Vụ án liên quan đến bồi thường, thu hồi đất Dự án Thủy điện Sơn La: Có hay không chuyện “quýt làm, cam chịu”?

(PLO) - Mới đây, VKSND tỉnh Sơn La đã có cáo trạng truy tố 17 bị can do cho rằng có sai phạm trong công tác thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng dự án Thủy điện Sơn La (trên địa bàn huyện Mường La.) Trong số các bị can này, ông Trương Tuấn Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cơ quan ANĐT tiến hành khám nhà bị can Đèo Văn Ban - người đã chủ động, câu kết để kê khai “khống” diện tích đất
Cơ quan ANĐT tiến hành khám nhà bị can Đèo Văn Ban - người đã chủ động, câu kết để kê khai “khống” diện tích đất

Tuy nhiên, qua nhiều chứng cứ thì có thể thấy, sai phạm trong vụ án này là do quá trình thực hiện sai lệch văn bản do bị can Dũng ban hành chứ bị can này không có liên quan.

Triển khai công việc theo hướng dẫn của cấp trên

Ông Dũng bị truy tố vì bị coi là đã ký ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 41/KH-UBND (ngày 15/4/2014 về “đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi đất chi tiết khu vực mặt bằng Nhà máy Thủy điện Sơn La” không đúng với các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo  của UBND tỉnh Sơn La và của Bộ TN-MT về đo đạc, lập bản đồ địa chính, dẫn đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ sai cho hộ Đèo Văn Ban (xã Mường Chùm, huyện Mường La) với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, có thể thấy, ngay tại phần đầu, bản Kế hoạch số 41/KH-UBND đã nêu rõ mục đích xây dựng văn bản này là “thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản 617/UBND-KTN ngày 18/3/2014 của UBND tỉnh Sơn La (giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường đất nông nghiệp khu vực mặt bằng Nhà máy Thủy điện Sơn La). Văn bản 617 của tỉnh nêu rõ: “Đối với diện tích đất thuộc khu vực mặt bằng thủy điện Sơn La trước đây (trừ khu vực đã giao cho Cty Thủy điện Sơn La) giao UBND huyện Mường La tổ chức đo đạc, lập bản đồ địa chính. Kinh phí đo đạc lập bản đồ do UBND huyện Mường La chi từ nguồn tái định cư dự án Thủy điện Sơn La…

Căn cứ kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính tại mục 1 Công văn này, UBND huyện Mường La thống kê diện tích đất từng hộ và phân theo từng đối tượng… trong đó xác định rõ diện tích đất đã được bồi thường hỗ trợ và chưa được bồi thường hỗ trợ…  đề xuất phương án bồi thường… trình UBND tỉnh xem xét, quyết định”.

Thực hiện ý kiến trên, bị can Dũng đã ký ban hành Kế hoạch số 41 với nội dung cơ bản là:  Đo đạc, lập bản đồ địa chính; Lập phương án thu hồi đất chi tiết. Các bước tiến hành được quy định chi tiết gồm: Xây dựng kế hoạch; Chuẩn bị tài liệu phục vụ công tác thu hồi đất; Đo đạc, lập bản đồ địa chính… và đề ra các bước như: Bàn giao mốc ranh giới ngoài thực địa. Đo đạc, lập bản đồ giải thửa. Công khai quy củ.

Có thể nói rằng, cả Văn bản 617 của UBND tỉnh và Kế hoạch 41 của UBND huyện Mường La đều là những văn bản diện “tình thế” nhằm giải quyết hậu quả trước đó vì thời điểm ban hành văn bản này thì công tác di dân, tái định cư đã cơ bản hoàn thành (tức là khu đất thu hồi đã không còn nguyên hiện trạng, một số diện tích đã ngập nước….). Vì vậy, Kế hoạch 41 đã đề ra quy trình khá chặt chẽ trong việc lập bản đồ như: Đo đạc xác định tổng diện tích của cả bản; xác định diện tích từng loại đất của bản; xác định diện tích từng loại đất của hộ (qua các bước: kê khai lần 1; cân đối giữa các hộ; họp dân công khai, thống nhất diện tích từng loại đất; kê khai lần 1); công khai quy củ…

Có cấu thành tội phạm?

Mô tả về hành vi của Đèo Văn Ban, bản cáo trạng nêu, khi thực hiện chủ trương đo đạc phục vụ bồi thường theo Công văn 617 của UBND tỉnh Sơn la, bị can Đèo Văn Ban nắm được Ban di dân huyện và các đơn vị tư vấn không tiến hành đo đạc tới từng thửa đất mà xác định diện tích đất của bản rồi cho các hộ tự thống nhất chia đất nên Ban đã chủ động, câu kết với bị can Bùi Văn Tân (Tổ trưởng Tổ đo đạc) chuyển loại đất cho gia đình Ban từ 1 đến 2 ha đất ruộng để được đền bù giá cao và được Tân đồng ý. Khi Vũ Hồng Giang (nhân viên đo đạc) đến đo đạc thì Ban đã tự xác định, tự chỉ vị trí đất cho Hồng Giang không đúng với vị trí diện tích cho gia đình Ban. Khi được mời ký xác nhận kết quả đo đạc, xác nhận vị trí, diện tích đất, loại đất của gia đình, mặc dù biết việc Tân, Giang xác định các thửa đất của gia đình với tổng diện tích gần 170.000m2 là sai nhưng vì vụ lợi, Ban vẫn đồng ý ký xác nhận để được bồi thường, hỗ trợ sai với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Theo kết luận trên thì có thể thấy, Đèo Văn Ban đã lợi dụng vào Công văn số 617 của UBND tỉnh Sơn La để câu kết kê “khống” diện tích đất chứ không  phải lợi dụng vào Kế hoạch 41 của UBND huyện Mường La. Còn nếu Ban và các cán bộ đo đạc làm đúng Kế hoạch 41 thì có lẽ đã không xảy ra sai sót được.

Theo ý kiến của một số luật sư thì sai sót trong việc lập đo đạc, lập bản đồ đối với gia đình Đèo Văn Ban là sai phạm của những người thực hiện kế hoạch và lên phương án bồi thường chứ không phải lỗi của người ban hành Kế hoạch 41. Nội dung Kế hoạch 41 có việc yêu cầu các hộ dân kê khai đúng diện tích của từng loại đất sử dụng; có họp dân, công khai, thống nhất từng loại đất của hộ… nhưng đã bị một số người  cố tình thực hiện sai, dẫn đến sai sót.

Hơn nữa, để quy kết về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được việc bị can Dũng “biết sai” nhưng vẫn thực hiện. Tuy nhiên, nội dung chúng tôi đề cập ở trên thì động cơ, mục đích ban hành Kế hoạch 41 chỉ là thực hiện chỉ đạo của cấp trên, không có việc bị can Dũng chỉ đạo đo đạc, lập bản đồ địa chính sai lệch, làm tăng mức bồi thường cho dân, gây thiệt hại cho ngân sách.

Ngoài ra, việc bị can Dũng ký ban hành Kế hoạch 41 nêu trên là thuộc lĩnh vực  quản lý hành chính, mang tính chất đôn đốc công việc và không hề liên quan đến vấn đề kinh tế (không liên quan đến phê duyệt, bồi thường). Không hiểu sao, Cơ quan ANĐT và VKSND tỉnh Sơn La vẫn coi văn bản trên của bị can Dũng ký thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế để cáo buộc về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”?

Đọc thêm