Tụ điểm thác loạn liên tục bị phạt hành chính: Vì sao không thể xử lý hình sự?

(PLVN) - Trong vòng 1 năm, Đoàn kiểm tra liên ngành (ĐKTLN) Văn hóa – Xã hội TP HCM kiểm tra, xử phạt hơn 1,6 tỉ đồng chỉ với 6 địa điểm kinh doanh ăn uống có hoạt động kinh doanh karaoke trái phép, phương thức phục vụ tính chất khiêu dâm. Có địa điểm kiểm tra 25 lần thì cả 25 lần đều vi phạm nhưng không thể xử lý hình sự, đối tượng vi phạm thì tìm cách trốn tránh nộp phạt.
Sở VH&TT TP HCM “điểm mặt” địa điểm có hoạt động kinh doanh karaoke trái phép và có tính chất khiêu dâm
Sở VH&TT TP HCM “điểm mặt” địa điểm có hoạt động kinh doanh karaoke trái phép và có tính chất khiêu dâm

Danh sách tụ điểm “kiểm tra là dính”

Sau khi dư luận phản ánh tại TP HCM có nhiều địa điểm ăn uống nhưng lại kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) TP HCM mới đây đã có báo cáo gửi UBND TP HCM về công tác kiểm tra; và những vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm.

Theo đó, từ tháng 6/2018 - 6/2019, ĐKTLN phối hợp Công an TP, UBND các quận, huyện đã kiểm tra, xử lý với một số địa điểm có nghi vấn kinh doanh dịch vụ trái phép, phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm.

Trong số các địa điểm bị “điểm mặt”, kiểm tra và xử phạt nhiều lần có Công ty TNHH nhà hàng Thiên Hương (số 110, đường Trần Quang Khải, quận 1) bị kiểm tra và xử phạt 8 lần với số tiền 114 triệu. Địa chỉ số 204 đường Nguyễn Thị Minh Khai là Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Karaoke Yes bị kiểm tra, xử phạt hành chính 3 lần;  và Công ty TNHH Khách sạn Du lịch Sài Gòn Star bị kiểm tra, xử phạt 6 lần.

Công ty TNHH nhà hàng Thiên Hương
Công ty TNHH nhà hàng Thiên Hương

Trước đây, cả hai chung một công ty và cả hai bị xử phạt tổng cộng 362 triệu. Công ty TNHH nhà hàng Dragon – K (số 466, đường Trần Hưng Đạo, quận 5) bị kiểm tra 2 lần và xử phạt 267 triệu đồng. Nhà hàng karaoke Boss (đường 9A, KDC Trung Sơn, huyện Bình Chánh) bị kiểm tra 4 lần, xử phạt 63 triệu.

Các địa điểm nêu trên bị kiểm tra, xử phạt với các vi phạm tương tự như kinh doanh hoạt động karaoke không có giấy phép, sử dụng nhân viên trong một phòng karaoke vượt quá số người quy định, sử dụng phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm, sử dụng lao động chưa đủ tuổi…

Tìm cách né nộp phạt, bị đình chỉ vẫn bất chấp

Theo Sở VH&TT, lĩnh vực nhà hàng ăn uống hoạt động karaoke, có tiếp viên nữ phục vụ ngày càng diễn biến phức tạp, biến tướng. Chủ nhà hàng thu hút khách bằng cách cho tiếp viên nữ mặc bikini, khiêu dâm ngồi phục vụ khách hát karaoke. Tiếp viên nữ sẵn sàng thực hiện mọi cách thức “ăn chơi” mang tính chất khiêu dâm, tiềm ẩn mại dâm, kể cả sử dụng chất kích thích, ma túy để “chiều” khách.

Một năm xử phạt 1.279 lượt 

Trong 1 năm (tháng 6/2018 – 6/2019), ngoài các địa điểm trên, ĐKTLN, Công an TP HCM, UBND các quận, huyện còn kiểm tra, xử lý 1.279 lượt, xử phạt hành chính 23,3 tỉ đồng với các hành vi vi phạm như các vụ việc nêu trên.

