Điều khoản kỳ quặc trong hợp đồng bảo hiểm gây tranh cãi

(PLO) - Sau khi bị xe khác chạy ngược chiều tông vào, anh Hùng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Hơn 1 tháng sau, anh trở lại làm việc, yêu cầu công ty bảo hiểm phải có trách nhiệm, chi trả chi phí sửa xe cho mình theo hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, phía công ty bảo hiểm phủi phui trách nhiệm vì lý do… anh Hùng hoàn toàn không có lỗi trong vụ tai nạn. 
Anh Hùng và chiếc xe tải “xếp xó” sau vụ tai nạn.
Anh Hùng và chiếc xe tải “xếp xó” sau vụ tai nạn.

Tai nạn bẹp rúm xe

Theo anh Phan Việt Hùng (SN 1986, ngụ thôn 3, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), vào tháng 5/2015, anh đã ký “Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới” số 065/HĐ008-KD2/XO/2015 với Công ty Bảo hiểm Bưu điện khu vực Tây Nguyên (gọi tắt là Công ty PTI), địa chỉ 27 Trần Khánh Dư, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để phòng ngừa những rủi ro sau này. 

Theo hợp đồng này, chiếc xe tải mang BKS 47C-066.48 của anh Hùng có giá trị tham gia bảo hiểm lên đến 900 triệu đồng. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm được tính từ ngày 19/5/2015 đến ngày 19/5/2016. Tổng chi phí mà anh Hùng phải trả hơn 12 triệu đồng. 

Đến ngày 1/12/2015, anh Hùng điều khiển chiếc xe chở gần 10 tấn gạo từ Đắk Lắk sang Đắk Nông, khi đi đến địa phận thôn 2, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp thì bị một chiếc xe tải khác chạy ngược chiều tông vào. Hậu quả của vụ tai nạn khiến anh Hùng bị kẹt trong ca bin, bất tỉnh, may được người dân kịp thời đưa đi cấp cứu. Riêng chiếc xe tải của anh Hùng bị hỏng nặng phần đầu và phần hông bên phải. 

Sau khi xảy ra tai nạn, người nhà anh Hùng đã báo cho phía Công ty PTI biết về sự cố này. Đồng thời, phía Công ty PTI cũng cử cán bộ đến hiện trường để ghi nhận tình hình nhằm có phương án xử lý sau này. 

Hơn 1 tháng điều trị tại bệnh viện, anh Hùng mới được trở về nhà. Trong quá trình làm việc với các bên liên quan, anh Hùng được phía chủ xe gây tai nạn bồi thường 144 triệu để trang trải viện phí, tổn thất sức khỏe và thiệt hại gây ra đối với hàng hóa trên chuyến xe đó. Phần thiệt hại về xe, anh Hùng đinh ninh phía Công ty PTI sẽ có trách nhiệm để giải quyết, thanh toán cho mình nên không đòi hỏi bên phía người gây tai nạn. 

Theo kết quả giám định thương tích của Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Đắk Nông, anh Hùng bị thương tích 38%. Bên cạnh đó, phía Công ty bảo Hiểm PTI yêu cầu anh Hùng đưa chiếc xe tải của mình về Công ty TNHHCN ô tô Đắk Lắk (đường Nguyễn Chí Thanh, TP.Buôn Ma Thuột) để khảo sát, đánh giá tổn thất. Theo bảng báo giá ngày 28/7/2016 của công ty này, tổng chi phí để thay thế phụ tùng chiếc xe tải của anh Hùng gần 650 triệu đồng. Thế nhưng, từ đó đến nay, anh Hùng vẫn chưa nhận được một xu từ phía công ty bảo hiểm nói trên. 

Trong suốt thời gian qua, anh Hùng đã nhiều lần đến làm việc với Công ty PTI, anh yêu cầu phía công ty này phải có trách nhiệm chi trả cho mình những tổn thất về chiếc xe tải đã gặp tai nạn. Tuy nhiên, phía Công ty PTI không chấp nhận thanh toán. 

Lý do kỳ quặc

Theo Công văn ban đầu số 316/2015/CV ngày 8/12/2015 của Công ty bảo hiểm PTI khu vực Tây Nguyên, nếu xe anh Hùng không có lỗi trong vụ tai nạn trên thì phía Công ty PTI sẽ là người đại diện hợp pháp cho anh Hùng trong việc đòi bồi thường thiệt hại từ phía gây tai nạn. Nếu xe tải của anh Hùng có lỗi (một phần hay toàn bộ) trong vụ tai nạn trên, công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường với các hình thức khác nhau, tùy theo mức độ hư hỏng của xe. 

Đến ngày 29/10/2016, công ty bảo hiểm nói trên lại có Công văn số 356/2016 trả lời về việc giải quyết bồi thường đối với xe tải của anh Hùng. Theo đó, phía công ty bảo hiểm cho biết, nguyên nhân xảy ra tai nạn do lái xe Trương Hữu Lộc điều khiển xe ô tô mang BKS 47C-075.39 thiếu quan sát, vượt trái quy định… Do đó, thiệt hại về vật chất của xe ô tô do anh Hùng điều khiển không thuộc phạm vi PTI bồi thường. 

