Diễn biến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Cà Mau: Tòa án tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung

(PLVN) - Tại phiên tòa ngày 24/3/2021, TAND tỉnh Cà Mau trả hồ sơ vụ án lần 2 cho Viện KSND cùng cấp để điều tra bổ sung do các cáo buộc của cơ quan công tố bị đánh giá là thiếu chứng cứ vững chắc để buộc bà Cao Thị Hằng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trụ sở TAND tỉnh Cà Mau.

Lần thứ 2 trả hồ sơ vụ án điều tra bổ sung

Như Báo PLVN đã thông tin, theo Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Cà Mau (VKS), ngày 16/5/2019, bà Cao Thị Hằng (trú tại phường 8, TP. Cà Mau) thực hiện hành vi gian dối để bà Nguyễn Thị Lan ký hợp đồng ủy quyền cho bà Võ Yến Ly thực hiện quyền định đoạt đối với nhà đất của bà Lan tọa lạc tại Khóm 5, Phường 1, TP. Cà Mau. Bà Hằng còn bị cho là “chỉ đạo” bà Ly ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của bà Lan cho vợ chồng ông Lê Hồng Sơn để chiếm đoạt nhà đất nêu trên.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/9/2020, HĐXX TAND tỉnh Cà Mau quyết định (QĐ) trả hồ sơ vụ án cho VKS để điều tra bổ sung một số nội dụng như: Xác định tài sản bị chiếm đoạt của bị hại là nhà, đất hay giá trị nhà đất; làm rõ số tiền của ông Lê Hồng Sơn ai là người nhận; Xác định vai trò của bà Ly trong vụ án; Xác minh có ghi thêm nội dung trong Bảng thỏa thuận ghi ngày 18/5/2019 và đề nghị giám định chữ ký của bà Ly trong bảng thỏa thuận này…

Được biết vào ngày 15/10/2020, VKS tỉnh Cà Mau đã có Công văn gửi TAND tỉnh Cà Mau không chấp nhận điều tra bổ sung, vẫn giữ nguyên Cáo trạng truy tố đối với bà Hằng, đồng thời  chuyển hồ sơ vụ án đến TAND tỉnh Cà Mau để giải quyết theo thẩm quyền. 

Tại phiên tòa ngày 24/3/2021, HĐXX đã dành nguyên 1 ngày để xét hỏi và tranh tụng. Sau khi nghị án, HĐXX tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung (lần 2). Tuy nhiên, HĐXX không tuyên rõ những nội dung mà Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

“Loay hoay” xác định ai là bị hại!

Theo ghi nhận tại phiên tòa ngày 24/3, vị trí các bên liên quan có sự thay đổi so với phiên tòa ngày 29/9/2020. Cụ thể, bà Lan đang là bị hại của vụ án ngồi ở vị trí người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay ông Sơn, còn ông Sơn thay bà Lan ngồi ở vị trí người bị hại. 

Nhiều người theo dõi phiên tòa cảm thấy khó hiểu về sự thay đổi này vì phần thủ tục phiên tòa không thấy có bất cứ thủ tục tố tụng nào ghi nhận sự thay đổi tư cách tham gia tố tụng của bà Lan và ông Sơn. Phải đến phần luận tội vào buổi chiều, đại diện VKS mới có đề cập về sự thay đổi này. “Sau khi ban hành cáo trạng, chuyển hồ sơ sang tòa, VKS xem xét lại thấy cáo trạng kết luận bị cáo Hằng chiếm đoạt của bà Lan số tiền 2,8 tỷ đồng là thiếu chính xác. Là kiểm sát viên, thực hiện quyền công tố tại phiên tòa kết luận tài sản bị cáo chiếm đoạt của ông Lê Hồng Sơn số tiền 1,6 tỷ đồng”- đại diện VKS giải thích việc thay đổi người bị hại trong vụ án.

Theo Luật sư Đỗ Văn Nhặn, việc TAND tỉnh Cà Mau xác định ông Sơn là người bị hại trong vụ án là không có căn cứ, bởi: Tại KLĐT, CQĐT đã kết luận hợp đồng chuyển nhượng nhà đất ký giữa bà Ly với vợ chồng ông Sơn (chuyển nhượng nhà đất của bà Lan cho vợ chồng ông Sơn-NV) là giao dịch giả tạo nhằm che giấu cho giao dịch cho vay lãi cao. Ông Sơn tham gia vào giao dịch dân sự cho vay lãi cao có đảm bảo bằng tài sản, ông Sơn là chủ thể của giao dịch dân sự chứ không phải là người bị hại trong vụ án này.

Cũng theo Luật sư Nhặn, hồ sơ vụ án cũng như lời khai của ông Sơn tại phiên tòa đều thể hiện ông này không biết bà Hằng là ai, không giao dịch gì với bà Hằng. Ông Sơn chỉ thỏa thuận trực tiếp với bà Ly, ký hợp đồng với bà Ly về việc nhận chuyển nhượng nhà đất của bà Lan. Ông Sơn cũng trực tiếp nhận bản gốc giấy tờ nhà đất của bà Lan từ bà Ly, trực tiếp giao tiền cho bà Ly. 

“Bà Hằng cũng trình bày trước tòa rằng không biết ông Sơn, không giao dịch gì với ông Sơn. Tình tiết này chứng minh bà Hằng không có thủ đoạn gian dối nào đối với vợ chồng ông Sơn để vợ chồng ông Sơn tin tưởng, giao tài sản cho bà Hằng để bà Hằng chiếm đoạt”- vị luật sư nêu quan điểm. 

Tại phiên tòa, bà Ly trình bày số tiền ghi trong hợp đồng là 1,6 tỷ, nhưng thực tế bà Ly chỉ nhận của vợ chồng ông Sơn 1,486 tỷ đồng sau khi đã trừ đi “tiền cò” và tiền lãi.  Luật sư Nhặn cho rằng, về nguyên tắc, khi bà Ly tham gia giao dịch với ông Sơn, nhận tiền của ông Sơn thì khi giao dịch dân sự vô hiệu, bà Ly phải trả lại tiền đã nhận cho ông Sơn.  

“CQĐT, VKS tỉnh Cà Mau có dấu hiệu lúng túng trong việc xác định người bị hại, tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án. Để tránh oan sai thì cần thiết phải đình chỉ vụ án, hướng dẫn các đương sự khởi kiện ra TAND TP Cà Mau để giải quyết tranh chấp”- Luật sư Nhặn nêu quan điểm.

 Khoản 2 Điều 174 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định HĐXX chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần. Theo một số luật sư, ở vụ án này, khi VKS không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án đã yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì ở phiên tòa được mở lại, khi kết thúc việc nghị án, HĐXX phải quyết định một trong các vấn đề: Ra bản án và tuyên án; Trở lại việc xét hỏi và tranh luận nếu có tình tiết vụ án chưa được xét hỏi, chưa được làm sáng tỏ; Tạm đình chỉ vụ án. Việc HĐXX TAND tỉnh Cà Mau không tuyên án hoặc đình chỉ vụ án mà tiếp tục trả hồ sơ (lần 2) cho Viện KSND tỉnh điều tra bổ sung là vi phạm tố tụng.

Đọc thêm