Gia đình ông Nguyễn Văn N và bà Võ Thị H xưa nay vốn có tiếng là gia giáo, mọi người đều vui vẻ, thuận hòa. Ông thì chăm chỉ làm lụng, bà lại khéo vun vén nên cơ ngơi cũng kha khá, nhà ba gian, ruộng đất cũng được vài mẫu. Con cái cũng lần lượt có gia đình, khi ra ở riêng mỗi người đều được cha mẹ cho 05 công đất. Số còn lại là phần của cậu Út, nhưng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên ông N.
Khi còn sống, nhiều lần ông bà dặn dò các con rằng nhà đất còn lại là của thằng Út, anh em phải có trách nhiệm bảo bọc nhau. Nhưng, sẽ chẳng có gì để nói nếu như không có dự án mở đường, đất đai không tăng giá dẫn tới tranh chấp.
Về trường hợp này, Ths Bùi Đức Độ - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang phân tích: Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Thực hiện quyền của chủ sở hữu, Bộ luật Dân sự tôn trọng quyền tự định đoạt, ưu tiên hưởng di sản theo di chúc, nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì thừa kế theo pháp luật mới được áp dụng.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân, phải được lập thành văn bản nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Để di chúc miệng có hiệu lực pháp luật, người di chúc miệng và người làm chứng phải tuân theo các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, người di chúc miệng: (1) Người di chúc miệng phải là người thành niên, tại thời điểm lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; (2) Người di chúc miệng phải trong tình trạng tính mạng bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản (do bệnh nặng sắp chết, hoặc do bị tai nạn giao thông,…); (3) Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng.
Thứ hai, điều kiện người làm chứng: (1) Số lượng ít nhất 02 người; (2) Mọi người đều có thể làm chứng cho việc di chúc miệng, trừ những người sau: (i) Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; (ii) Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; (iii) Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Thứ ba, trách nhiệm của người làm chứng: Người làm chứng ghi chép lại ý chí cuối cùng của người di chúc miệng, cùng ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền như UBND xã... chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy, cho dù pháp luật công nhận di chúc miệng nhưng cuối cùng vẫn phải thể hiện bằng văn bản, chỉ khác là người ký vào di chúc thay vì chủ sở hữu tài sản thì trường hợp này lại là người làm chứng. Vậy nên, người làm chứng cũng cần lưu ý không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu văn bản gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Trường hợp văn bản có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.
Về câu chuyện thừa kế của các con ông N và bà H, lời dặn của cha mẹ không phải là di chúc miệng, trăng trối của bà H chỉ được coi là di chúc miệng nếu tuân thủ đầy đủ các điều kiện nêu trên. Nếu không, anh em nên thương lượng, hòa giải thừa kế theo pháp luật, dựa trên tình cảm anh em ruột, công sức đóng góp, tài sản các anh chị đã được cha mẹ cho trước đây… “Vô phúc đáo tụng đình” là lựa chọn cuối cùng, nếu như kiên trì mọi biện pháp đều không mang lại kết quả.