Lao động bị bạc đãi vẫy vùng chết đuối trước mắt "ông chủ"

Một số người thấy Rót chới với sắp chết đuối, định nhảy xuống cứu thì ông chủ ngăn lại, lớn tiếng quát: “Thằng nào cứu nó tao chém chết. Nó dám trốn đi, nó chết là phải”... Đám công nhân và ông chủ xưởng quay lại làm việc như không có chuyện gì xảy ra. Vài tiếng đồng hồ sau, cái xác của chàng trai quê nghèo miền Tây nổi lên như thẫn thờ trên mặt nước...

[links()]Không thể tin rằng giữa thế kỷ 21, vẫn có chuyện người lao động bị giam cầm. Từ những công ty tư vấn lao động tại Sài Gòn, miền Tây như Xa lộ Pháp luật phản ánh trong các bài trước, người lao động bị đưa đến khắp các trang trại từ miền Đông đến Tây Nguyên, bị mua bán như đồ vật, bị đánh đập như súc vật, khi bỏ trốn sắp chết đuối thì những “ông chủ” độc ác gián tiếp giết hại bằng cách cấm không cho ai cứu.

v
Mẹ của nạn nhân rơi nước mắt thương con bị ông chủ hành hạ đến chết.

Cận cảnh một “nhà tù” giam cầm người lao động

Từ cách xa khoảng 2km, hỏi người dân nào về vụ việc vừa xảy ra ở địa phương, cũng nhận được sự phản hồi bức xúc. Một bác khoảng 70 tuổi níu áo căn dặn: "Các cô chú tìm xuống tận dưới đây là bà con tôi biết ơn lắm, nhưng nhớ phải đảm bảo an toàn cho bản thân, đừng vào đó một mình, những người ở trong đó dữ tợn lắm".

Nhóm phóng viên đã tiếp cận trang trại trên, quả đúng như mọi người miêu tả. Trang trại này nằm biệt lập phía sau những lô cao su, diện tích khá rộng. Phía giáp đường nội bộ của lô cao su dài khoảng 200m được xây tường lửng, phía trên là dây thép gai nhìn rất kiên cố. Hai mặt khác giáp đất của các hộ dân khác cũng dây thép gai giăng kín.

Mặt thứ tư giáp hồ Cần Nôm là "điểm yếu" nhất của "nhà tù" kiên cố này, nên người lao động thường hay vượt hồ để bỏ trốn.

Quan sát qua ống nhòm chuyên dụng, nhận thấy hoạt động chính của trang trại này là xưởng sản xuất balet (khung gỗ tạp dùng trong vận chuyển hàng hóa - PV).

Nhiệm vụ của những người lao động là xẻ những thân cây gỗ tạp, đóng thành những tấm balet. Người dân địa phương cho biết, sau khi sự việc chết người mới xảy ra, chủ xưởng dường như đã “cảnh giác” hơn. Những dãy nhà xưởng dài, rộng, xếp những tấm balet thành phẩm cao gần đến nóc, nhưng không có hề có bóng dáng một người lao động.

Mẹ già đi 300 km nhận xác con trai

Trang trại này là nơi nạn nhân Sơn Bồ Rót (SN 1988, ngụ ấp Xung Thum A, xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) chết tức tưởi vào trưa 26/5/2013.

Bị lừa vào làm công nhân tại xưởng gỗ này, bị chủ hành hạ, đánh đập như nô lệ thời trung cổ, sau 6 ngày chịu đựng, anh lén vượt tường rào, bơi qua hồ nước chạy trốn. Bị chủ phát hiện và truy đuổi, anh chết chìm dưới lòng hồ sâu.

Đồng cảm cùng những uất ức phẫn nộ ấy, hàng chục phóng viên của Xa lộ Pháp luật đã tỏa đi khắp miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, vùng Tây Nguyên để phanh phui đến tận cùng sự thật vấn nạn nhức nhối xã hội, vạch mặt những đối tượng độc ác, để khóc cùng những nỗi đau mẹ già con dại của những nạn nhân, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Hai ngày sau đó, trưa 28/5/2013, bà Lâm Thị Lê (SN 1965, mẹ của nạn nhân Rót) mới nhận được cuộc gọi điện từ công an huyện Dầu Tiếng thông báo việc con trai bà bị chết cách đó mấy ngày, đề nghị gia đình sắp xếp thời gian lên nhận dạng nạn nhân, đưa xác về quê mai táng.

“Vượt hơn 300 cây số từ Sóc Trăng lên Bình Dương, đến nơi thì trời nhá nhem tối. Sáng hôm sau chúng tôi làm thủ tục với công an rồi mới qua nhà xác nhận người thân. Thấy con trai, tôi chỉ biết ôm chầm mà khóc”, bà mẹ nhớ lại.

Nghẹn ngào với nhóm phóng viên Xa lộ Pháp luật thường trú tại Cần Thơ, bà mẹ cho biết, cách đó khoảng chục ngày, con trai gọi điện về cho mẹ, thông báo mọi việc vẫn ổn, sức khoẻ tốt.

Sau khi hỏi thăm mẹ và em trai, Rót nói muốn chuyển công ty khác để làm, vì công ty hiện tại lương chỉ 2,2 triệu đồng/tháng, không dư giả nhiều để gửi tiền về cho mẹ.

