Bạo hành gia đình là vấn nạn và nỗi đau mà rất nhiều người đang trải qua nhưng không phải ai cũng có cơ hội hoặc dũng khí để tố cáo. Theo thống kê được VTC16 công bố vào năm ngoái, mỗi năm có đến hàng nghìn vụ bạo hành trẻ em xảy ra. Trong đó, có đến 68,4% trẻ em Việt Nam (dưới 18 tuổi) từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục…
Là một người đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam gần 20 năm, đạo diễn Aaron Toronto cùng nhà sản xuất - biên kịch - diễn viên Nhã Uyên, cũng là vợ mình, đã có những quan sát, tìm hiểu cùng sự bức bối đối với vấn nạn “bạo hành gia đình” ở nước ta. Đó là lý do khiến cho “Đêm tối rực rỡ!” ra đời.
Bộ phim bắt đầu bằng một đám tang, khi mà toàn thể những người trong một gia đình lớn tề tựu. Nhưng đó cũng là lúc không chỉ có sự đoàn tụ, mà những ẩn ức, bí mật và cả những nỗi ám ảnh không thể nào vứt bỏ sẽ có dịp trỗi dậy, đủ sức hủy hoại một gia đình. Ở tác phẩm này, đó là hệ quả kinh khủng của nạn bạo hành.
|
Ngoài đám tang “độc nhất vô nhị”, “Đêm tối rực rỡ!” còn là câu chuyện về vấn nạn bạo hành gia đình. |
“Thương cho roi cho vọt”, đây là câu tục ngữ mà ông bà ta ngày trước luôn dùng để dạy dỗ con cháu. Nhưng mỗi thời đại đều có những vấn đề cuộc sống khác nhau mà không phải lúc nào đòn roi cũng là cách giải quyết tốt nhất. Cuộc sống càng hiện đại sẽ càng có nhiều điều khiến con người ta dễ bức bối, dẫn đến các hình thái bạo lực và hệ quả sẽ nặng nề hơn. Hệ quy chiếu về giáo dục và nhận thức ở trẻ em trong mỗi giai đoạn xã hội cũng khác nhau. Phim muốn khắc hoạ một chuỗi bi kịch của gia đình hiện đại để cảnh tỉnh, mong mọi người hãy tránh xa khuynh hướng bạo lực trong ứng xử gia đình, nếu không những hậu quả ở tương lai là rất khó lường.
Trong clip hậu trường mới nhất, các diễn viên của “Đêm tối rực rỡ!” đã có những chia sẻ, trải lòng về nhân vật cũng như quan điểm của mình về việc bạo hành gia đình. Diễn viên Huỳnh Kiến An kể lại: “Sau mỗi cảnh mà nhân vật ông Toàn ra tay hành hạ vợ con, tôi càng thêm ghét nhân vật này. Nhưng mình vẫn phải cố gắng làm tốt, để lên án vấn nạn bạo hành gia đình”.
Diễn viên Phương Dung trong vai bà Gái, người có một số phân đoạn bị bạo hành trên phim chia sẻ về khó khăn của mình khi diễn xuất: “Cú tát hay khi bà Gái bị ông Toàn nhấn nước đều là những cảnh quay thật. Tuy nhiên khó ở chỗ, ngay sau khi bị đánh thì bà Gái sẽ bắt gặp ánh mắt chứng kiến của những người thương mình”. Được biết bà Gái là nhân vật có nhiều mâu thuẫn bên trong, khi chính bà là người chịu đựng sự bạo hành từ chồng nhưng cũng là người không thể bảo vệ con mình khỏi điều đó, thậm chí trút giận lên con.
“Bạo lực một khi đã tạo ra sự ám ảnh thì trong tương lai nó sẽ tiếp diễn. Người bị bạo hành dễ có xu hướng trở thành người bạo hành con mình” - diễn viên Kim B nói. Trong phim, cô đóng vai Kim Bảo, cũng là một nạn nhân của bạo hành và trở thành một con nghiện.
|
Khắc hoạ một chuỗi bi kịch của gia đình hiện đại, đạo diễn mong muốn để cảnh tỉnh, mong mọi người hãy tránh xa khuynh hướng bạo lực trong ứng xử gia đình, tránh hậu quả khó lường trong tương lai. |
Nhân vật trung tâm của bộ phim, Xuân Thanh, do Nhã Uyên thủ vai là người chịu đựng hậu quả tâm lý khủng khiếp sau một tuổi thơ bị cha mình bạo hành thể xác lẫn tinh thần. Cô mắc bệnh tâm lý dẫn đến ly hôn và lúc nào cũng trong tâm trạng ôm một quả bom hẹn giờ. Nhã Uyên bộc bạch rằng khi viết kịch bản cho bộ phim, cô đã lấy một số tư liệu từ chính những bạn bè, người thân xung quanh mình.
Có rất nhiều người thành công trong xã hội, kể cả những người sinh ra từ vạch đích, đều phải tìm đến bác sĩ tâm lý. Sự bạo hành trong xã hội diễn ra ở nhiều mức độ và hình thái khác nhau. Bạo hành thể chất sẽ để lại dấu vết trên cơ thể, bạo hành tâm lý nó như một thứ vô hình có thể khiến cả cuộc đời ta thay đổi. “Tuy nhiên, Uyên không muốn trách những thế hệ trước. Cái quan trọng là trong một chuỗi mắt xích đó thì mỗi chúng ta hãy cố gắng là người bình tĩnh, nhận thức và phá nó đi, để tương lai con cái chúng ta không tiếp tục rơi vào chuỗi mắt xích đó” - Nhã Uyên chia sẻ.
Bạo hành gia đình và đám tang, tưởng không liên quan với nhau nhưng về mặt nào đó vẫn có những thứ tương đồng, về sự mất mát và tiếp nối. Bạo hành gia đình là một tệ nạn, hệ luỵ của nó khủng khiếp và khó có thể lường trước. Nhưng không phải không có cách để thoát ra hay hoá giải. Chúng ta thường có xu hướng im lặng và trốn tránh bạo lực, đặc biệt với người trong gia đình và đó không phải cách giải quyết. Nó cũng tương tự như nỗi đau khi ta trải qua sự mất mát của người thân vậy.
|
Đám tang là những nghi thức lễ nghĩa, những khúc nhạc đèn rực rỡ cuối cùng ta tiễn đưa họ và sau đó là ngày tháng ta biết mình phải vui vẻ để sống tiếp. Thông qua hình ảnh một đám tang, đạo diễn Aaron Toronto muốn phim cất lên tiếng nói tích cực, một sự chia sẻ đến nỗi đau và hoàn cảnh của những người đã và đang trải qua bạo hành gia đình: đào sâu vào chỗ tối tăm, sẽ thấy được ánh sáng.
“Đêm tối rực rỡ!” dự kiến khởi chiếu trên toàn quốc vào ngày 8/4/2022.