Xuất phát từ chuyện tranh chấp đất?
Như đã thông tin, trưa ngày 23/4/2019, trong khi đang chuẩn bị thu hoạch cá trong ao, bà Trần Thị Lan (61 tuổi, ngụ ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định, huyện Định Quán) nhận được tin mẹ ốm nặng ở quê Thanh Hoá. Vì không chồng con, bà Lan nhờ người em gái là bà Trần Thị Tình (SN 1973) ở lại trông coi ao cá, bà chuẩn bị về quê. Đến cuối ngày, mấy chị em lại nhận được hung tin người mẹ đã qua đời. Gác lại mọi việc, mấy chị em bà lập tức lên đường về quê trong đêm để lo tang ma cho mẹ. Việc trông coi ao và bán cá, trước khi về, bà Lan có nhờ hàng xóm là bà Trần Thị Vân (tên thường gọi là Thu, SN 1969) và bà Hồ Thị Sâm (SN 1958) cân cá bán giúp.
Là người trực tiếp chứng kiến vụ việc, bà Vân kể lại: “Sáng ngày 24/4, khi tôi cùng người mua đang cho cá lên xe chở đi thì bất ngờ vợ chồng ông Giang xuất hiện yêu cầu dừng việc mua bán cá, luôn miệng bảo tôi thông đồng với chị Lan ăn cắp cá của ông ấy. Sau đó lực lượng Công an xã Ngọc Định xuất hiện dưới sự chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Thuỷ, Trưởng Công an xã, yêu cầu xe chở cá về trụ sở Công an xã làm việc”. Ngay lập tức, hai xe gồm một xe ba gác và một xe tải chở hơn hai tấn cá chuẩn bị đưa đi bán được đưa lên xã. Sau gần 5 tiếng đồng hồ làm việc, lập đủ loại biên bản, một xe ba gác cá mồi (loại cá nhỏ dùng để làm thức ăn chăn nuôi - PV) khoảng 900kg được cho đi, còn xe cá chợ (các loại cá lớn hơn) khoảng gần 1,2 tấn, bị công an xã buộc phải đổ ngược lại xuống ao nuôi.
Theo bà Lan và nhiều hàng xóm, hành động đổ cá đã thu hoạch nhiều giờ đồng hồ trở lại ao khiến số cá gần 1,2 tấn chết hết, dẫn tới việc ô nhiễm hồ nuôi. Từ đó, cá chưa thu hoạch trong hồ cũng đồng loạt thi nhau chết. Số lượng cá chết ước tính 13 tấn.
Theo bà Lan, nguyên nhân sâu xa bà bị người hàng xóm Bùi Tuấn Giang tố ăn trộm cá có thể xuất phát từ chuyện tranh chấp đất. Cụ thể, cuối năm 2013, bà Lan có nhận chuyển nhượng một mảnh đất, ao từ bà Trần Thị Xa có diện tích khoảng 10.000m2 thuộc tờ bản đồ số 35 tại ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định với 70 triệu đồng. Mảnh đất này được gia đình bà khai phá từ những năm 1990. Sau đó, gia đình ông Giang đưa máy ủi vào cải tạo rồi nhận là đất của mình cải tạo, từ đó tới nay, bà vẫn đang khiếu nại.
Các cơ quan cấp huyện chưa trả lời thỏa đáng
Trong quá trình các bên khiếu nại tranh chấp lên các cơ quan chức năng, bà Lan tiếp tục nuôi cá ở trên phần đất ao đó. Ông Giang nhiều lần xuất hiện đe dọa. Đỉnh điểm vào chiều 19/2/2017, ông Giang cùng 7 người mang theo nhiều công cụ đến đập phá toàn bộ chuồng heo bà Lan mới xây trị giá trị 9 triệu đồng. Vốn đang đi cắt cỏ cho gia súc, hay tin tài sản bị phá hoại, bà Lan tức tốc chạy về và ba lần gọi điện cho Công an xã nhưng đều nhận được lý do “cứ từ từ”, “đang tập trung lực lượng”, “cho người xuống” nhưng không thấy ai xuất hiện. Theo bà Lan, trong một lần ngăn cản nhóm người ông Giang phá hoại tài sản, bà bị ông Giang cầm rựa chém vào tay, vết thương dài khoảng 10 cm, sâu 1 cm.
Theo bà Lan, sự việc trên có dấu hiệu rơi vào im lặng, kể cả khi Ban Nội chính Tỉnh ủy gửi văn bản nêu rõ nhiều bất hợp lý trong quy trình xử lý vụ việc gây thương tích và huỷ hoại tài sản của bà Lan, sự việc vẫn không được xem xét, giải quyết đến nơi đến chốn: “Đối với việc bà Lan tố cáo ông Giang và nhiều người hủy hoại tài sản và đánh bà nhiều lần có tổ chức, Công an huyện và Viện kiểm sát nhân dân huyện Định Quán khi trả lời đơn cho bà Lan chỉ trả lời việc không khởi tố hình sự đối với ông Giang về hành vi hủy hoại tài sản. Còn về hành vi cố ý gây thương tích có tổ chức thì chưa thấy Công an và Viện kiểm sát huyện Định Quán có ý kiến hay trả lời cho bà Lan về nội dung này (bà Lan có giấy chứng nhận thương tích do Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán chứng nhận)”, văn bản Ban Nội chính tỉnh Đồng Nai nêu. Về phần mình bà Lan tiếp tục khiếu nại khắp nơi.
Bà Lan bức xúc đề nghị trước tiên cần làm rõ ông Bùi Tuấn Giang có thẩm quyền cưỡng chế, tháo dỡ tài sản của bà trên mảnh đất vốn không thuộc quyền sở hữu của cá nhân nào hay không? Bởi vì trong các văn bản của UBND cũng nêu rõ, đây là khu đất nằm trong vùng bán ngập dưới code 62 thuộc lòng hồ Thuỷ điện Trị An trước đây do Công ty Lâm nghiệp La Ngà quản lý, sau đó là Công ty Thủy điện Trị An và Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Trong quá trình quản lý, các cơ quan có thẩm quyền, kể cả UBND xã Ngọc Định chưa giao khu đất ao này cho cá nhân nào.