Hà Nội: Kỳ án 6m2 đất, 6 năm kiện tụng

(PLO) -Hai gia đình láng giềng tranh chấp 6m2 đất. Nguyên đơn đưa ra bản đồ địa chính xã chứng minh mình bị lấn đất. Chính quyền xã có thông báo xác nhận phần tranh chấp có diện tích đo thực tế lớn hơn trên bản đồ. Tuy nhiên, hai cấp tòa huyện Mê Linh và TP Hà Nội cùng quan điểm có phần “kỳ quặc” khiến vụ án kéo dài...
Ông Tịch cho rằng hàng xóm đã chuyển nhượng lấn sang đất nhà mình.
Ông Tịch cho rằng hàng xóm đã chuyển nhượng lấn sang đất nhà mình.

Sáu năm kiện đòi 6m2 đất

Nguyên đơn vụ án là ông Nguyễn Quang Tịch (SN 1955, ngụ thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh), bị đơn là người hàng xóm Phạm Văn Lập (SN 1979). Theo đơn khởi kiện, ông Tịch trình bày gia đình có thửa đất số 44, tờ bản đồ số 12 với diện tích 295m2 tại thôn Nội Đồng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào năm 2003.

Thửa đất có cạnh phía Tây Nam giáp lối đi của nhà ông Nguyễn Văn Đoan (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án) dài 13m. Năm 1993, ông Tịch xây bờ rào bao quanh đất và phải xây thụt vào sâu trong đất nhà mình do vướng khóm tre ở lối đi nhà hàng xóm.

Ông Tịch cho hay, theo bản đồ địa chính cấp sổ đỏ cho các gia đình lập năm 1995, lối đi nhà ông Đoan rộng 3m, dài 13m. Năm 2010 ông Đoan mở lối đi khác và chuyển nhượng lối đi này cho anh Lập là bị đơn trong vụ kiện với kích thước 45,2m2. Ông Tịch cho rằng ông Đoan đã chuyển nhượng lấn sang đất nhà mình 6,11m2. 

Ngay sau đó, ông Tịch có đơn yêu cầu UBND xã Đại Thịnh và UBND huyện Mê Linh xác minh làm rõ việc chuyển nhượng lấn vào đất nhà mình. Lần lượt chính quyền xã rồi UBND huyện tổ chức nhiều lần hòa giải không thành. 

Tòa án cho rằng bản đồ địa chính không ghi kích thước các cạnh từng ô đất nên không thể dựa vào đó xác định ranh giới.
Tòa án cho rằng bản đồ địa chính không ghi kích thước các cạnh từng ô đất nên không thể dựa vào đó xác định ranh giới.

Trong quá trình hòa giải, ngày 9/9/2013, UBND xã Đại Thịnh có báo cáo lên UBND huyện về giải quyết khiếu nại của ông Tịch. Trong đó nêu rõ chính quyền không hay biết việc chuyển nhượng giữa ông Đoan và ông Lập do các bên không thực hiện thủ tục liên quan đến mua bán tại xã.

Gia đình ông Đoan không đến xã đăng kí biến động đất đai. UBND xã đã ba lần mời ông Lập lên làm việc nhưng người này không hợp tác.

Chính quyền xã Đại Thịnh trình bày do hiện trạng khó đo đạc bằng thước dây (đo và tính toán thủ công), độ chính xác không cao nên đã đề xuất với phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) hỗ trợ nhân lực và máy móc giúp đo đạc chính xác. Nhưng do “công việc bận” nên Phòng TNMT không hỗ trợ, xã đã phải thuê đơn vị đo đạc về đo vẽ.

Chính quyền xã thông tin, cả hai hộ gia đình trên đều đã được cấp sổ đỏ theo bản đồ lập năm 1995. Theo bản đồ này thể hiện thì lối đi nhà ông Đoan khoảng 3m, rộng khoảng 41m2. Nhưng đo đạc thực tế vị trí giáp ranh với đất ông Tịch đang khiếu nại là 50m2.

Ngày 19/2/2014, UBND huyện có thông báo công nhận ranh giới giữa hai hộ tranh chấp theo hiện tại, đồng thời hướng dẫn các bên nếu không chấp nhận thì giao xã hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành, xã hướng dẫn ông Tịch gửi đơn đề nghị tòa án huyện giải quyết theo thẩm quyền.

Sau đó UBND xã tiếp tục hòa giải cũng không đạt kết quả. Tháng 1/2015, ông Tịch làm đơn khởi kiện ra tòa án huyện đòi lại 6m2 đất cho rằng bị hàng xóm lấn chiếm.

Căn cứ móng lệch gây tranh cãi 

Trong hai ngày 15 và 17 tháng 9/2015, tòa án huyện Mê Linh xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Tòa sơ thẩm nhận định đất nhà ông Tịch có cạnh phía Tây Nam tiếp giáp lối đi của nhà ông Đoan dài 13m.

Năm 1993, ông Tịch và ông Đoan đã xác định ranh giới, xong ông Tịch xây tường bao từ đáy ao áp sát lối đi. Tường xây móng lệch, thẳng đứng về phía lối đi nhà ông Đoan.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 20/8/2015, tòa án huyện Mê Linh đã xem xét thẩm định tại chỗ bằng phương pháp đào thăm khám phần móng tường nhà ông Tịch, nơi tiếp giáp phần đất có tranh chấp ở nhà ông Đoan, thì thấy móng tường bao của ông Tịch là móng lệch, thẳng đứng như lời bị đơn trình bày. 

