Điểm hội tụ đầu tiên của người Kinh với người Thượng tại Đắk Lắk
Trong những năm 1928-1930, thực dân Pháp thực hiện mạnh mẽ chính sách chia rẽ các dân tộc nhằm thực hiện âm mưu chia để trị trên đất nước ta. Để thực hiện chính sách này, chúng đã ban bố nhiều luật lệ để ngăn cản quan hệ giữa dân tộc Kinh và các dân tộc ít người. Nổi bật nhất là chính sách đóng cửa, dưới chiêu bài bịp bợm “Đất Thượng của người Thượng”.
Do đó, hàng năm, số lượng người Kinh được phép lên buôn bán trên các tỉnh thành Tây Nguyên không qua 100 người. Những người Kinh lên Tây Nguyên khi đó cũng không được phép có quan hệ mật thiết với các dân tộc khác và người lại.
Tuy nhiên, mặc cho giặc Pháp tìm mọi cách ngăn cấm nhưng ông Phan Hộ, là người làng Đại Cát(xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khách Hòa) cùng một số thương nhân đã tìm mọi cách lên các tỉnh Tây Nguyên để trao đổi, buôn bán hàng hóa. Thời điểm đó, do điều kiện đi lại khó khăn, đoàn của ông Phan Hộ lúc phải dùng ngựa, khi phải đi voi để có thể lên được các bản của người Ê đê. May mắn rằng, trong quá trình giao thương, gặp gỡ các già làng Ê đê và một người tên Ama Thuột, ông Phan Hộ đã làm quen với nhiều người và gây được những thiện cảm tốt.
Trong quá trình buôn bán tại mảnh đất Buôn Ma Thuột, ông Phan Hộ nhận thấy đây là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn, đất đai màu mỡ, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Tới năm 1928, ông Phan Hộ đã quyết định rủ thêm gần chục người anh em, họ hàng, con cháu của mình lên vùng đất Buôn Ma Thuột để làm ăn.
|
Đình Lạc Giao là chứng tích của tình đoàn kết giữa người Kinh – Thượng ở Tây Nguyên. |
Trong ký ức của người dân làng Lạc Giao, những buổi đầu tiên lập làng, lập ấp, thôn Nam Bang lúc ban đầu chỉ có vài ba chục người, dần dần người từ các nơi khác đến ngày càng đông. Làng Lạc Giao khi mới ra đời chỉ toàn cây cối um tùm, rập rạp bao quanh. Các con đường chính của Buôn Ma Thuột bấy giờ là những con đường đất đỏ, dân đông dần lên, chợ cũng xuất hiện. Có chợ là có kẻ mua người bán và điều không thể khác là đồng bào dân tộc thiểu số bắt đầu giao lưu với người Kinh nhiều hơn.
Ông Phan Hộ và anh em của mình đã lập thành làng, khi lên đây họ mang theo cả đời sống tâm linh của người Kinh lên vùng đất đỏ Tây Nguyên. Để có nơi sinh hoạt cộng đồng, ông Phan Hộ và người dân đã xây dựng mái đình lấy tên là “Lạc Giao”. Năm 1928, ông Phan Hộ khi đó đã trở thành xã trưởng xã Lạc Giao bấy giờ được phép chia đất cho một số đồng bào khai hoang, lập vườn, cất nhà trong phạm vi làng Lạc Giao và ông cũng dành một phần đất để dân làng dựng đình.Cái tên Lạc Giao được bà con trong làng lấy để đặt tên cho đình.
Ngày nay, theo tài liệu dân gian và tài liệu của Đình Lạc Giao, tên gọi Lạc Giao chính là lời nguyền giao ước an cư lập nghiệp của đồng bào Kinh với đồng bào tại chỗ cùng chung lưng đấu cật để xây dựng vùng đất mới này. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ, dân làng Lạc Giao đều tới đây để cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt cho mình và cho dân làng.
Ngày nay, ngôi đình Lạc Giao nằm ở ngã tư giữa đường Phan Bội Châu và đường Điện Biên Phủ, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Đình Lạc Giao hiện tại là nơi thờ cụ Đào Duy Từ (1572 – 1634), vị Thần Hoàng bản thổ, thờ cụ Phan Hộ vị tiền hiền, người có công khởi xướng thành lập làng Lạc Giao và thờ các vị Vua Hùng của dân tộc.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng
Đình Lạc Giao được xây dựng ban đầu bằng chất liệu tranh, tre, nứa, lá. Diện tích khi đó của đình khoảng 700m2, phía Nam giáp đường Y Jut, phía Tây và phía Bắc giáp chợ Buôn Ma Thuột, phía Đông giáp đường Phan Bội Châu. Đình có 2 cửa mở ra đường Phan Bội Châu và Điện Biên Phủ.
