Diễn biến vụ cưỡng chế 3.200m2 đất tại Tây Hồ (Hà Nội): Người bị cưỡng chế vẫn còn một số băn khoăn

(PLVN) - Liên quan vụ cưỡng chế 3.200m2 đất do ông Phạm Văn Hà (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) quản lý, sử dụng, UBND quận Tây Hồ tiếp tục ban hành quyết định yêu cầu ông Hà thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu.
lÔng Hà tại khu đất.

Như PLVN đã thông tin, ông Hà có đơn gửi cơ quan chức năng phản ánh việc UBND quận Tây Hồ ban hành Quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả với gia đình ông chưa phù hợp quy định pháp luật.

Ông Hà cho biết, năm 1980, gia đình ông khai hoang, quản lý, sử dụng 3.200m2 đất tại tổ 16, phường Phú Thượng. Hàng năm, gia đình nộp thuế sử dụng đất cho Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ và được Hợp tác xã cấp phiếu thu tiền.

Ngày 7/9/2022, ông nhận được Quyết định 52/QĐ-CCXP của Chủ tịch UBND quận về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định 35/QĐ-KPHQ ngày 8/6/2022 của Chủ tịch UBND quận với 3.200m2 đất trên.

Theo Quyết định, ông Hà đã có hành vi chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực đô thị, diện tích vi phạm 3.200m2. Phải phá dỡ toàn bộ các công trình vi phạm (gồm 3 nhà tạm khung tre mái lá, tổng diện tích xây dựng 101m2; 4 nhà khung sắt mái tôn, tổng diện tích xây dựng 59m2; 1 nhà gạch mái tôn, diện tích xây dựng 6m2).

UBND quận cũng yêu cầu ông Hà khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại 3.200m2 đất đã chiếm do UBND phường Phú Thượng quản lý. Không đồng ý, ngày 16/9/2022, ông Hà có đơn khiếu nại Quyết định 52/QĐ-CCXP tới UBND quận.

Ngày 26/9/2022, UBND phường ban hành Văn bản 497/TB-UBND thông báo về việc thực hiện Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Ông Hà cho rằng, trong khi quận đang trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại, Quyết định 52/QĐ-CCXP có thể bị thu hồi và không còn hiệu lực thi hành. Nhưng phường vẫn ban hành thông báo việc tổ chức cưỡng chế là không phù hợp pháp luật.

Liên quan sự việc, ông Nguyễn Công Quảng, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết, diện tích 3.200m2 đất do gia đình ông Hà đang quản lý sử dụng là đất công từ nhiều năm trước; đã được địa phương giao, hiện đã hết thời hạn nên phải thu hồi. Vì vậy, quận đã ban hành Quyết định 35 rồi phường ra thông báo cưỡng chế. Tuy nhiên, do ông Hà có đơn khiếu nại nên phường chưa thực hiện việc cưỡng chế để chờ giải quyết khiếu nại.

Ngày 14/10/2022, UBND quận Tây Hồ tiếp tục ban hành Quyết định 70/QĐ-KPHQ về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo quyết định, ông Hà có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cần được khắc phục, không ra quyết định xử phạt vì hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Quận buộc ông Hà khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm: phá dỡ 1 nhà tạm khung sắt mái tôn diện tích 312,55m2; 2 nhà tạm khung tre mái lá tổng diện tích là 298,4m2. Đồng thời, buộc trả lại 754,7m2 đất nông nghiệp đã chiếm cho UBND phường Phú Thượng quản lý.

Trước việc này, ông Hà cho rằng: “Sau gần nửa thế kỷ trồng tre, kè bờ giữ đất để chống sạt lở rồi nuôi trồng, canh tác thì giờ ở đây mới còn đất như hiện nay. Giờ muốn khôi phục hiện trạng ban đầu, lẽ nào bảo tôi nhổ tre, cuốc đất cho bờ sông sạt lở…?”.

Cũng theo ông Hà, tại Quyết định 52/QĐ-CCXP, UBND quận xác định thửa đất do gia đình ông Hà đang quản lý, sử dụng là đất chưa sử dụng. Nhưng đến ngày 14/10/2022, tại Quyết định 70/QĐ-KPHQ, UBND quận lại xác định 754,7m2 là đất nông nghiệp. Điều này dẫn đến vấn đề có sự mâu thuẫn, không thống nhất trong việc xác định loại đất do ông đang quản lý, sử dụng không?

“Ngoài ra, Quyết định 70/QĐ-KPHQ không chỉ rõ ranh giới, phạm vi, tứ cận diện tích đất cần trả lại cho UBND phường Phú Thượng quản lý. Do đó, bản thân tôi chưa biết rõ cần phá dỡ công trình tạm nào và khôi phục lại tình trạng ban đầu ra sao”, ông Hà nói.

Một LS thuộc Đoàn LS Hà Nội đánh giá: “Gia đình ông Hà đã thực tế quản lý, sử dụng thửa đất từ trước những năm 1980 đến nay công khai, ngay tình, không bị cơ quan Nhà nước xử phạt, nên cần xem xét quyền lợi của người quản lý sử dụng”.

Đọc thêm