Theo UBND TP HCM, thực tế trên là do Quy định về xử phạt hành chính tại các Nghị định chuyên ngành thông thoáng hơn, tính răn đe thấp hơn trước; Nghị định số 166/2014/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính còn chung chung, chưa cụ thể, khó thực hiện trong thực tế; Pháp luật có kẽ hở nên bị các đối tượng lợi dụng; Còn có hạn chế trong công tác kiểm tra hành chính của lực lượng liên ngành…

Khi kiểm tra xử lý các địa điểm trên, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, khó bắt quả tang các hoạt động ăn chơi thác loạn. Chủ các tụ điểm có nhiều cách như cho người theo dõi Đoàn kiểm tra để báo lịch trình di chuyển, báo động khi có kiểm tra, sử dụng các hệ thống chỉ cần nhấn nút là toàn bộ hệ thống hát karaoke ngưng hoạt động và chuyển sang phát chương trình truyền hình, nhạc…

Còn có thể kể đến thủ đoạn các nhà hàng đang hoạt động kinh doanh bên trong; nhưng tắt đèn, khóa cửa bên ngoài, cho người cảnh giới; chỉ phục vụ khách quen hoặc dò hỏi được khách là ai mới cho vào nhà hàng. Nhiều nhà hàng chỉ tiếp khách nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, không tiếp khách là người Việt Nam.

Dù bị xử phạt nhiều lần, thậm chí có nơi với số tiền hơn nửa tỷ, nhưng các tụ điểm vẫn tồn tại. Có khi người vi phạm còn không tuân thủ việc nộp phạt buộc UBND quận nhiều lần ra quyết định cưỡng chế thi hành. 

Vì sao vẫn tồn tại thực tế nhức nhối trên? Sở VH&TT chỉ ra một số nguyên nhân. Trước hết, Luật Doanh nghiệp 2015 về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) thông thoáng, dẫn đến cấp GCNĐKKD cho một địa chỉ với nhiều giấy khác nhau.

Có nơi xin giấy phép kinh doanh ngành nghề nhà hàng nhưng hoạt động biến tướng quán bar, karaoke, vũ trường… Tuy nhiên, các nghị định xử phạt vi phạm hành chính hiện chưa có chế tài xử lý về hành vi biến tướng này. Có nơi bị xử phạt thì không chấp hành mà thay đổi, xin GCNĐKKD mới để kinh doanh ngành nghề cũ, trốn tránh nộp phạt.

Nguyên nhân thứ hai, Bộ luật Hình sự 2015 không còn quy định tội “Kinh doanh trái phép” nên không thể xử lý hình sự với các tụ điểm này. Các hành vi “tổ chức cho khách nhảy múa thoát y tại nhà hàng ăn uống, giải khát, nhà hàng karaoke” chỉ bị xử phạt từ 25 – 30 triệu đồng.

Do các địa điểm này là nhà hàng ăn uống kinh doanh karaoke nên cũng không thể áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh karaoke, không thể đình chỉ hoàn toàn hoạt động vi phạm kinh doanh.

Liên Bộ đang nghiên cứu sửa đổi quy định

Nhằm tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong xử lý vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh ngành nghề dễ phát sinh tệ nạn xã hội, giữa năm 2019, UBND TP HCM đã có Văn bản số 1786/UBND-VX kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số quy định hiện hành.

TP HCM kiến nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, xử lý hoạt động thu âm, ghi âm, trò chơi điện tử; Quy định hạn chế giờ hoạt động của các loại hình kinh doanh dịch vụ gây ồn ào, mất an ninh trật tự.

Đặc biệt, sửa đổi quy định trong quản lý, cấp mới, cấp thay đổi, thu hồi GCNĐKKD với các cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn tệ nạn xã hội về ma túy, mại dâm, khiêu dâm… 

Được biết sau khi nhận được kiến nghị, Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định.

Đọc thêm