“Nó còn nói khoảng đầu tháng sau sẽ về thăm nhà, lâu không về rồi nên nhớ quê. Vậy mà chưa kịp thực hiện thì đã vĩnh viễn ra đi”, bà mẹ nhớ lại. Mấy ngày sau bà liên lạc điện thoại lại với con trai nhưng cả mấy lần đều không được.

“Tôi nghĩ máy con bị hỏng hay hết pin gì đó thôi, chứ ai nghĩ là nó bị lừa vào xưởng gỗ làm nô nệ”, vẫn lời bà mẹ.

Người lao động “vượt ngục” chết chìm trước mắt “ông chủ”

Tại Bình Dương, người mẹ được một số bạn cùng làm của con kể lại sự việc. Theo đó, trước đây Rót làm ở một công ty chuyên bốc vác ở Bình Dương. Công việc vất vả nhưng lương tháng chỉ hơn hai triệu đồng nên anh có ý muốn chuyển công ty khác.

Đúng lúc đó, Rót được môi giới đến làm việc tại xưởng gỗ ở thị trấn Dầu Tiếng, với lời hứa lương tháng trên 4 triệu đồng. Rót cùng một người bạn quê ở Đầm Dơi (Cà Mau) chuyển đến xưởng gỗ này làm thì sự thật không như vậy.

Công ty gỗ ép Rót phải trả 700.000 đồng tiền nợ phí môi giới. Không có tiền trả thì phải làm việc không công. Theo nhân chứng này kể lại, ông chủ xưởng gỗ rất tàn độc. Toàn bộ xưởng gỗ đều được rào sắt kín mít, cổng ra vào được gắn máy quay, bất cứ ai ra vào đều được ông quản lý nghiêm ngặt.

Họ bắt công nhân làm việc quần quật cả ngày. Bữa ăn chỉ có cá khô với rau muống luộc.

Đêm về, công nhân ở trong một căn phòng nhỏ, kín mít, không có nhà vệ sinh, chỉ có một chiếc xô nhỏ để tiểu tiện chung. Phòng bị khoá cửa ngoài, chủ xưởng giữ chìa khoá. “Có người làm ở đây 3 năm mà không được về, tiền được trả rất ít so với công bỏ ra”, nhân chứng thuật lại với mẹ Rót.

Khi Rót và người bạn vào xưởng gỗ làm, ông chủ và những người quản lý tịch thu điện thoại, xoá sạch danh bạ, không cho liên lạc với bất cứ ai bên ngoài.

Sau 6 ngày chịu cảnh làm nô lệ lao động tại xưởng gỗ, Rót không chịu được nên bàn với bạn tìm cách chạy trốn. Đang giờ làm ngày 26/5, Rót cùng bạn vượt tường rào phía sau xưởng gỗ nhưng bị chủ xưởng phát hiện, hò hét đuổi theo. Hai công nhân chạy “bán sống bán chết” nhảy xuống hồ nước để bơi qua bờ bên kia. Hồ sâu, lại bơi dở, Rót vẫy vùng rồi chìm chết dưới giữa hồ. Người bạn may mắn chạy thoát.

Kinh hoàng nhất là một số người thấy Rót chới với sắp chết đuối, định nhảy xuống cứu thì ông chủ ngăn lại, lớn tiếng quát: “Thằng nào cứu nó tao chém chết. Nó dám trốn đi, nó chết là phải”.

Thấy chết nhưng không cứu, đám công nhân và ông chủ xưởng quay lại làm việc như không có chuyện gì xảy ra. Vài tiếng đồng hồ sau, cái xác của chàng trai quê nghèo miền Tây nổi lên như thẫn thờ trên mặt nước, trước con mắt thờ ơ của những đối tượng độc ác, những “nô lệ” nhịn nhục.

Người dân địa phương cho hay chàng trai nghèo không hiểu sao chết không nhắm được mắt, cứ mở trừng trừng như uất hận điều gì. Người địa phương thương tình, vừa cắt cử người nhang khói, vừa báo tin cho lực lượng chức năng đến trục vớt thi thể người xấu số lên bờ.

Nhóm phóng viên Xa lộ Pháp luật từ Hà Nội ngay sau đó đã liên hệ trao đổi qua điện thoại với thiếu tá Hồ Dũng, Phó Trưởng công an huyện Dầu Tiếng. Vị này cho biết: “Vụ án đã được công an huyện nắm bắt, đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp thông tin”.

Còn Thượng tá Trần Văn Chính, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Bình Dương cho hay đang họp ở Hà Nội, chưa được báo cáo thông tin về vụ án nêu trên.

Không vừa lòng với những thông tin này, nhóm phóng viên Xa lộ Pháp luật từ TP.HCM đã tìm đến trụ sở Công an huyện Dầu Tiếng tìm hiểu sâu hơn vấn đề, cũng chỉ biết được thêm chủ trại gỗ nơi xảy ra vụ việc trên có tên Trần Tấn Phong (SN 1962), nguyên nhân ban đầu là nạn nhân chết do bị ngạt nước (chết đuối).

Nhóm phóng viên quyết định độc lập xâm nhập tìm hiểu sự việc. Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo trên Xa lộ pháp luật

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm