Bất thường trong xử lý vụ 'con rể' quăng gạch vào nhà 'bố vợ'

(PLO) -Gia đình bị hại không có yêu cầu, thiệt hại về tài sản chỉ hơn 300 ngàn đồng, nghi phạm chưa có tiền án, tiền sự, chưa bị xử phạt hành chính thế nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) vẫn “kiên quyết” khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Gây rối trật tự công cộng. 
Ông Trang chỉ nơi bị Tư ném gạch và bày tỏ mong muốn không muốn Tư bị đi tù.
Ông Trang chỉ nơi bị Tư ném gạch và bày tỏ mong muốn không muốn Tư bị đi tù.

Mâu thuẫn nhỏ, tình tiết giản đơn

Theo nội dung đơn kêu cứu của Đỗ Văn Tư (SN 1989, trú tại xã Thụy Lôi), năm 2010, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Nhung (trú tại xã Trung Dũng, cùng thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Do bất đồng trong cuộc sống nên năm 2015, 2 người chính thức ly hôn. Cháu Tú Anh (con chung của 2 vợ chồng, SN 2012) do chị Nhung nuôi dưỡng.

Ngày 16/11/2016, Tư đi xe máy chở theo 2 người cháu đến nhà ông Nguyễn Văn Trang (SN 1965, trú tại xã Trung Dũng, bố đẻ chị Nhung) để đón con. Đến nơi vào khoảng 19h30, do còn mặc cảm nên Tư không vào hẳn trong nhà. Lúc này, ông Trang không đồng ý cho Tư đón con nên hai bên xảy ra mâu thuẫn, to tiếng.

Khi Tư bực tức nói “ông là gì mà cấm tôi” thì ông Trang từ trong nhà chạy ra dùng chân đạp Tư. Tư cầm được chân kéo giật lại khiến ông Trang ngã ngửa ra sàn nhà. Nghe tiếng kêu của bố, con trai ông Trang là anh Nguyễn Văn Trọng (SN 1988) chạy lên tát Tư. Sau một lúc giằng co, anh Trọng mới đẩy được Tư ra ngoài đường và đóng cổng lại.

Tư đứng ở ngoài chửi bới và lấy 2 viên gạch (loại gạch xỉ, bê tông) ném vào nhà ông Trang, nhà anh Trọng. “Khi tôi lên tới nơi thì thấy nhà ông Trang, nhà anh Trọng tắt điện, đóng cổng kín. Còn Tư thì ngồi ở đối diện bên kia đường. Tôi đến vỗ vào vai thì Tư bừng tỉnh, đứng dậy lấy tay gạt lên đầu thì thấy có máu. Tôi có nhờ người khuyên giải và đưa con về”, bà Nguyễn Thị Ngân (mẹ Tư) kể lại.

Chỉ đề nghị “dạy dỗ, răn đe”

Chia sẻ với PV, Tư cho biết: “Em thừa nhận mình có lời nói không phải với ông Trang cũng như việc chửi bới, ném gạch vào nhà là không đúng. Thế nhưng, sau ngày 2 vợ chồng chia tay, tâm trạng của em không được tốt. Hôm đó lên đón con lại bị ngăn cản nên bản thân có phần bức xúc, nóng nảy. Nghĩ sự việc đơn giản nên dù bị đau đầu, gần tai bị chảy máu nhưng em không đi khám”.

Về phần mình, ông Trang cho biết, bản thân ông bị tím phần hông, anh Trọng bị bươm trán do trúng gạch. Tài sản thì chỉ có 1 cánh cửa gỗ bị vỡ huỳnh (thanh nẹp) và 1 cánh cửa tôn (nhà anh Trọng) bị cong, bẹp. 

“Nói chung thương tích chỉ xuề xòa, ngoài da. Thiệt hại tài sản cũng không đáng kể. Tôi chỉ bức xúc nhất là việc Tư chửi cả ba đời nhà tôi. Nhưng dẫu sao nó cũng là con rể tôi, là cha của cháu tôi. Gia đình tôi chỉ có đơn tường trình sự việc chứ không kiện cáo, cũng không có yêu cầu đền bù hay bồi thường danh dự gì”, vợ ông Trang cho hay.

Gia đình ông Trang cũng cho biết, họ chỉ mong muốn, các cơ quan, chính quyền địa phương có biện pháp giáo dục, nhắc nhở để Tư trở thành công dân tốt, ứng xử cho phải đạo, để họ thời gian yên ổn làm ăn, chăm sóc cháu (cũng là con của Tư) cho tốt. “Chúng tôi tuyệt đối không hề muốn Tư phải đi tù”, gia đình ông Trang khẳng định.