Anh Hùng kể: “Phía công ty bảo hiểm trả lời tôi rằng, do xe của tôi không có lỗi nên không được bồi thường, ai gây ra lỗi thì bắt người đó phải bồi thường. Công ty bảo hiểm còn nói sẽ đòi người có lỗi bồi thường cho tôi nếu được tôi ủy quyền. Thế nhưng họ chỉ nói bằng miệng, không đưa cho tôi văn bản nào để thực hiện đến cùng việc này. Nếu họ làm việc nghiêm túc thì tội gì tôi không ủy quyền để được hưởng quyền lợi chính đáng của mình?”. 

Cũng theo anh Hùng, trong hợp đồng bảo hiểm của mình với phía Công ty PTI nêu rõ: “Quy tắc bảo hiểm tự nguyện ban hành kèm theo Quyết định số 82/2015/QĐ-PTI ngày 18/3/2015 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (gọi tắt là Quyết định bảo hiểm số 82). 

Căn cứ theo quyết định này, khi ký kết hợp đồng, nhân viên của công ty bảo hiểm phải “giải thích cho chủ xe cơ giới, lái xe về quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, quyền lợi và trách nhiệm của chủ xe, lái xe khi tham gia bảo hiểm”. 

Theo “những điểm loại trừ chung” tại điều 12 của quyết định này, Công ty PTI sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp: chủ xe cơ giới cố ý có hành động gây thiệt hại; lái xe không có giấy phép; xe đi đêm không có thiết bị chiếu sáng; xe sử dụng để đua; chở hàng trái phép; chở quá tải…

Trong Điều 15, Chương 2 của quyết định này xác định rõ “phạm vi bảo hiểm” của PTI. Theo đó, phía PTI sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe cơ giới những thiệt hại về vật chất, do thiên tai, tai nạn bất ngờ, không lường trước được xảy ra trong các trường hợp: hỏa hoạn, cháy nổ, đâm, va, lật, đổ, chìm… mất xe do trộm cướp, tai nạn do rủi ro hoặc bất ngờ khác gây nên. 

Trong Điều 16 “loại trừ bảo hiểm” của Quyết định bảo hiểm số 82 nói trên, cũng chẳng có từ ngữ nào nói đến việc “không bồi thường khi chủ xe không có lỗi”. Bởi vậy, anh Hùng vẫn khẳng định việc mình đòi phía Công ty PTI phải có trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng đã ký kết là đúng pháp luật. 

Thiệt đơn, thiệt kép

Theo hợp đồng mà anh Hùng cung cấp, khi tham gia ký hợp đồng còn có đại diện phía Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh Buôn Ma Thuột với tư cách là bên thứ 3 (bên C). Trước đó, khi mua xe, anh Hùng đã vay vốn và thế chấp xe của mình tại ngân hàng này. Bởi vậy, phía ngân hàng cũng có những quyền lợi nhất định trong hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm quyền lợi của mình.  

Anh Hùng và đại diện ngân hàng đã có thỏa thuận rõ trong hợp đồng rằng, nếu xe gặp tai nạn, tổn thất lớn hơn 5% giá trị xe thì phía thụ hưởng bảo hiểm là Eximbank. Do đó, từ ngày biết chiếc xe tải trên gặp nạn, phía Eximbank đã gửi văn bản đến Công ty bảo hiểm PTI yêu cầu công ty này phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại về vật chất chiếc xe tải theo hợp đồng đã ký kết giữa các bên nhưng không mang lại kết quả. 

Bức xúc vì không đòi được tiền bảo hiểm, trong khi đó, xe bị hư không thể sửa chữa để kinh doanh nên anh Hùng phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép” mà chẳng biết kêu ai. “Mới đây, tôi đã gửi đơn ra tòa để nhờ phân xử rõ vụ này. Vì sợ những rủi ro xảy đến với mình, tôi đã gửi gắm niềm tin vào Công ty Bảo hiểm PTI. Thế nhưng, họ đã làm tôi quá thất vọng và lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như hôm nay”. 

Trao đổi với PLVN, đại diện phía Công ty Bảo hiểm PTI tại Đắk Lắk cho biết, tại thời điểm xảy ra tai nạn, phía công ty đã yêu cầu chủ xe ủy quyền lại cho PTI để đòi bên thứ 3 (tức bên gây ra tai nạn) bồi thường. Tuy nhiên, anh Hùng không chấp nhận mà chọn cách tự thỏa thuận với phía người gây ra tai nạn. Do đó, phía PTI không chấp nhận bồi thường và anh Hùng khởi kiện ra tòa án. Hiện tại, PTI cũng đang đợi giấy triệu tập của tòa để giải quyết vụ việc nói trên.

Đọc thêm