rộng 2.400m2 tại phường An Lạc”.

Ông Lộc cho rằng thời điểm này rất cần vay tiền để trả xong cho chủ đất cũ: “Hơn nữa tin tưởng Long và “Trần Uyên Phương, con gái nhà THP”, nên đã chấp nhận các yêu cầu. Chúng tôi về nói toàn bộ sự việc, và ông bà Lâm Hoàng đồng ý ký hợp đồng giả cách sang nhượng cho Trần Uyên Phương; nhưng nhắc đi nhắc lại ký hợp đồng giả cách sang tên cho Phương chỉ nhằm mục đích hỗ trợ chúng tôi vay tiền và theo yêu cầu của chúng tôi; thực chất chỉ bán miếng đất trên duy nhất cho chúng tôi”.

“Ngày 11/1/2019, các bên có mặt tại Văn phòng công chứng do ông Long chỉ định. Tại đây công chứng viên đưa chúng tôi xem Hợp đồng chuyển nhượng đã ký sẵn tên bên mua Trần Uyên Phương, dù Trần Uyên Phương không có mặt. Long giải thích “vợ tôi bận nên đã ký sẵn vào hợp đồng rồi đi công việc””, ông Lộc kể.

Theo chứng cứ ông Lộc đưa ra, hồi 15h16 cùng ngày, tài khoản đứng tên Trần Uyên Phương chuyển 11 tỷ, tài khoản Nguyễn Phi Long chuyển 15,5 tỷ vào tài khoản ông Hoàng. “Đây chính là số tiền chúng tôi vay như đã trình bày ở trên. Chiều cùng ngày, Long yêu cầu ông Chung đại diện nhóm chúng tôi qua VPCC khác do Long chỉ định, làm hợp đồng giả cách vay 24 tỷ, thế chấp thửa đất 2.400m2 tại phường An Lạc. Sau đó Long chuyển khoản 3,65 tỷ cho ông Chung, đồng thời Long giữ sổ đỏ khu đất”, ông Lộc nói.

Ông Lộc khai chưa đầy hai tháng sau, khoản nợ 35 tỷ chưa đến hạn trả, nhưng đã xoay đủ tiền, nên hẹn gặp ngày 26/3/2019 để trả nợ, đề nghị sang tên trả lại khu đất 230 cùng sổ đỏ khu đất 2.400m2. “Long bất ngờ lật lọng “biến giả thành thật”, tuyên bố khu đất 230 hiện Phương đã đứng tên, không còn của chúng tôi”, ông Lộc khai.

Ông Trần Phước Lộc cho rằng sau khi rơi vào sự việc “vay tiền, mất đất”, đã lâm cảnh cùng khổ, phải bán nhà, “cụt vốn”, sinh nhai bằng nghề nuôi chó.

Ông Trần Phước Lộc cho rằng sau khi rơi vào sự việc “vay tiền, mất đất”, đã lâm cảnh cùng khổ, phải bán nhà, “cụt vốn”, sinh nhai bằng nghề nuôi chó.

Bà Phương khai gì trong bản tự khai?

Như “chết đứng”, nhóm 3 người cho rằng liên hệ người chính của Cty THP, thì nhận được trả lời “đấy là mua bán chứ không vay mượn gì”. “Cay đắng hơn nữa, lúc này chúng tôi mới biết người phụ nữ từng đi cùng Long không phải là Trần Uyên Phương, và Trần Uyên Phương cũng không phải vợ Long như Long giới thiệu”, ông Lộc kể.

Ông Lộc tố: “Tuy nhiên khi đi tìm hiểu, thu thập chứng cứ, chúng tôi cho rằng Trần Uyên Phương mới là chủ mưu”.

Hồ sơ trong vụ việc cho thấy, trong bản tự khai gửi cơ quan chức năng Bình Tân tháng 9/2019, bà Phương cho rằng không biết ông Chung, Lộc, Huê là ai; mà chỉ biết ông Lâm Hoàng.

Trong “hợp đồng chuyển nhượng”, có nội dung mua bán khu đất 230 Hồ Học Lãm 11 tỷ. Thế nhưng trong bản tự khai, bà Phương lại khai mua với giá 26,5 tỷ.

Bà Phương còn khai nhờ ông Long chuyển khoản 15,5 tỷ cho ông Hoàng.

Ông Lộc nói: “Những thông tin trên càng khiến tôi cho rằng bà Phương mới là chủ mưu. Bà Phương vi phạm Luật Công chứng, không cùng có mặt ký tên trước công chứng viên mà ký tên trước vào hợp đồng giả cách, nên mới không biết chúng tôi, mới khai sai lệch các con số. Đất chúng tôi vừa mua giá 70 tỷ, sao có chuyện chúng tôi bán lại cho bà Phương giá chỉ 26,5 tỷ? Ngoài khoản tiền 11 tỷ chuyển từ tài khoản của mình, bà Phương khai nhờ Long chuyển khoản 15,5 tỷ, như vậy bà Phương mới là người chi tiền. Thủ tục tách thửa khu đất 230 toàn bộ do chúng tôi làm, nhưng bà Phương vẫn khai sai sự thật là “cho nhân viên lập thủ tục tách thửa””.

