Diễn biến mới vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan: Cáo trạng 'thần tốc' bị đánh giá nội dung phi logic

(PLVN) - 24 giờ sau khi có Kết luận điều tra, VKSND tỉnh Bình Dương đã ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) - đồng phạm giúp sức cho hai cán bộ Ngân hàng BIDV phạm tội. Và 4 ngày sau, tòa đã nhận được hồ sơ từ VKS. Một cáo trạng “thần tốc” bị luật sư đánh giá thiếu “logic”.
Ông Hùng, ông Lộc và ông Khanh tiếp tục bị truy tố ra tòa

Cáo trạng “thần tốc” trong 1 ngày làm việc 

Ngày 20/3, VKSND tỉnh Bình Dương ban hành Cáo trạng số 12/CT-VKSBD-P1 với ông Khanh và hai cán bộ Ngân hàng BIDV. Cáo trạng này có sau 1 ngày và dựa vào KLĐT ngày 19/3 của CQĐT Công an tỉnh Bình Dương.

Một điều rất bất thường, theo thông tin thì ngày 24/3, TAND tỉnh Bình Dương đã nhận được cáo trạng và hồ sơ truy tố từ VKS. Nhưng đến ngày 31/3, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội), LS Lê Thị Minh Nhân (Đoàn LS TP HCM) bào chữa cho ông Khanh và LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh) vẫn chưa nhận được cáo trạng. 

“Một ngày vừa nhận hồ sơ, vừa nghiên cứu hồ sơ, vừa viết xong cáo trạng, thật sự rất “thần tốc”. Về quy định pháp luật thì không sai nhưng một vụ án phức tạp, từng bị trả hồ sơ mà sao VKS lại nhanh đến thế?”, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) nhận định.

Cáo trạng có nội dung giống với KLĐT nhưng lại cáo buộc hành vi của ông Khanh chung chung, cho rằng ông Khanh giúp sức hai cán bộ ngân hàng toàn bộ quá trình xử lý tài sản thế chấp. Trong khi KLĐT chỉ nêu ông Khanh giúp sức ở việc “biết việc để tiền ngoài cho cụ Hiệp là sai nhưng vẫn thực hiện”.

Cáo trạng nêu năm 1997, cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1947, đã chết) và con gái Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976) mua khoảng 23,4ha đất tại ấp Lồ Ô, xã An Tây, Bến Cát. Trong đó cụ Hiệp đứng tên 13,7ha, bà Hảo 9,7ha.

Năm 2000, hai mẹ con thành lập Công ty TNHH SXTM An Tây. Năm 2008, cụ Hiệp thành lập thêm Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp. Từ 2005 – 2008, cụ Hiệp vay tín chấp của BIDV và thế chấp tài sản là toàn bộ 23,4ha đất trên. Năm 2011, BIDV tính toán nợ xấu của cụ Hiệp là hơn 96 tỷ, đã trích lập dự phòng rủi ro để xử lý và đưa vào danh sách ngoại bảng.

Cuối năm 2012, BIDV tiến hành xử lý tài sản thế chấp. Phương thức là cụ Hiệp tự bán cho bên mua, có sự giám sát và đồng ý của BIDV.

Thông qua môi giới, ông Khanh tìm cụ Hiệp hỏi mua. Cụ Hiệp đưa ra giá bán là 700 triệu/ha và cho biết đất đang bị thế chấp ở ngân hàng. Ông Khanh đòi xem giấy tờ và yêu cầu phải có sự xác nhận của BIDV đồng ý cho cụ Hiệp bán tài sản thế chấp.

Cụ Hiệp gặp hai cán bộ ngân hàng có thẩm quyền là ông Hùng và ông Lộc để nói về việc bán đất trả nợ và đề nghị được giữ lại một phần tiền để sử dụng kinh doanh, sản xuất. BIDV đồng ý.

Giá chuyển nhượng là 650 triệu đồng/ha. Phương thức thanh toán được thỏa thuận là ông Khanh chuyển một phần tiền vào tài khoản của Hiệp, một phần đưa tiền mặt cụ Hiệp.

Cáo trạng cho rằng, thanh toán tiền mặt cho cụ Hiệp là trái quy định về xử lý tài sản thế chấp. Để che giấu, cụ Hiệp, ông Khanh và ông Lộc đã ký hợp đồng mua bán ba bên thể hiện giá chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế, bằng số tiền mà ông Khanh chuyển vào tài khoản của cụ Hiệp.

