Hỗ trợ tới 40 triệu đồng để làm nhà ở
Theo Nghị định, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối thiểu 40 triệu đồng/hộ. Đối với hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt, thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức tối thiểu 30 triệu đồng/hộ. Còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối thiểu 20 triệu đồng/hộ.
Cũng theo Nghị định, nhà nước sẽ hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 1 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết Âm lịch. Và hỗ trợ không quá 3 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ cho đối tượng thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác từ nguồn lực của địa phương và nguồn dự trữ quốc gia.
Đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu thì được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia các vật dụng như: lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ.
Trẻ em có cả cha và mẹ chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ: Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế; Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
Về việc làm, phát triển sản xuất, các hộ gia đình có người là lao động chính bị chết, mất tích hoặc hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất chính do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác dẫn đến mất việc làm thì được xem xét trợ giúp tạo việc làm, phát triển sản xuất theo quy định hiện hành. Trường hợp đặc biệt khẩn cấp, nghiêm trọng, việc hỗ trợ sẽ theo quy trình, thủ tục do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định, bỏ qua bước bình xét, bảo đảm chi trả cho đối tượng kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức, công khai và minh bạch.
Người nào cần chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng?
Nghị định cũng nêu các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng bao gồm: Trẻ em có cả cha và mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng; Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội. Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Về việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Nghị định quy định cụ thể điều kiện, trách nhiệm đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng. Cụ thể, người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em phải bảo đảm các điều kiện như: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ em; Có nơi ở ổn định và chỗ ở cho trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Có điều kiện về kinh tế, sức khỏe, kinh nghiệm chăm sóc trẻ em; Đang sống cùng chồng hoặc vợ thì chồng hoặc vợ phải bảo đảm điều kiện theo quy định.
Bên cạnh đó, người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm sau đây: Bảo đảm điều kiện để trẻ em được đi học, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí; Bảo đảm chỗ ở an toàn, vệ sinh cho trẻ em; Đối xử bình đẳng đối với trẻ em; Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu có hành vi, đối xử tệ bạc với trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Lợi dụng việc chăm sóc, nuôi dưỡng để trục lợi; Có tình trạng kinh tế hoặc lý do khác dẫn đến không còn đủ khả năng bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì sẽ không được tiếp tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.