Ngôi nhà của bác cả nằm ở đầu làng, ngay sau ngôi chùa của làng Chanh - một làng đậm chất xứ Bắc với những cột nhà bằng gỗ to, tròn đã bạc màu theo năm tháng. Bác gái bảo, mỗi năm, đến dịp Tết, tiếng các cụ sãi đọc kinh, nghe rõ mồn một những bài kinh về lòng hiếu thảo, bác lại rơi nước mắt vì nhớ người mẹ đã ở tuổi ngoài 90, đang ở cách xa con gái vài trăm cây số.
Bác gái tâm sự, từ ngày lấy chồng về làng Chanh, trẻ thì bận con, bận việc, không mấy khi có dịp về quê ăn Tết với mẹ. Khi lên tuổi ông, tuổi bà thì sức khỏe lại cản trở việc bác vượt những cung đường xa về thăm mẹ hàng năm. Thế nên bác cũng hiểu cho các con của mình khi không thể về với mẹ mỗi mùa Xuân…
Nhà bác có 5 người con - 3 trai, 2 gái đều lập nghiệp xa quê. Thời gian đầu tiên, dễ đến chục năm, khi 2 bác còn trẻ khỏe, các con mải kiếm tiền, không mấy khi về ăn Tết với bố mẹ. Nhưng mươi năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, ngôi nhà của bác lại rực rỡ sắc màu vì các con mang Tết 3 miền về tụ hội…
Con trai cả vào Sài Gòn lập nghiệp, tất bật quanh năm với công việc ở một cửa hàng chuyên in ấn, photocopy cho sinh viên ở làng đại học Thủ Đức. Anh bảo “không có lúc nào ngơi tay, từ sáng sớm đến tối mịt”. Nhưng cứ đến tầm tháng 9, khi vé tàu Tết mở bán, anh chị lại xếp hàng đi mua. Thu nhập không dư dả nhiều nhưng không thể không về quê ăn Tết với bố mẹ.
Con trai thứ vào Tây Nguyên, suốt năm miệt mài với trồng cây, hái quả, năm được, năm mất, bù trừ nhau nên tiết kiệm cũng không được bao nhiêu. Mỗi chuyến xe đò từ Đắk Lắk ra làng Chanh khá thuận tiện nhưng lu bu công việc cũng chỉ có mỗi dịp Tết mới tạm gác sự bận rộn để về với bố mẹ. Anh kể, cũng phải sắp xếp nhờ người trông nom nhà cửa, vườn tược từ vài tháng trước mới yên tâm về quê. Tết nhất, nhà nào cũng muốn sum vầy, không ai muốn làm lụng.
Hai người con gái thì lấy chồng xa quê. Người gần cũng cách hơn hai trăm cây số nên vài năm mới về với bố mẹ được một lần. Con trai út của bác vất vả nhất. Lặn lội lên tận Hà Giang theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng anh chị lại không thuận lợi lập nghiệp ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Chị làm cô giáo mầm non, anh mở công ty du lịch. Do công việc không thuận lợi, anh chị bàn nhau về xuôi, nấn ná mãi vẫn chưa dứt được để về thì Hà Giang có nhiều chính sách phát triển du lịch. Những kế hoạch của anh có cơ hội thành hiện thực… Nhưng đường về quê mẹ mỗi dịp Tết lại trở nên khó khăn hơn vì mùa xuân Tây Bắc rất có sức hút với du khách ngoại quốc… Anh tâm sự, cuộc sống đỡ khó khăn hơn, có điều kiện hơn thì lại ham việc. Tuy nhiên hình ảnh bố mẹ cô đơn trong ngôi nhà 4 gian ở quê mỗi lúc Facetime lại thúc giục anh cố gắng sắp xếp công việc để về…
Ảnh minh họa của Văn Lang |
* * *
Năm nay, bà ngoại của các anh tròn 100 tuổi. Lần đầu tiên, bác gái gọi điện, nhắn nhủ các con, các cháu về đông đủ trong dịp Tết này để cả nhà cùng về quê chúc mừng bà Thượng thượng thọ. Bác bảo, ngày càng thấm thía cảnh bố mẹ vò võ đợi chờ con cháu trở về - đặc biệt vào mỗi dịp Tết. Dù các con có thành đạt, phương trưởng hay không thì mỗi ngày được ở bên con cháu cũng luôn là những tháng ngày hạnh phúc của mỗi bậc làm cha, làm mẹ.
Ngôi nhà của bác cả năm nay rộn ràng nhất làng. Người ra, người vào chúc mừng bác có một cái Tết đông đủ nhất… Nhìn dáng bố mẹ lụi cụi, xăm xăm lấy cho con cái này, đưa cho cháu cái kia với vẻ rạng rỡ, mừng vui… dường như anh chị đều hiểu, với bố mẹ, dù các con đã ngoài năm mươi tuổi thì vẫn luôn là những đứa trẻ thơ. Không ai nói ra nhưng trong thâm tâm mỗi người ít nhiều đều đặt quyết tâm: “Về với bố mẹ mỗi khi có thể, để được hưởng thêm một mùa xuân bên những đấng sinh thành..”.
“Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha”… tiếng hát từ chiếc đài nhà hàng xóm vọng sang càng khiến những ánh mắt của những người con có tuổi rưng rưng hơn. Bác gái đang xúc động nghĩ đến ngày mai - niềm vui khi bác đưa con, cháu của mình về thăm mẹ già đã 100 tuổi…/.