Cụ thể, ngày 30/10/2019, TAND tỉnh Điện Biên đã ra quyết định số 04/2019/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 69 của Luật tố tụng Hành chính; buộc Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tạm đình chỉ Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 26/QĐ-CCKPHQ ngày 9/10/2019 của Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, đương sự, người đại diện của đương sự có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.
Như vậy, có thể thấy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình giải quyết vụ án là cần thiết, nhằm tránh gây thiệt hại cho các bên, đảm bảo quá trình giải quyết vụ án, thi hành án.
"Trong vụ việc nêu trên, nếu UBND TP Điện Biên Phủ vẫn tiến hành tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình của người dân khi chưa có kết quả giải quyết cuối cùng của Tòa án thì thật sự không cần thiết, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, gây thiệt hại về tài sản, kinh tế của những hộ dân bị tháo dỡ. Nếu việc tháo dỡ nhằm phục vụ cho mục đích giải phóng mặt bằng, thu hồi đất giao cho doanh nghiệp thì thủ tục này cũng không phù hợp với quy định pháp luật" - Luật sư cho hay.
UBND tỉnh Điện Biên có văn bản gửi các Sở ngành trả lời nội dung báo PLVN đề nghị. |
Trước đó, như báo PLVN đưa tin, gần chục hộ dân sinh sống tại phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã phản ánh về việc chính quyền TP Điện Biên Phủ liên tục ra các văn bản, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình trên đất để tiến hành thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khu đô thị mới Nam Thanh Trường. Được biết, khu đô thị mới Nam Thanh Trường do công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Hoàng Anh làm chủ đầu tư với diện tích lên tới 36,23 ha (trước đây là dự án Đô thị Hoàng Anh).
Theo các hộ dân phản ánh, phần lớn diện tích đất nói trên của các hộ dân nhận chuyển nhượng lại từ nhiều năm trước hoặc được ủy quyền sử dụng đất từ chủ sử dụng đất cũ hoặc nhận khoán trực tiếp từ Công ty Cây công nghiệp Điện Biên. Nguồn gốc đất là của Công ty Cây công nghiệp Điện Biên giao khoán cho các cá nhân làm đất trồng cây lâu năm. Thời hạn khoán là 50 năm kể từ ngày 1/7/1995. Trong đó, được sử dụng 100m2 làm lán tạm để bảo vệ sản xuất.
Trong quá trình sử dụng đất, một số hộ dân đã phải dựng nhà tạm để sinh sống, hoạt động sản xuất. Thế nhưng, tại thời điểm người dân xây dựng công trình thì lại không có bất cứ sự ngăn chặn quyết liệt nào từ phía chính quyền địa phương, chỉ đến khi dự án xây dựng khu đô thị mới Nam Thanh Trường bắt đầu triển khai thì các cấp chính quyền mới liên tục thúc giục người dân tháo dỡ công trình hoặc cưỡng chế nhà cửa của chúng tôi, đẩy chúng tôi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”.
Để làm sáng tỏ nội dung người dân phản ánh, báo PLVN đã liên hệ với UBND tỉnh Điện Biên. Đến ngày 29/10/2019 UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản số 3154/UBND-TH đến Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và TP Điện Biên Phủ trả lời các nội dung mà báo PLVN đề nghị.
Bài tiếp: Trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp ban ngành tỉnh Điện Biên nằm ở đâu?