HĐXX nhận định việc ông Tịch xây móng lệch áp sát về phía lối đi nhà ông Đoan cho thấy đất nhà ông Tịch về phía lối đi đã hết. Và lối đi đã được các bên liên quan xác định mốc giới trước khi ông Tịch được cấp sổ đỏ.

Báo cáo của UBND xã thể hiện lối đi nhà bị đơn trên thực tế “thừa” diện tích so với trên bản đồ.
Báo cáo của UBND xã thể hiện lối đi nhà bị đơn trên thực tế “thừa” diện tích so với trên bản đồ. 

Từ đó, HĐXX cấp sơ thẩm xét thấy việc nguyên đơn đề nghị buộc anh Lập trả lại 6,11m2 và yêu cầu hủy sổ đỏ đã cấp cho anh Lập là người nhận chuyển nhượng đất từ ông Đoan không có căn cứ.

Không chấp nhận phán quyết trên, ông Tịch kháng cáo lên tòa án TP Hà Nội. Ngày 12/5/2016, TAND Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm. HĐXX cấp phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm. 

Tại buổi xét xử này, nguyên đơn cho rằng tòa đã “phớt lờ” nhiều chứng cứ quan trọng để xác định diện tích cũng như hình dạng thửa đất tranh chấp thể hiện trong bản đồ địa chính, xác nhận của UBND xã về diện tích lối đi nhà bị đơn. 

Cũng tại các phiên tòa, bị đơn là anh Lập xác nhận mua của ông Đoan phần diện tích 45,2m2 tại thôn Nội Đồng.

“Lời khai của bị đơn, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan cũng như xác nhận của xã nói rõ lỗi đi nhà ông Đoan chỉ có 3m, dài 13m. Còn ông Đoan chuyển nhượng cho anh Lập diện tích đất có bề rộng 3,47m, sâu 13m. Rõ ràng diện tích thực tế bị dôi dư so với lời khai”, ông Tịch bức xúc nói.

Ông cho rằng mảnh đất tranh chấp từ năm 2009 liên tục tới nay, xong sổ đỏ nhà ông Lập vẫn được chính quyền cấp năm 2010 là trái quy định pháp luật. Nhưng điều này cũng bị tòa hai cấp “bỏ qua”. 

Vẫn theo lời nguyên đơn, cán bộ tòa án huyện có về đo đạc thực tế nhưng không chuyển kết quả ra tòa án phúc thẩm. Ông đã làm đơn đề nghị tòa phúc thẩm về đo đạc thực tế nhưng không được chấp nhận.

Nguyên đơn nói: “Rõ ràng trên bản đồ địa chính thì cạnh của thửa đất nhà hàng xóm với cạnh thửa đất nhà tôi thẳng hàng nhau. Nhưng thực tế, ông Đoan chuyển nhượng lấn sang đất nhà tôi, nên thửa đất nhà tôi mới lệch so với cạnh đất nhà hàng xóm”. 

Những bằng chứng ông Tịnh đưa ra không được tòa chấp nhận, vì cho rằng trên bản đồ địa chính không ghi kích thước các cạnh của thửa đất, nên không có cơ sở xem xét.

Đại diện UBND huyện khẳng định việc cấp sổ đỏ cho anh Lập đúng với quy định pháp luật. Nhưng nguyên đơn nêu ra hàng loạt câu hỏi chất vấn như: “Tại sao khi xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cán bộ huyện không lấy ý kiến những hộ sống xung quanh?

Cũng không xác minh qua chính quyền xã? Đặc biệt, phần đất đang tranh chấp hiện “nằm” trên cả hai sổ đỏ của hộ ông Tịch lẫn hộ anh Lập. Như vậy, quyền sử dụng sẽ thuộc về ai? Rất tiếc là đại diện phòng TNMT huyện Sóc Sơn vắng mặt tại phiên tòa nên những thắc mắc này chưa được lý giải.

Nguyên đơn cho biết giá trị 6m2 đất tranh chấp trong vụ kiện không lớn. Chi phí để ông theo đuổi vụ kiện suốt sáu năm qua còn lớn hơn giá trị phần đất tranh chấp. nhưng vì cho rằng hàng xóm “qua mặt”, chính quyền mập mờ trong việc cấp sổ đỏ nên ông theo đuổi vụ kiện tới cùng.

Ở góc độ pháp lý, nhiều luật sư cùng quan điểm như sau: 

Thứ nhất, tòa án đã nhận định chưa đầy đủ khi nói rằng bản đồ địa chính không ghi cụ thể kích thước ô đất nên không đưa vào làm chứng cứ. Thực tế tất cả các bản đồ địa chính trên toàn quốc đều không ghi kích thước cụ thể mà chỉ ghi số thửa, vì số ô, thửa đất tại mỗi địa phương quá nhiều. 

Thứ hai, tòa án sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng nhà ông Tịch đã hết phần đất về phía lối đi nhà ông Đoan nên xây móng lệch là không khách quan. Việc xây móng theo hình thức nào là quyền của chủ đất, tùy theo sở thích từng người. 

Mặt khác, việc HĐXX dẫn chứng thêm một hàng xóm khác của ông Đoan sau khi xác định ranh giới đất đã xây móng lệch về phía lối đi nhà ông Đoan để củng cố thêm “căn cứ móng lệch” như trên hoàn toàn không thỏa đáng trong đánh giá chứng cứ.

Đọc thêm