Điều đẹp đẽ chỉ ngắn ngủi vậy thôi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày Tết chúng ta nói chuyện vui, đoàn viên, hội ngộ, nhưng ngày Tết cũng có những khoảng lặng ngầm ngùi, sâu lặng, để thao thức về ngày đã qua và tương lai. Nghe radio những ngày này thấy toàn mở nhạc xuân vui tươi, hoan ca… đơn giản vì người Việt hay nói: Vui như Tết! Nhưng thực sự ngày Tết có phải là ngày vui vẻ hay là ngày tiễn đưa của thời gian và lòng người nặng trĩu suy tư?
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Với tôi, Tết ngày vui cũng nhiều mà ngày tĩnh lặng, đượm buồn cũng thật sâu sắc.

Mấy trăm năm trước, Nguyễn Trãi, một đại thần của nhà Lê cùng chinh phạt giặc Minh khi đã rời bỏ chính trường, sống nơi nhà tranh. Trong đêm 30 Tết biệt dã, cô quạnh đó, ông đã viết: “Chong đèn chực tuổi cay con mắt/Đốt trúc khua na đắng lỗ tai” (Đêm trừ tịch - Nguyễn Trãi). Ôi, một con người lừng lẫy, lại có một đêm cô độc “đốt trúc khua na” để đuổi ma quỷ trong đếm giao thừa có điều gì đó thật bất nhẫn của chính trị với tâm hồn của Ức Trai.

Hay cũng có lẽ ông nhìn thấy chính trường đẫm máu sau khi đất nước hòa bình, là những cuộc thanh trừng phe nhóm mà biết bao đại thần sinh tử trong thời chiến bị giết vì nghị kỵ, dèm pha hay tranh giành quyền lực.

Đó là câu chuyện buồn của một vĩ nhân. Còn chúng ta buồn không trong thời khắc giao

mùa đó?

Trong đêm giao thừa, khi rượu đã tàn canh. Khoảng thời gian gần hết 1 năm đó cho ta nghĩ năm trôi qua làm được nhiều việc tốt, nhiều việc dở dang, nhiều việc không biết tương lai ra sao? Ta thấy gánh nặng phía trước, thấy có hy vọng, niềm tin, nhưng cũng thấy bất trắc. Ai mà biết được ngày mai?

Với những người trẻ, Tết họ vô tư hơn, nhưng với thế hệ mang nhiều trách nhiệm thì ngày Tết quả là nhiều băn khoăn. Tuổi tác thêm, sức khỏe suy giảm, năng lượng không còn dài, sự an toàn không bảo đảm. Mối ưu tư đó trong đêm cô tịch 30 mấy ai hiểu, chỉ biết gửi tâm sự theo khói hương với tiên tổ.

Cụ Nguyễn Khuyến cũng cho những vần thơ đầy tâm sự trong những ngày cuối năm. Bài thơ Chợ Đồng, mang không khí hoài niệm của xứ Bắc; có mưa phùn, gió lạnh, có cái xao xác của chợ quê ở vùng châu thổ sông Hồng. Cái không khí Tết trĩu nặng của nợ nần, nghèo khó và chút hy vọng vang lên rồi tắt ngấm “Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”.

Nguyễn Khuyến là người tài hoa, rồi chán chốn quan trường mục rỗng, cáo quan về sống nơi thôn dã và qua đời tại đây. Chút ngậm ngùi của ông phản ánh được nỗi lòng của nho sĩ trong thời loạn, vẽ nên bức tranh quê đượm buồn trong những ngày giáp Tết: “Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng/Năm nay chợ họp có đông không?/ Dở trời, mưa bụi còn hơi rét/ Nếm rượu, tường đền được mấy ông?/Hàng quán người về nghe xáo xác/Nợ nần năm hết hỏi lung tung/ Dăm ba ngày nữa tin xuân tới/ Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”.

Bài hát mà chúng ta hay hát và luôn nghĩ là bài hát vui khi năm mới đến là bài” Happy new year” của ban nhạc người Thụy Điển ABBA. Nhưng đó là một bài hát quá buồn, hoang mang, mất phương hướng khi năm cũ đã gần hết và năm mới sắp đến, khi mà “sâm banh đã cạn, hoa giấy ngập phòng…”.

“…Đôi khi em nhìn thấy/ Một thế giới mới can trường hiện đến/ Và em nhìn thấy sự thịnh vượng/ Trong tro tàn của cuộc đời chúng ta/ Ôi, đúng thế, con người là một lũ si ngốc/ Và cứ nghĩ là mình sẽ ổn thỏa/ Lê lết những bàn chân lấm lem/Chẳng bao giờ biết là đã chệch hướng rồi/ Cứ bước tới bất kể giờ đây đối với tôi/ Những giấc mơ mà ta từng có/ Đều đã chết hết rồi, chẳng còn gì ngoài những bông giấy vương vãi trên sàn nhà/ Cuối thập kỉ rồi/ Và trong mười năm tiếp theo/ Ai mà biết chúng ta sẽ tìm thấy điều gì…”.

Vậy tại sao con người nghĩ đó là ngày vui? Phải chăng là sự trốn chạy âu lo cuộc sống, trốn chạy muộn phiền để tìm hơi men trong cuộc vui vậy mà hát vang, chúc mừng năm mới, mà bước đi chả biết sao nữa.

Nguyễn Trãi đã viết: “Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan”. Ngày lệ đây phải chăng là chia lìa, là nước mắt, là chút mừng vui hy vọng, là sự an ủi bản thân khi nhìn thấy “bóng hoa tan”.

Những thứ đẹp đẽ chỉ ngắn ngủi vậy thôi, giống như con người tìm kiếm niềm vui trong ngày Tết mà ngỡ là mình đang vui.