Điện Biên: Người dân 'kêu trời' vì chính quyền thành phố thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp?

(PLVN) - Gần chục hộ dân sinh sống tại phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên phản ánh tới báo PLVN về việc chính quyền TP Điện Biên Phủ liên tục ra các văn bản, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình trên đất để tiến hành thu hồi đất giao cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị tổ chức phân lô, bán nền.
Điện Biên: Người dân 'kêu trời' vì chính quyền thành phố thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp?

Không còn đất để sinh sống, hoạt động sản xuất

Cụ thể theo phản ánh của các hộ dân thì diện tích đất bị UBND TP Điện Biên Phủ ra các văn bản, thông báo cưỡng chế để thu hồi nằm tại tổ 5, phường Thanh Trường. Diện tích đất này đã được quy hoạch để xây dựng khu đô thị mới Nam Thanh Trường do công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Hoàng Anh làm chủ đầu tư với diện tích lên tới 36,23 ha ( trước đây là dự án Đô thị Hoàng Anh ).

Phần lớn diện tích đất nói trên của các hộ dân nhận chuyển nhượng lại từ nhiều năm trước hoặc được ủy quyền sử dụng đất từ chủ sử dụng đất cũ hoặc nhận khoán trực tiếp từ Công ty Cây công nghiệp Điện Biên. Nguồn gốc đất là của Công ty Cây công nghiệp Điện Biên giao khoán cho các cá nhân làm đất trồng cây lâu năm. Thời hạn khoán là 50 năm kể từ ngày 1/7/1995. Trong đó, được sử dụng 100m2 làm lán tạm để bảo vệ sản xuất.

Nội dung người dân phản ánh tới báo Pháp luật Việt Nam
 Nội dung người dân phản ánh tới báo Pháp luật Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Dung cho biết, nhiều hộ dân ở đây đã sinh sống ổn định, lâu dài trên mảnh đất này. Trong quá trình sử dụng đất, một số hộ dân đã phải dựng nhà tạm để sinh sống, hoạt động sản xuất. Thế nhưng, tại thời điểm người dân xây dựng công trình thì lại không có bất cứ sự ngăn chặn quyết liệt nào từ phía chính quyền địa phương, chỉ đến khi dự án xây dựng khu đô thị mới Nam Thanh Trường bắt đầu triển khai thì các cấp chính quyền mới liên tục thúc giục người dân tháo dỡ công trình hoặc cưỡng chế nhà cửa của chúng tôi, đẩy chúng tôi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Cũng nằm trong phần diện tích đất bị thu hồi giao cho công ty Hoàng Anh thực hiện dự án, ông Vũ Tiến Tới cho biết ông nhận khoán đất trồng cây lâu năm của Công ty Cây công nghiệp Điện Biên để trồng cây cà phê. Tuy nhiên, sau này nhà máy sơ chế  cà phê và Công ty Cây công nghiệp Điện Biên giải thể.

Do đó, việc trồng cà phê không còn hiệu quả dẫn đến hạn chế về thu nhập nên gia đình ông Tiến phải thay đổi mô hình sản xuất cho phù hợp. Thế nhưng, khi UBND TP Điện Biên Phủ tiến hành kiểm kê tài sản, ra các thông báo thu hồi đất, dự toán phương án bồi thường thì lại gạt ra nhiều tài sản trên đất của gia đình ông Tiến với lý do xây dựng trái phép.

Nhà máy chế biến thức ăn gia súc đã thay thế nhà máy sơ chế cà phê
 Nhà máy chế biến thức ăn gia súc đã thay thế nhà máy sơ chế cà phê

Việc chấp hành chủ trương phát triển kinh tế địa phương các hộ dân hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, việc thu hồi đất các hộ dân đang sinh sống để giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án rồi phân lô, bán nền thì các cơ quan chức năng địa phương cần xem xét sự việc thật thấu đáo. Việc người dân, phải xây dựng nhà cửa để thay đổi mô hình kinh doanh, sản xuất khi nhà máy sơ chế cà phê không còn hoạt động nữa là lẽ tất yếu để mưu sinh nếu không thay đổi thì sẽ không thể có thu nhập đảm bảo về vấn đề an sinh xã hội. Một người dân bức xúc cho biết.

