Đìu hiu xưởng gỗ ngược đãi công nhân như thời trung cổ

(PLO) - “Từ ngày xưởng gỗ đóng cửa, người dân nơi đây vui sướng lắm, xóm làng bình yên hẳn. Nếu để xưởng gỗ đõ tiếp tục tồn tại, thằng Phong không biết hại thêm bao nhiêu người”, bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân ấp Cà Tong hồ hởi chia sẻ.
Đìu hiu xưởng gỗ ngược đãi công nhân như thời trung cổ
Nửa năm đã qua từ ngày chủ xưởng gỗ Trần Tấn Phong (51 tuổi, ngụ ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) bị khởi tố về hành vi giam giữ người trái phép, ngược đãi công nhân. Những ngày giáp Tết Giáp Ngọ, Xa lộ Pháp Luật về lại ấp Cà Tong.
 Xưởng gỗ “địa ngục trần gian” đã ngừng hoạt động?
Nằm khuất sau những lô cao su bạt ngàn, cơ sở cưa xẻ gỗ của Phong đóng kín cổng. Bên trong xưởng, khung gỗ, vật liệu chất ngổn ngang. Từ ngày ông Phong bị khởi tố, bắt giữ hồi đầu tháng 7/2013, tất cả công nhân đồng loạt nghỉ việc. Từ đó đến nay, thi thoảng mới thấy vợ con Phong đến xưởng kiểm tra, khởi động máy móc. Một công an viên xã Thanh An xác nhận xưởng cưa xẻ gỗ đã ngừng hoạt động dần.
Năm 1990, Phong ở xã khác đến mua đất lập xưởng tại ấp Cà Tong. Đầu tiên, đây là lò sản xuất bánh tráng, đóng xe ba gác. Vài năm sau Phong mở rộng sản xuất, chủ yếu đóng khung thùng chứa hàng và chế biến gỗ. Dần dần xưởng ngày càng mở rộng. Có điểm lạ là xưởng luôn khoá kín cửa, rào chắn cẩn thận, tường bê tông phủ kẽm gai. Hiếm khi thấy công nhân làm việc bên trong đi ra ngoài. 
Thời gian đầu Phong thuê mướn người địa phương làm công nhưng không trả tiền sòng phẳng, xảy ra mâu thuẫn nên chuyển sang thuê người xứ khác.
Công nhân làm việc cho Phong gần như không thực hiện thủ tục đăng kí tạm trú. Nhiều lần công an xã phải vào xưởng xử lí mâu thuẫn giữa người làm thuê và chủ xưởng. 
Phức tạp hơn, từng có băng nhóm kéo đến xưởng đòi nợ Phong theo kiểu giang hồ. Từ lúc về địa phương lập xưởng gỗ, Phong gần như không quan hệ với bất kì ai ngoài một số cán bộ xã. Phong có lần đưa cả đàn em “dằn mặt” đối tác ngay tại quán cà phê trong ấp.
Chuyện công nhân bỏ trốn khỏi xưởng trong hoàn cảnh không đồng xu dính túi phải cầu cứu người địa phương “thường như cơm bữa”. Một công an viên xác nhận chính gia đình mình từng nhiều lần giúp đỡ những trường hợp chạy trốn.
“Công nhân vào đó làm việc phải chịu tiền môi giới. Thời gian đầu chưa có tiền sẽ bị thu giữ giấy tờ tuỳ thân, điện thoại. Làm việc lại gò ép nên chỉ vài ba bữa lại bỏ trốn, làm ăn như thế chẳng khác gì ép người vào đường cùng”, một người dân kể lại.
Ngày 26/5/2013, công nhân Sơn Bồ Rót (25 tuổi, quê Sóc Trăng) bơi qua hồ bỏ trốn chết đuối. Sự việc chết người khiến dư luận địa phương, báo chí kịch liệt lên án hành vi ngược đãi người làm thuê của Phong. Ngày 4/7/2013, Công an huyện Dầu Tiếng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam với Phong về hành vi giam giữ người trái pháp luật.
“Từ ngày xưởng gỗ đóng cửa, người dân nơi đây vui sướng lắm, xóm làng bình yên hẳn. Nếu để xưởng gỗ đõ tiếp tục tồn tại, thằng Phong không biết hại thêm bao nhiêu người”, bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân ấp Cà Tong hồ hởi chia sẻ.
Dân làng hồi hộp chờ ngày chủ xưởng gỗ độc ác đền tội  
Ngày 31/12/2013, một người dân có việc đến TAND huyện Dầu Tiếng tình cờ nhìn thấy lịch xét xử Phong. Lạ rằng lịch xử vụ việc gây chấn động dư luận này bị “ngụy trang” bởi những lớp lịch xử khác chồng lên. Theo đó, ngày 9/1/2014, toà án xét xử Trần Tấn Phong. Biết tin, hàng chục người dân các huyện Củ Chi, Dầu Tiếng đã tìm lên trụ sở TAND theo dõi vụ việc. 
Người dân ấp cà Tong bức xúc phản ánh sự việc
 Người dân ấp cà Tong bức xúc phản ánh sự việc 
“Từ 7h sáng, chúng tôi đã tập trung đông đủ nhưng đến khoảng 9h toà thông báo hoãn xử. Lạ rằng trên đường về, vợ Phong cùng con trai bất ngờ trở đầu xe quay lại toà án”, những người đi dự phiên toà hụt kể lại.
Điều khiến đông đảo người dân thắc mắc là tại sao cơ quan điều tra đã khẳng định công nhân Sơn Bồ Rót vì bỏ trốn khỏi xưởng gỗ dẫn đến tử nạn. Nhưng khi vụ án được đưa ra xét xử, công nhân xấu số này không hề nhận được bất kì thông báo nào từ toà án, dù trước đó gia đình đã hai lần gửi đơn tố cáo đến công an huyện Dầu Tiếng. 
Bức xúc trước thông tin này, người dân ấp Cà Tong nghi ngờ vụ việc có thể bị “cắt gọt” theo hướng có lợi cho bị cáo. Việc gia đình nạn nhân không được triệu tập tham dự phiên xử có dấu hiệu cho thấy cái chết “bị đẩy” ra khỏi vụ việc, bị cáo không phải chịu trách nhiệm. 
“Nếu quả thật như thế thì quá bất công. Rõ ràng thằng Rót chết do chạy trốn khỏi xưởng gỗ. Nhiều nhân chứng còn khai họ bị ông Phong ngăn cản cứu thằng Rót trước khi nó tử nạn. Tỏ như ban ngày vậy mà không xử lí ông Phong, chúng tôi không phục”, bà Võ Thị Châu (56 tuổi) bức xúc trình bày. 
Đông đảo người dân Thanh An cho biết, họ sẽ theo dõi kĩ lưỡng lịch xét xử. Người dân bức xúc khẳng định nếu phiên toà “bỏ lơ” tội trạng của Phong sẽ làm đơn “kiến nghị lên cấp phúc thẩm, lên cấp trung ương”. “Pháp luật phải xử lí thật nghiêm mới răn đe được những kẻ kiếm tiền trên xương máu người khác, vì tiền mà nhẫn tâm đẩy con người ta vào đường chết”, một người dân phát biểu.

Đọc thêm