Điều chỉnh Thi lớp 10 do dịch bệnh: Thí sinh không nên tự gây áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thí sinh cả nước đang bước vào kì thi tuyển sinh lớp 10 đầy căng thẳng. Tại Hà Nội, ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định lùi lịch thi, giảm một nửa thời gian làm bài so với trước, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn không hết lo lắng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Bí quyết” làm bài

Theo các thầy cô của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, điều quan trọng là các em cần phân bổ thời gian hiệu quả và bình tĩnh nếu “lệch tủ”- dù những năm gần đây, đề thi đã có nhiều đổi mới, tránh học tủ, học vẹt…

Thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên môn Tiếng Anh cho biết, phạm vi kiến thức cần ôn tập của các môn khá rộng, yêu cầu học sinh có nền tảng kiến thức vững chắc và toàn diện, tuyệt đối không được ôn tủ. Đối với các môn trắc nghiệm như Tiếng Anh, nguyên tắc đầu tiên các em cần lưu ý là không được bỏ sót câu nào. Để quá trình làm bài thi diễn ra suôn sẻ nhất, các em nên phân bổ thời gian như sau: Dành 2/3 thời gian làm những câu chắc chắn đúng, sau đó dành 1/3 thời gian còn lại để làm những câu không chắc chắn. Lưu ý để tối ưu thời gian làm bài là ưu tiên giải quyết phần viết lại câu và đọc hiểu trước khi làm các phần khác.

Ở môn Toán, cần làm bài theo đúng nguyên tắc: Dễ làm trước, khó làm sau. Làm câu nào xong câu đấy. Mỗi khi làm xong một ý, các em cần kiểm tra kết quả ngay để tránh sai lầm và ảnh hưởng đến kết quả trong những câu tiếp theo. Cần tuyệt đối tránh các sai lầm như quên điều kiện, quên kết luận, quên đơn vị, chép sai đề, tính sai, vẽ hình sai, vẽ hình thiếu… Đây chính là những lỗi thường gặp khiến học sinh “mất điểm oan” trong bài thi môn Toán vào lớp 10.

Thêm một bí quyết được nhiều học sinh áp dụng là “dễ làm khó bỏ”. Tức là dựa vào số điểm của mỗi câu để lên được thứ tự làm bài, phân bổ thời gian phù hợp cho từng câu trong đề. Học sinh cần tránh tình trạng đầu tư quá mức vào một câu nào đó, sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm các câu khác.

Không nên tự gây áp lực

Ở môn Văn, thầy Nguyễn Phi Hùng cũng nhấn mạnh, khi thi phải phân chia thời gian làm bài hợp lý đối với từng câu, dành nhiều thời gian hơn với những câu có trọng số điểm lớn, hết thời gian là phải cân đối để chuyển ngay sang câu khác, tránh làm “lố” giờ. Sau khi làm xong, hãy dành thời gian ít nhất 5 phút cuối giờ để soát lại bài, bởi trong quá trình làm bài, rất có thể chúng ta mải mê viết theo mạch cảm xúc dẫn đến viết thiếu ý, viết sai, thậm chí là có lỗi chính, lỗi trình bày. Đây là khoảng thời gian quan trọng giúp các em sửa những lỗi không đáng có trong bài, hạn chế việc bị trừ điểm và tối ưu hóa điểm số của bài thi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang khuyên, một số thí sinh chủ quan cho rằng đề thi đã ra bài này năm trước thì sẽ không ra vào năm sau. Từ đó chỉ học “tủ” mà bỏ qua nhiều bài quan trọng dẫn đến việc khi đề ra không “trúng tủ” thì thí sinh chỉ biết cắn bút không làm được gì. Đặc biệt, với xu hướng ra đề ngày càng đổi mới, mở rộng, nội dung thi không chỉ là những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa mà bao gồm cả hệ thống ngữ liệu với nội dung phong phú, đa dạng, gần gũi với đời sống hàng ngày, việc “học tủ” sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng.

Theo nhiều giáo viên, học sinh thường mắc những sai lầm trong khoảng thời gian gần sát ngày thi như luyện đề quá sức, học quá chuyên sâu vào ngữ pháp và cố gắng nhồi nhét kiến thức… Điều này dẫn đến áp lực tâm lý, mệt mỏi cho học sinh. Thay vào đó, 1-2 ngày trước khi thi, các em nên để đầu óc thư giãn, nghỉ ngơi vì thời điểm này sẽ rất khó để tiếp thu thêm kiến thức mới. Hãy giữ tâm lý thoải mái, ăn uống đầy đủ, bổ sung đủ chất trong bữa ăn và ngủ nghỉ đúng giờ, để có thể bước vào kì thi chính thức một cách tự tin nhất.

Ở trong phòng thi, thời gian luôn là yếu tố quan trọng, quyết định điểm số khi mà thời gian thi năm nay đang bị rút ngắn. Nhiều bạn vẫn chưa biết phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý sẽ mang đến cho các thí sinh một áp lực vô hình. Vì thế, mang đồng hồ khi đi thi là một bí kíp nhỏ nhưng sẽ giúp ích cho các sĩ tử rất nhiều.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022 diễn ra vào hai buổi sáng 12 và 13/6/2021 tại 184 điểm thi, với bốn môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử; hơn 93.000 thí sinh đăng ký dự thi. Với chỉ tiêu tuyển sinh 62% số học sinh vào trường công lập, kỳ thi được xác định có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi công tác coi thi cần được coi trọng.

Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lưu ý các đơn vị nhắc thí sinh chủ động chuẩn bị khẩu trang, đeo khẩu trang trong suốt buổi thi. Trước khi vào phòng thi, toàn bộ thí sinh đều phải được đo thân nhiệt và di chuyển ngay vào phòng thi, không tập trung tại sân trường. Các thí sinh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như thân nhiệt cao, ho… được bố trí tại phòng thi riêng.

Trước 17h ngày 11/6/2021, tất cả thí sinh đã đăng ký tham dự kỳ thi phải hoàn thành khai báo y tế theo quy định. Các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 và thí sinh ở địa bàn phong tỏa, cách ly không dự thi.

Đọc thêm