Chuyển nhượng, hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Tới thời điểm này, vụ án vẫn đang được C01 điều tra, vì vậy chưa thể kết luận vấn đề gì. Tuy nhiên trước việc dư luận rất quan tâm đến vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay là “tín dụng đen”, “vay giả cách biến giả thành thật”, PV đã có một số câu hỏi với người tố cáo.

Vì sao các ông không vay ngân hàng mà lại tìm đến “tín dụng đen”, chấp nhận ký hợp đồng giả cách như các ông viết trong đơn?

Thời điểm đó, khu đất trên chưa được chủ đất ký chuyển nhượng sang tên chúng tôi nên chúng tôi không thể làm thủ tục vay ngân hàng. Thực tế trong xã hội lâu nay, chuyện vay tiền nhưng bị bên cho vay bắt ký hợp đồng giả cách là vẫn xảy ra.

Tuy nhiên dù tiệm cầm đồ hay băng nhóm cho vay ở chợ cũng hiếm khi tráo trở “biến trắng thành đen”. Thế nên chúng tôi không khi nào nghĩ rằng bà Trần Uyên Phương là con gái ông Trần Quí Thanh, gia đình là một “tập đoàn” lớn như THP, doanh thu được quảng cáo là hàng ngàn tỉ đồng/năm; lại đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chúng tôi.

Ông còn lập luận nào đưa ra để cho rằng hợp đồng trên chỉ là giả cách?

Theo định giá của cơ quan chức năng, ở thời điểm đầu năm 2019, khi ký hợp đồng trên với bà Phương, giá trị thực tế của riêng khu đất 230 Hồ Học Lãm đã là khoảng 120 tỷ đồng. Không có lý do gì ông Lâm Hoàng và chúng tôi lại chuyển nhượng với giá chỉ 26,5 tỷ cho bà Trần Uyên Phương, rẻ hơn gấp hơn 4 lần so với thực tế. Vì vậy khoản tiền bà Phương và ông Long chuyển cho chúng tôi chỉ là tiền cho vay, được giả cách là tiền “chuyển nhượng đất”.

Tới đây, mọi người cũng thể đặt ra câu hỏi phải chăng hai bên ký hợp đồng với giá trên giấy tờ thấp hơn thực tế, mục đích trốn thuế?

Đánh giá vậy là không hợp lý. Nếu là chuyển nhượng và cố ý ký với giá thấp hơn thực tế nhằm trốn thuế, các bên thường chỉ ký thấp hơn giá thị trường khoảng 30%. Nếu chuyển nhượng khu đất giá thực tế 120 tỷ mà chỉ ký với giá 11 tỷ như trong hợp đồng, bằng 8% giá trị thực tế, thì không một cơ quan thuế nào chấp nhận.

Các chứng cứ, lời khai cũng cho thấy bà Phương và bà Phương chuyển qua ông Long; để chuyển cho chúng tôi 26,5 tỷ là tiền vay, chứ không có thêm một xu khác. Vì vậy, giao dịch giữa chúng tôi là vay tiền và thế chấp khu đất cho bà Phương “làm tin”, chứ không phải chuyển nhượng.

“Chúng tôi tan cửa nát nhà”

“Vướng vào vụ giả cách này, chúng tôi tan cửa nát nhà, thậm chí lâm vào cảnh tù tội”, ông Lộc tâm sự.

“Với ông Chung, do vốn liếng đã dốc hết cùng chúng tôi vào đầu tư hai khu đất trên, nên sau khi bị Long và Phương lừa, ông Chung nợ nần khắp nơi, “vặt mũi đút miệng”, thành ra sai hẹn trả nợ với nhiều người, và bị những chủ nợ tố cáo lừa đảo. Từ chỗ là nạn nhân bị lừa đảo, ông Chung bị đẩy vào cảnh lừa người khác, bị Công an TP HCM bắt (Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã có KLĐT 231-25 ngày 23/2/2022 với ông Chung - NV)”.

“Với bản thân tôi, vì bị lừa nên tay trắng, “cụt vốn”, lâm vào cảnh khốn cùng, căn nhà duy nhất phải bán lấy tiền trang trải nợ nần, dắt vợ và hai con nhỏ đi thuê nhà, sinh nhai bằng nghề nuôi chó”

“Với ông Huê, sau vụ này vợ chồng cũng trắng tay, đã gần 60 tuổi mà vẫn không ổn định nhà cửa, phải đi thuê mướn”.

“Sau khi C01 Bộ Công an khởi tố vụ án để điều tra, nhiều lần được CQĐT mời làm việc lấy lời khai, chúng tôi rất vui mừng, càng tin tưởng vào sự công tâm của cán bộ và cơ quan tố tụng, sự nghiêm minh của luật pháp”.

Đọc thêm