Sau đó vào năm 1932, đình được xây dựng lại kiên cố bằng gạch, mái lợp ngói đỏ theo hình chữ môn. Lối vào chính điện được trang hoàng hai câu đối. Hậu Đình thờ tự Thần Hoàng và những người có công với đất nước. Hai bên chính điện là hai dãy nhà: nhà tả thờ các linh nam, linh nữ và nhà hữu là nơi tiếp khách, trưng bày chứng tích, phía trước có cổng tam quan đi vào, sau cổng là bức bình phong có chạm khắc hổ phù, sau nữa là một lư hương lớn. Đình đã được trùng tu nhiều lần.
Vào năm 1932, vua Bảo Đại cũng ra chiếu sắc phong cho Thần Hoàng của Đình là Đào Duy Từ, một đại thần của nhà Nguyễn chưa một lần đặt chân tới Tây Nguyên. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc sắc phong của vua Bảo Đại cho đình Lạc Giao là muốn ghi ơn những người đã có công khai khuẩn đất đai, mở mang bờ cõi, mong cho Thần Hoàng phù hộ cho người dân miền Trung làm ăn thuận lợi, bình an ở vùng đất mới. Đặc biệt, đặt vào thời điểm lúc đó, hành động này của vua Bảo Đại có thể coi là lời khẳng định ngầm của triều đình phong kiến Việt Nam rằng, vùng đất Tây Nguyên là “Hoàng triều cương thổ”, đối với thực dân Pháp khi đó.
Trong những năm 1930 – 1945, giặc Pháp thành lập hàng loạt các nhà tù, trại giam ở Đông Dương, trong đó có nhà đày Buôn Ma Thuột. Những chiến sĩ cộng sản bị bắt vào đây đều phải chịu tra tấn dã man. Điều kiện sống quá tồi tệ khiến họ mắc phải các căn bệnh sốt rét, kiết lỵ, bị lao động khổ sai làm đường 14. Khi đó, đồng bào làng Lạc Giao đã tìm mọi cách giúp đỡ các chiến sĩ của ta bằng cách vận động nhau góp tiền, gạo, mua thuốc chữa bệnh đưa cho các anh em tù cộng sản mỗi khi họ đi lao động khổ sai qua làng. Hai bên gặp nhau chẳng dám nói nên lời, chỉ có ánh mắt nhìn nhau mà lòng đầy cảm phục.
Thời điểm đó, làng Lạc Giao đã là nơi cưu mang, che chở, nuôi giấu những người con cách mạng, bảo vệ những cán bộ hoạt động ở thị xã Buôn Ma Thuột. Khi thấy những chiến sĩ của ta bị địch đem ra nghĩa địa Phan Bội Châu chôn chung một hố, không có tên, không mộ phần, dân làng đã vô cùng đau sót và căm phẫn. Cả làng Lạc Giao đã bí mật góp trên 1.000 kg gạo để xây bia tưởng niệm, có dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh ở Nhà đày Buôn Ma Thuột năm 1930 – 1945”. Sau đó, mặc cho bọn địch tìm mọi cách tra hỏi, định đập bỏ nhưng đồng bào vẫn kiên quyết bảo vệ bia cho đến ngày nay.
Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, đình Lạc Giao là nơi hội họp và ra mắt của Ủy ban Cách mạng Lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột. Những người con của làng Lạc Giao đã trở thành những chiến sĩ vệ quốc đoàn, hoặc tham gia Chính quyền Cách mạng như đồng chí Hồ Bang, chủ làng Lạc Giao, đồng chí Lê Văn Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng Lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột và rất nhiều đồng chí khác hoạt động tích cực vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Ngày 01/12/1945 (tức 27/10 Ất Dậu) tại địa điểm Trung tâm Văn hóa tỉnh hiện nay, thực dân Pháp bất ngờ tấn công vào một trung đội Nam tiến Lê Trung Đình giết chết hơn 100 chiến sĩ, cùng thời gian này tại trụ đèn ba ngọn (Ngã Sáu ngày nay) giặc Pháp giết hại một số đồng bào ta.
Mùa xuân năm 1975, Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng, tại Đình Lạc Giao, Ủy ban Quân quản thị xã làm lễ ra mắt tuyên bố chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 168/QĐ-BVHTT, ngày 02/3/1990 xếp hạng Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Hằng năm, vào các dịp Xuân Thu nhị kỳ, tại Đình Lạc Giao dân làng đều tổ chức các lễ tế: Lễ Tế Xuân (17/01 âm lịch), Lễ Tế Thu (16/8 âm lịch) với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào ngày 01/12/1945 (27/10 âm lịch).
Ảnh 2: Các vị bô lão thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn các vị hiền tiền đã có công xây dựng đình.