Vụ sạt ta-luy cầu Đăng: Nghi vấn thi công kém chất lượng?

(PLO) - Công trình cầu Đăng được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 170 tỷ đồng và được giao thầu cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng giao thông Hồng Hà (trụ sở tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Sau đợt mưa lớn vừa qua, công trình này bị sạt lở nghiêm trọng dù chỉ mới khánh thành chưa đầy 8 tháng. 
Cầu Đăng bị sạt ta-luy đường dẫn phía bờ Tiên Lãng
Cầu Đăng bị sạt ta-luy đường dẫn phía bờ Tiên Lãng

Như đã thông tin, ngày 21/7/2018, đoạn đường dẫn cầu Đăng, cây cầu bắc qua nhánh sông Thái Bình nối huyện Tiên Lãng và huyện Vĩnh Bảo đã bị sạt lở nghiêm trọng sau trận mưa kéo dài. Đường dẫn phía bờ Tiên Lãng bị sạt lở rộng khoảng 2-3m, dài hơn 30m, đất đá sụt lún sâu khoảng 2m.

Theo tìm hiểu của PV, quá trình nghiên cứu và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cầu Đăng bắt đầu từ cuối năm 2016. Do hiện trạng cây cầu này đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông nên ngày 27/3/2017, UBND TP Hải Phòng có Văn bản số 1607/UBND-GT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng công trình cầu Đăng thay thế cầu phao Đăng. Việc đầu tư xây dựng hai cây cầu bằng cầu bê tông vĩnh cửu được đặt mục tiêu phải triển khai càng sớm càng tốt. Nguồn vốn xây dựng công trình được sắp xếp từ ngân sách địa phương năm 2017. 

Tại Văn bản số 4099/VPCP-CN ngày 21/4/2017 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Hải Phòng áp dụng cơ chế đặc thù xây dựng cầu Đăng. Theo đó, cho phép Hải Phòng quyết định đầu tư xây dựng, quyết định tổ chức quản lý đầu tư xây dựng và giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình cho đến khi đưa vào khai thác, sử dụng. Hải Phòng phải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm; chỉ đạo thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả công trình, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Chỉ đạo trên được BQL các dự án cầu Hải Phòng – chủ đầu tư dự án cắt nghĩa rằng, việc giao thầu ở đây được hiểu là không thông qua lựa chọn nhà thầu, tức không phải thực hiện hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu bao gồm đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện. Tuy nhiên, BQL các dự án cầu Hải Phòng vẫn áp dụng trình tự thủ tục tương tự như chỉ định thầu.

Sụt lún nghiêm trọng trên đường dẫn cầu Đăng
Sụt lún nghiêm trọng trên đường dẫn cầu Đăng

Được biết, BQL các dự án cầu Hải Phòng đã ký hợp đồng thực hiện các gói thầu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ ngày 31/3/2017. Ngày 12/5/2017, thiết kế bản vẽ thi công kết cấu phần dưới, kết cấu phần trên cầu Đăng được UBND TP Hải Phòng phê duyệt, đủ điều kiện để nhà thầu triển khai xây dựng các hạng mục theo thiết kế xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình.

Công trình cầu Đăng được UBND TP Hải Phòng phê duyệt với tổng mức đầu tư là 171,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự cố xảy ra khi cây cầu vừa khánh thành chưa đầy 8 tháng đã khiến người dân đặt dấu hỏi về chất lượng công trình, năng lực thi công của nhà thầu. 

Trong khi đó ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng Giám đốc BQL các dự án cầu Hải Phòng  từ chối cung cấp thông tin liên quan đến thiết kế cầu, thiết kế đường dẫn, biên bản bàn giao mặt bằng, hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công. 

Đọc thêm