Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân: Cán bộ chiếm rừng làm 'của riêng'

(PLVN) - Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc Hải Vân (đóng ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã để rừng mình quản lý sinh trưởng và phát triển kém. Ngoài ra, ông Giám đốc BQLRPH cùng với vị Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng bị tố chiếm rừng trồng làm của riêng gây bức xúc dư luận.
Chất lượng rừng tại một số khu vực BQL Bắc Hải Vân quản lý rất kém.
Chất lượng rừng tại một số khu vực BQL Bắc Hải Vân quản lý rất kém.

Để rừng chỉ còn dây leo 

Báo PLVN nhận đơn phản ánh của ông Phan Đình Thành (50 tuổi, ngụ tổ dân phố Loan Lý, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) về việc BQLRPH Bắc Hải Vân không thực hiện việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên diện tích 22ha tại khu vực Đằm Hội, Hóc Đá Bàn thuộc tổ dân phố Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô.

PV đã đi thực tế khu rừng trên, thật ngỡ ngàng khi rừng ở đây chỉ toàn gai mây, dây leo, bìm, cây bản địa ít ỏi chỉ nằm dưới tán thực bì, thi thoảng mới bắt gặp một vài cây sao còi cọc, sinh trưởng kém; ở phía bìa rừng được trồng keo khoảng 5 năm tuổi, có đường kính gốc từ 12-17 cm.

“Dân không có đất rừng để trồng, thế mà BQLRPH lại thiếu trách nhiệm, không chịu trồng, chăm sóc để làm rừng nghèo nàn, không có độ che phủ dẫn đến rừng bị sạt lở, mất nguồn nước về mùa hè, lũ lụt vào mùa mưa… BQLRPH làm không tốt thì cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm thu hồi đất rừng này lại, nếu người dân địa phương có khả năng nhu cầu thì xem xét giao cho họ trồng, chăm sóc bảo vệ để rừng phát triển tốt”, ông Thành mong muốn.

Được biết, BQLRPH Bắc Hải Vân được thành lập từ năm 2007, tiếp nhận 2000 ha rừng trồng. Còn ở khu Hoái Dừa, có hai công thức trồng rừng đó là trồng rừng bản địa và công thức trồng bản địa xen với keo.

Trao đổi với PLVN, ông Trần Văn Lộc (Giám đốc BQLRPH Bắc Hải Vân) cho hay chất lượng rừng ở đây kém. Vị này lý giải, diện tích nói trên là rừng sản xuất, toàn bộ đầu tư của Nhà nước là không còn. Ngoài ra, trong cơn bão số 6 năm 2006 đã tàn phá toàn bộ hết khu rừng này.

“Chất lượng rừng ở đây bị ảnh hưởng là do không có kinh phí đầu tư, thế nên cây bản địa không phát triển được. Biết là thế nhưng cũng chịu, Sở NN&PTNT cũng chịu. Không có đầu tư nên chỉ giữ nguyên và giữ nguyên. Bó tay”, vị này nói.

Ý kiến trên bị nhiều người đánh giá là thiếu trách nhiệm. Đơn vị này đã được giao quản lý khu rừng trên hơn 12 năm nhưng để rừng kém là không thể chấp nhận. Nếu nơi nào cũng để rừng như vậy thì hậu quả sẽ như thế nào?

Cây sao hơn 10 năm tuổi vì không được chăm sóc nên còi cọc thân chưa bằng ngón tay.
Cây sao hơn 10 năm tuổi vì không được chăm sóc nên còi cọc thân chưa bằng ngón tay.

Về vấn đề này, Sở NN&PTNT thông tin, thực tế hiện trạng rừng ở đây chỉ còn rải rác trên các lô, mật độ không đồng đều, cây còi cọc, sinh trưởng và phát triển kém, phần lớn nằm dưới tán thực bì.

Nguyên nhân, sau khi nhận bàn giao, BQL không thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng rừng trồng để báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý. Trách nhiệm trên thuộc về Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng chuyên môn và các cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại đơn vị.

Lợi dụng chức vụ chiếm rừng để trục lợi?

Theo phản ánh của một số người dân ở Lăng Cô, ông Trần Văn Lộc cùng với ông Nguyễn Ngọc Vấn (Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm khoảng 10 ha rừng ở TDP Hói Dừa để trồng rừng làm của riêng. 

Hai cán bộ bị tố cáo giải thích, do người dân nơi đây lấn rừng nên hai ông bỏ tiền, bỏ công mua ít cây, trồng trên khoảng 2 ha để chống lấn chiếm.

“Nếu để dân lấn chiếm sẽ quy trách nhiệm cho mình nên anh em mới làm như vậy. Đúng nguyên tắc tụi anh phải báo cáo lên Sở (Sở NN&PTNT - PV) nhưng nhỏ quá nên đơn vị không báo cáo. Mình nghĩ đơn giản nên đã sai về mặt chủ trương. Nếu bị bắt nhập tài sản này cho Nhà nước chúng tôi cũng chấp nhận, không nặng nề”, ông Lộc nói.

Vị Giám đốc BQLRPH này cho biết thêm, đơn vị quản lý rừng từ đèo Phước Tượng đến đèo Hải Vân, diện tích lớn nhưng con người mỏng (1 công chức, 12 viên chức, 10 hợp đồng chuyên trách) nên gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết dân lấn chiếm, nên mới chọn cách làm như trên.

Về việc này, theo Sở NN&PTNT, ông Lộc chỉ đạo trồng rừng để “chống lấn chiếm của dân” và giao cho ông Vấn bỏ vốn trồng, chăm sóc là không đúng chủ trương của Sở. Để xảy ra những sai sót trên trách nhiệm thuộc về ông Lộc. Sở sẽ cho thu hồi toàn bộ diện tích rừng trồng này gồm 1,179 ha tại khu vực Đằm Hội và 1,32 ha tại khu vực Hóc Đá Bàn để bổ sung vào nguồn ngân sách nhà nước.   

Ông Phan Đình Thành mới đây đã gửi đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu làm rõ hơn những sai phạm ở BQLRPH Bắc Hải Vân. Ông Thành nói: “Nếu tôi không bỏ công, bỏ sức tố cáo thì liệu cấp trên có biết những sai phạm nghiêm trọng ở đây không? Sở Nông nghiệp đã thanh kiểm tra công tâm, hết mình chưa? Nếu cơ quan quản lý rừng nào cũng sai phạm như ở đây thì làm gì còn rừng? Tôi mong cơ quan chức năng sẽ công tâm trong sự việc này, làm tới nơi để nêu gương cho những đơn vị khác”.

Đọc thêm