Vụ án này đã kéo dài 8 năm nay mới được đưa ra xét xử.
Tại phiên tòa, ngoài yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần là 372 triệu, bà Hường đòi bồi thường chi phí điều trị, phẫu thuật tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là 70 triệu; trợ cấp thu nhập suốt đời là 750 triệu đồng. Đồng thời, đề nghị tính lãi suất số tiền đề nghị bồi thường 1%, tính từ năm 2015.
Theo đơn khởi kiện, tháng 8/2013, bà Hường bị đau chân nên đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và được kết luận bị thoái hóa khớp, có gai xương và được bác sĩ điều trị kê toa cho uống thuốc.
Một thời gian sau, do khớp gối vẫn bị viêm và sưng nên bà Hường đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám, chụp MRI. Kết quả bà bị thoái hóa khớp, có gai xương giống như kết quả khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Theo tư vấn của bác sĩ Nguyễn Huy Toàn, bà cần tiêm chất nhờn để bôi trơn khớp gối. Một mũi có giá 1,2 triệu đồng và tiêm 5 mũi liên tục trong 5 tuần.
Tuy nhiên, sau khi tiêm mũi đầu tiên khoảng 30 phút, bà Hường cho rằng thấy chân phải nặng trĩu, không đi được nên phải nằm viện theo dõi. Bác sĩ đã chuyển bà sang khoa chấn thương chỉnh hình để chụp MRI kỹ thuật cao.
Sau khi chụp MRI, bà Hường được thông báo kết quả bị thoái hóa khớp, có gai, sụn bị rách và khuyến cáo bà phẫu thuật nội soi cắt lọc, khoan xương kích thích tủy xương dưới sụn. Với phương pháp này sẽ duy trì khớp gối được 5 - 10 năm và không gây hại gì. Sau đó, bà Hường đã đề nghị được hội chẩn trước khi phẫu thuật và có camera ghi lại quá trình phẫu thuật.
Tới ngày 27/2/2014, bà Hường được phẫu thuật, nhưng 5 tuần sau phẫu thuật, bà Hường vẫn không đi lại được. Lo lắng, bà đã phản ánh tình trạng bệnh của mình cho bác sĩ điều trị và lãnh đạo bệnh viện nhưng cả bác sĩ và lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bị cho rằng “không có giải thích thấu đáo với bệnh nhân”.
Lo sợ bệnh càng ngày càng nặng, tháng 11/2014, bà Hường đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM thay khớp chân phải. Hiện bà Hường có thể đi lại được nhưng rất yếu và phải hạn chế vận động.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bà Hường được điều trị theo các bước: Điều trị nội khoa, mổ nội soi cắt lọc, nếu bệnh vẫn diễn tiến sẽ phải mổ thay khớp và phương pháp phẫu thuật cho bà Hường là đúng chỉ định và phương pháp điều trị. Người trực tiếp phẫu thuật cho bà Hường là bác sĩ Nguyễn Huy Toàn có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn và đã có kinh nghiệm mổ nhiều ca tương tự.
Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP HCM và Bộ Y tế cũng đã họp và kết luận chỉ định khám, chẩn đoán và điều trị cho bà Hường đúng quy trình.
Theo Bộ Y tế, trong vụ việc của bà Hường, bác sĩ phẫu thuật chỉ có thiếu sót là chưa tư vấn cặn kẽ cho người bệnh về diễn biến tự nhiên của bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Không đồng tình với giải thích từ phía Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bà Hường cho rằng việc phẫu thuật thất bại khiến bà từ một người đi lại bình thường trở thành người tàn tật, phải thay khớp gối.
Ngoài ra, bà Hường còn cho rằng phía bệnh viện còn “ngụy tạo hồ sơ” khi bà nhập viện khoa chấn thương chỉnh hình lúc 10h15 ngày 24/2/2014, nhưng biên bản hội chẩn trước phẫu thuật của bà lại diễn ra lúc 8h cùng ngày, trước cả khi bà nhập viện.
Cũng theo bà Hường, khi nhập viện, bà đã nộp các phim X-quang của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Các phim này thể hiện bà chỉ bị thoái hóa khớp, có gai xương, chứ không hỏng sụn khớp hoàn toàn. Thế nhưng, sau khi làm phẫu thuật tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thì bà đã mất hoàn toàn sụn, phải thay khớp gối toàn phần. Bà đã đề nghị tòa thu thập các phim X-quang của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sau phẫu thuật để đối chiếu.