Sau khi có sự đồng ý của ngân hàng, ông Khanh đã nhận chuyển nhượng được tổng cộng 18.1ha đất.

Lần thứ nhất vào 2013 và lần thứ hai vào 2015, cáo trạng đều cho rằng bằng phương trên, ông Khanh đã chuyển tiền mặt cho cụ Hiệp gần 2 tỷ. Lần thứ ba vào 2015, cáo trạng không nêu được ông Khanh trả tiền mặt cho cụ Hiệp là bao nhiêu. Nhưng dựa vào định giá đất là 3,9 tỷ nhưng chỉ bán được 3 tỷ nên cho rằng có trả tiền mặt cho cụ Hiệp.

Cả ba lần, theo cáo trạng, ông Khanh đã trả tiền mặt cho cụ Hiệp 2,9 tỷ và giúp sức cho ông Lộc, ông Hùng gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ.

Căn cứ mà cáo trạng buộc tội ông Hùng, ông Lộc và đồng phạm là ông Khanh, là dựa vào khoản 1 Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP; còn lại là vi phạm vào các quy chế của nội bộ BIDV.

Luật sư: “Cáo trạng có nội dung phi logic”

Đánh giá về cáo trạng, LS Nghĩa nói: So với cáo trạng ngày 21/6/2019 thì cáo trạng này đã tách cùng hành vi mua đất thế chấp BIDV ra thành 2 nhóm: một lần mua đất của cụ Hiệp và một của An Tây để truy tố; còn hai lần mua đất của bà Hảo chờ xử lý sau như KLĐT bổ sung nêu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều phi logic.

Thứ nhất, cáo trạng vẫn không xác định căn cứ pháp lý về tài sản nhà nước trong ngân hàng thương mại cổ phần là gì? Tài sản bị thiệt hại được coi là tài sản nhà nước thì căn cứ vào quy định nào?

Thứ hai, cáo trạng xác định ông Khanh cùng cụ Hiệp, Ngân hàng thỏa thuận thanh toán tiền trái quy định là để cụ Hiệp nhận tiền mặt; ký hợp đồng ba bên bằng số tiền ông Khanh chuyển vào tài khoản của cụ Hiệp gây thiệt hại. Đúng ra, phải nộp hết số tiền mua bán. Tuy nhiên, khi kết luận thiệt hại để truy tố thì lại căn cứ vào kết luận định giá. Vậy cáo trạng muốn nói thiệt hại là số tiền cụ Hiệp nhận ngoài hay thiệt hại là bán đất giá rẻ? Nếu bán đất giá rẻ thì việc để ở ngoài hay ở trong đều là gây thiệt hại cả.

Thứ ba, cáo trạng nêu cụ Hiệp xác định giá bán 700 triệu. Ông Khanh đồng ý mua. Cụ Hiệp đến Ngân hàng xin bán, giải chấp và ký hợp đồng mua bán đúng giá mà cụ Hiệp đưa ra. Nhưng phần kết luận, lại buộc ông Khanh phải chịu trách nhiệm chênh lệch giá theo định giá là hơn 26 tỷ đồng. Trong khi không có tài liệu nào để khẳng định ý chí ông Khanh biết là giá bán phải là trên 33 tỷ, nhưng bằng cách thức, thủ đoạn nào đó, ông Khanh chỉ mua có hơn 10,5 tỷ?

Thứ tư, diện đất bị xử lý lần này chỉ 125.442,2m2 thì nằm ở vị trí nào? Căn cứ tài liệu địa chính nào, trên thực tế ranh mốc nào để Tòa có cơ sở khi tuyên án cũng không được nhắc đến.

Ngoài ra, trên phần đất này có hàng chục ha cao su đã hơn 7 năm tuổi đang thu hoạch cũng không được đề cập trong cáo trạng, để Tòa có hướng xử lý đối với quyền lợi người liên quan khi xét xử, là chưa đầy đủ.

“Theo tôi, KLĐT còn có logic hơn cáo trạng. Dù rằng sự logic trong KLĐT có nhiều sự suy diễn. Nhất là phần thiệt hại, nếu cáo buộc trả tiền mặt cho cụ Hiệp là trái luật thì thiệt hại chính là phần này. Còn nếu xác định thiệt hại theo định giá là 26 tỷ thì việc trả tiền mặt này không còn giá trị nữa”, LS Nghĩa nói.

Đọc thêm