Mức giá bồi thường quá xa vời so với giá thị truờng

Một câu chuyện đơn giản nhưng thấy rõ được nghịch lý nhiều hộ dân ở đây phải đối mặt. Đó là với số tiền nhận được theo mức giá bồi thường địa phương áp dụng không hề cao nếu không muốn nói là rất ít ỏi so với việc họ phải ổn định cuộc sống với vật giá thị trường vốn cao hơn nhiều lần. Sự chênh lệch quá lớn đẩy người dân vào cảnh không có đất sản xuất, thất nghiệp, tương lai bất ổn.

Hầu hết người dân bị thu hồi đất đều đồng tình nhường đất cho dự án vì sự phát triển kinh tế địa phương, tuy nhiên yêu cầu việc bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư phải hợp lý. Đó là phải xem xét đến yếu tố giá cả thị trường, tình hình thực tiễn tại địa phương, những khó khăn của người dân khi mất đất sản xuất, cuộc sống xáo trộn.

Ngoài ra, theo người dân, Chính phủ cũng đã có quy định cụ thể về việc thu hồi, bồi thường đất để đảm bảo quyền lợi người dân, cụ thể như quy định tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định 69/2009/NĐ-CP. Hay như quy định tại Điều 112, Luật Đất đai 2013 cũng đề cập việc định giá đất để bồi thường phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường mua bán.

“Tại sao doanh nghiệp chủ đầu tư thực hiện dự án thì cho thuê, kinh doanh đất theo giá thị trường cao ngất ngưởng còn người dân phải nhường đất với mức giá thấp hơn nhiều? Tại sao dự án cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhưng doanh nghiệp không thỏa thuận với người dân? Dự án đang thực chất đang làm lợi cho ai?...”, những câu hỏi cứ ảm ảnh những người dân nơi đây.

Theo người dân phản ánh, hàng loạt các công trình xây dựng không phép tại phường Thanh Trường trong thời gian qua vẫn chưa bị chính quyền cưỡng chế

Theo người dân phản ánh, hàng loạt các công trình xây dựng không phép tại phường Thanh Trường trong thời gian qua vẫn chưa bị chính quyền cưỡng chế

Thực tế cho thấy, việc chính quyền TP Điện Biên Phủ tiến hành thông báo rồi cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng của người dân để giao đất cho doanh nghiệp là một vấn đề gây bức xúc cho nhiều người dân. Bởi lẽ, nếu tiến hành cưỡng chế những công trình này thì chắc chắn chính quyền TP Điện Biên Phủ cũng sẽ phải có những biện pháp kỷ luật nghiêm minh những cán bộ đã buông lỏng quản lý để tình trạng vi phạm trật tự xảy ra.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đối với nguyện vọng của người dân về việc đối thoại, thỏa thuận với chủ đầu tư về giá bồi thường đất để làm dự án, thì cần xác định dự án ở đây thuộc trường hợp nào. Với dự án kinh tế thì phải là cơ chế thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi đất, giá đất thu hồi cần phải dựa theo giá thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như quyền lợi của doanh nghiệp.

Giá đất là một trong những vấn đề nổi cộm nhất của các dự án thu hồi đất bởi gây cho người dân nhiều bức xúc. Đặc biệt là khi tiền bồi thường không tương xứng với giá trị tài sản bị mất đi, tiền bồi thường không đủ để mua được một mảnh đất tương đương. Tấc đất tấc vàng, mất đi diện tích đất có khi là của cha ông để lại, có khi là cả tài sản cơ nghiệp hoặc mồ hôi nước mắt gây dựng nên, người dân nào cũng xót. Do đó việc dựa trên giá thị trường để tính giá thu hồi là cần thiết.

Trước sự việc trên, phóng viên báo PLVN đã liên hệ làm việc với UBND tỉnh Điện Biên, UBND TP Điện Biên Phủ để có thêm góc nhìn về vấn đề này.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc./.

Đọc thêm