Đắk Nông: Vợ chồng cựu chiến binh đã mất đất còn bị phạt tù oan?

(PLO) - Trong vụ án tranh chấp dân sự, dù nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn hoàn tất thủ tục sang tên sổ đỏ nhưng Tòa lại yêu cầu xử lý theo hướng hình sự. Kết quả bị đơn trở thành bị cáo, vào tù trong uất ức.
Diện tích đất 400m2 đã được bên mua quản lý, cải tạo mặt bằng
Diện tích đất 400m2 đã được bên mua quản lý, cải tạo mặt bằng

Phủ nhận chữ ký vì cho rằng mình bị mất đất?

Theo hồ sơ vụ án, năm 2007, ông Nguyễn Văn Võ (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) được UBND huyện Tuy Đức cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số AL 666508 đối với phần đất 800m2, thuộc thôn 4, xã Quảng Tâm.

Vào ngày 7/3/2008, vợ chồng ông Võ – bà Nguyễn Thị Thưởng đã sang nhượng cho bà Đoàn Thị Huệ (xã Quảng Tâm) 400m2 tại thửa đất trên, với giá 100 triệu đồng. Trong hợp đồng viết tay thể hiện: “Tôi (tức ông Võ) đã nhận đủ số tiền trên và giao lại sổ và đất cho cô Hằng và cô Huệ toàn quyền sử dụng”.

Giao dịch trên có người làm chứng và nhiều năm sau này, chính bà bà Huệ trình bày, sau khi ký hợp đồng, ông Võ đã đưa Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà. Và vì tin tưởng nhau nên bà chưa yêu cầu ông Võ làm thủ tục sang tên.

Vì đây là đất đồi nên sau khi mua đất, bà Huệ múc đất làm mặt bằng và suốt 8 năm sau đó không có tranh chấp. Cho đến năm 2016, bà Huệ chuyển nhượng phần đất này cho một người thứ 3 nên yêu cầu vợ chồng ông Võ ký thủ tục sang tên. Lúc này xuất hiện bất đồng giữa hai bên.

Lúc hai vợ chồng ông Võ đến UBND xã Quảng Tâm thì mới biết bà Huệ yêu cầu hai người đến đây để ký thủ tục sang tên cho một người lạ tên là Cương. Cho rằng không hề mua bán gì với ông Cương, hai vợ chồng đã từ chối ký thủ tục.

Điều đáng nói, lúc đó họ phát hiện mảnh đất 800m2 đã bị tách thửa. Giấy chứng nhận QSDĐ mà ông Võ đứng tên lúc này chỉ còn 600m2, phần diện tích bị mất 200m2 thì được bà Tuyết nào đó đứng tên. Trong khi, hai vợ chồng ông Võ cho rằng mình chưa từng ký bất cứ thủ tục nào cho bà Tuyết.

Hai vợ chồng nghi ngờ trong thời gian giữ Giấy chứng nhận QSDĐ của mình bà Huệ đã làm việc mờ ám nên từ chối nghĩa vụ. “Bức xúc chuyện bị mất 200m2 đất, vợ chồng tôi phủ nhận chữ ký trong hợp đồng bán đất cho bà Huệ, mục đích muốn chờ làm rõ vì sao mất đất xong rồi mới ký thủ tục sang tên”, bà Thưởng khổ sở.

Từ những gì hai bên trình bày có thể thấy, tài sản là phần đất 400m2 đã được bên mua – bà Huệ quản lý, cải tạo đồng thời nắm giữ Giấy chứng nhận QSDĐ từ năm 2008. Ngoài ra, năm 2016, tài sản này được bà Huệ mang đi bán lại cho bên thứ ba. Nghĩa vụ giữa hai bên lúc này chỉ còn một bước cuối cùng là hoàn tất thủ tục sang tên.

Bà Thưởng cho rằng hai vợ chồng bà bị mang án oan
Bà Thưởng cho rằng hai vợ chồng bà bị mang án oan

Vợ chồng cựu chiến binh mang án tù

Để giải quyết vụ việc, tháng 6/2017 bà Huệ khởi kiện ra TAND huyện Tuy Đức, yêu cầu vợ chồng ông Võ tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn tất thủ tục sang tên. Tòa sau đó ra quyết định trưng cầu giám định chữ ký, viết của ông Võ bà Thưởng trong hợp đồng ngày 7/3/2008.

Kết quả, chữ ký, viết trong hợp đồng là của ông Võ, bà Thưởng. Đến đây, Tòa hoàn toàn có thể đưa ra một phán quyết hợp lý dựa trên những bằng chứng đã có, buộc phía bị đơn thực hiện nghĩa vụ với nguyên đơn, nhưng Tòa đã không giải quyết như vậy.

Cho rằng vụ án có dấu hiệu tội phạm, ngày 26/9/2017 thẩm phán TAND huyện Tuy Đức Phạm Văn Quân ký quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự. Lập tức ngày hôm sau, Tòa gửi công văn kèm hồ sơ vụ việc sang công an và VKSND cùng cấp, đề nghị xem xét giải quyết theo trình tự tố tụng hình sự.

Hồ sơ sau đó được chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức và tiếp đến là khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vợ chồng ông Võ về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau khi khởi tố ít ngày, ngày 16/4/2018, ông Võ bị bắt giam, bà Thưởng được tại ngoại.

Điều đáng nói, kết luận điều tra của Công an huyện Tuy Đức đã ngược lại với những gì đương sự trình bày. Cho rằng, vợ chồng ông Võ không chịu bàn giao đất, không giao Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Huệ và chiếm đoạt 100 triệu đồng.

Cáo trạng của VKSND huyện Tuy Đức còn cho rằng vợ chồng ông Võ “dùng thủ đoạn gian dối” để chối bỏ việc sang nhượng đất, chiếm đoạt tiền. Kết luận này tiếp tục mâu thuẫn với những gì các đương sự khẳng định trước đó.

Trong hai ngày 4 và 5/10/2018, vụ án được TAND huyện Tuy Đức đưa ra xét xử, thẩm phán lại là ông Phạm Văn Quân – người trước đó ký quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự và hướng vụ án sang thủ tục hình sự, dù cho luật sư bị cáo đã có đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán. Ngoài ra, quá trình tố tụng còn nhiều bất cập chưa được làm sáng tỏ.

Điều lạ lùng nhất, bản án số 31/2018/HSST của TAND huyện Tuy Đức thể hiện, tại phiên tòa cả bị cáo lẫn bị hại là bà Huệ, đều cho rằng các bị cáo không phạm tội mà chỉ là giao dịch dân sự. “Người bị hại chị Đoàn Thị Huệ xác nhận hành vi của các bị cáo đúng như các bị cáo trình bày tại phiên tòa…”, bản án ghi rõ.

Dù bị hại xác nhận bị cáo không phạm tội, Tòa vẫn tuyên ông phạt ông Võ 2 năm tù giam; bà Thưởng bị phạt 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm, cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cả 2 bị cáo đã kháng án bởi cho rằng bị oan.

Gia đình cho biết, ông Võ là cựu chiến binh, từng tham gia chiến trường biên giới phía Bắc, sau đưa gia đình vào Lâm Đồng, Đắk Nông lập nghiệp. Bây giờ con cái đi mưu sinh tứ xứ, chỉ còn ông bà ở với nhau, nhưng hơn 6 tháng nay chồng ngồi tù, bà Thưởng lủi thủi một mình với hàng loạt chứng bệnh trong người.

“Chúng tôi vẫn chưa được sáng tỏ vì sao mình mất 200m2 đất mà còn bị tù tội. Từ ngày vào tù, chồng tôi phát bệnh viêm đa khớp, có lúc không đi đứng được, gia đình mấy lần cầu xin cho ông tại ngoại chữa bệnh mà không được”, bà Thưởng bất lực.

Có dấu hiệu oan sai

Đó là nhận định của luật sư Bùi Trọng Hiển (Công ty Luật TNHH B.C.M) đối với bản án 31/2018/HSST của TAND huyện Tuy Đức. Luật sư Hiển cho rằng, các cơ quan tố tụng huyện Tuy Đức đã hình sự hóa một quan hệ dân sự, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Bởi lẽ, ông Võ không hề có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của bà Huệ. Trong việc mua bán đất, hai bên tự nguyện, bà Huệ bỏ tiền mua 400m2 đất và vợ chồng ông Võ cũng đã giao đất trên thực địa và giao cả Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Huệ.

Đồng thời, bà Huệ đã quản lý, sử dụng phần đất này và đến năm 2016 đã bán cho người thứ 3. Khi khởi kiện ra Tòa, bà Huệ yêu cầu hai bên tiếp tục hợp đồng, cụ thể là ký thủ tục sang tên đổi chủ. Bà Huệ không hề đòi tiền, chứng tỏ bà Huệ thừa nhận không bị chiếm đoạt 100 triệu đồng.

Do vậy, dù vợ chồng ông Võ phủ nhận chữ ký trong hợp đồng thì vẫn không làm thay đổi bản chất của giao dịch dân sự. Nói cách khác, hành vi của vợ chồng ông Võ chỉ vi phạm nghĩa vụ hợp đồng dân sự, cụ thể là không hỗ trợ bên mua đất hoàn thành thủ tục sang tên. Vụ việc hoàn toàn có thể giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự.

Luật sư cũng cho rằng, quá trình xét xử, Tòa đã có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Thẩm phán Phạm Văn Quân đã ký quyết định tạm đình chỉ vụ án dân sự và sau đó, cũng chính thẩm phán này làm chủ tọa xét xử vụ án hình sự, dù luật sư bị cáo đã yêu cầu thay đổi thẩm phán để việc xét xử được vô tư, khách quan.

Ngoài ra, theo luật sư Hiển, quyết định tạm đình chỉ vụ án trước đó không được gửi cho đương sự, từ đó làm mất đi quyền kháng cáo, khiếu nại của vợ chồng ông Võ đối với quyết định này.

Đọc thêm