Đại diện công an xã Thụy Lôi cũng xác nhận: “Tư có nhân nhân tốt, có việc làm, gia đình chấp hành đầy đủ các chính sách, pháp luật. Từ trước tới nay, Tư chưa có tiền án, tiền sự cũng như bị xử phạt hành chính về tội gây rối trật tự công cộng”.

Trao đổi về vụ việc, nhiều luật sư và trợ giúp viên pháp lý đều cho rằng: “Pháp luật bên cạnh việc xử lý nghiêm minh còn luôn cần đề cao tính răn đe, phòng ngừa, tạo điều kiện để người phạm pháp sửa chữa lỗi lầm. Căn cứ vào hành vi trong vụ việc này cần hình phạt răn đe (như xử phạt hành chính, nhắc nhở tại địa phương) chứ không phải hình phạt cho một hành vi tội phạm hình sự”.

Cụ thể, chế tài cho hành vi này đã được quy định tại khoản 2, điều 5 167/2013/NĐ-CP “Vi phạm về trật tự công cộng”: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:…d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác”.

CQĐT “hình sự hóa”?

Để làm rõ vụ việc, ngày 11/1/2017, PV đã làm việc với ông Nguyễn Văn Bái (Đội trưởng Đội điều tra Công an Huyện Tiên Lữ). Ông Bái xác nhận, công an huyện có thụ lý vụ việc và đã có quyết định khởi tố vụ án số 12, quyết định khởi tố bị can số 28 đối với Đỗ Văn Tư về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 245 Bộ luật Hình sự.

Việc khởi tố này có hợp lý? Điều 245 Bộ luật Hình sự quy định như sau: “1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm”.

Theo lời ông Bái, CQ CSĐT đã trưng cầu kết quả định giá tài sản thì tổng tài sản bị thiệt hại chỉ có 374.000 đồng. Rõ ràng, thiệt hại này chưa tới mức “hậu quả nghiêm trọng” theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Vậy có cần thiết phải khởi tố Hình sự hay không?

Càng bất ngờ hơn khi ngay trong ngày 31/12/2016, Cơ quan CSĐT Công an Huyện Tiên Lữ đã có quyết định bắt tạm giam đối với Đỗ Văn Tư trong thời hạn 90 ngày cũng với tội danh trên.

Theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc bắt người để tạm giam đối với bị can, bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có hình phạt tù trên 2 năm thì phải có căn cứ cho rằng đối tượng có thể trốn hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội. 

Bức xúc về việc này, Tư trình bày: “Sau khi xảy ra sự việc, em đã lên công an huyện làm việc 4 lần. Kể cả gọi em bằng điện thoại em cũng vẫn lên. Các anh ấy cũng nói hồ sơ của em hoàn thiện xong rồi. Vì vụ việc này mà em phải nghỉ việc mất cả tháng. Em mới đi làm lại được mấy ngày thì lại liên tiếp có giấy gọi lên nhưng em đi làm (Tư làm nghề lái xe-PV) nên không có nhà. Tết đến nơi rồi, em còn phải đi làm kiếm tiền mưu sinh. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, cha đau bệnh, mẹ già yếu”.

Điều đáng nói, chính bản thân ông Bái cũng thừa nhận: “Diễn biết sự việc đơn giản, không có gì lắt léo, phức tạp”, “quá trình lấy lời khai, Tư đều thành khẩn khai báo”. Nếu đúng như vậy thì có cần bắt tạm giam Tư hay không? 

Điều đáng nói, Tư còn tố cáo, có người đã gợi ý Tư chi tiền để được “xem xét”, “tạo điều kiện”. Tư cũng cung cấp 1 số tin nhắn, ghi âm khác. Động cơ, mục đích của việc này (nếu có) là gì, PV sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ.

Qua báo, người dân khẩn thiết đề nghị Công an tỉnh, Viện KSND, Ban Nội chính tỉnh Hưng Yên xem xét, quan tâm, chỉ đạo vụ việc để việc điều tra được tiến hành khách quan, đúng pháp luật, xử lý vụ việc có lý có tình, không “hình sự hóa” theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, không gây mất niềm tin của nhân dân vào cơ quan thực thi pháp luật.

Đọc thêm