Chuyện người “khâu vá kỷ niệm” giữa đất Hà Thành

(PLO) - Bên khung cửa nhỏ trong ngõ Thanh Miện yên tĩnh, hơn 30 năm qua, bà Hồng với mái tóc pha sương đang ngồi chăm chú từng mũi đường kim khéo léo như cố lưu giữ lại nghề xưa cũ của Hà thành xưa.

 

Nét đẹp của phụ nữ Hà Thành xưa

Đứng xếp hàng ở cửa hàng sang sợi, mạng, vá quần áo của bà Nguyễn Thị Hồng khá lâu để đợi bà hết nhận hàng lại trả hàng cho khách, tôi chen chân vào để hỏi chuyện bà. Những tưởng thời bao cấp gian khó thì nghề này mới đắt khách đến vậy, chứ ai nghĩ rằng thời buổi này nam thanh nữ tú quần áo sang trọng, hàng hiệu tràn ngập mà cửa hàng khâu vá của bà lại tấp nập đến thế. Cửa hàng nhỏ dù đã kê một chiếc kệ khá to nhưng quần áo vẫn ngồn ngộn chất đầy cả lối đi.

Vừa trò chuyện với tôi bà Hồng vừa thoăn thoắt khéo léo những đường chỉ kể: Bà là con gái Hà Nội gốc. Trước đây con Hà Nội xưa ai cũng thạo may vá, thêu thùa. Mẹ chồng bà cụ Tạ Huê Diệp năm này đã 92 tuổi từ lâu đã truyền nghề lại. Từ trẻ gia đình cụ Diệp có điều kiện nên đã cho cô con gái đi học lớp nữ công tinh hoa và từ đó không chỉ gắn chặt đời mình với đường kim mũi chỉ bà còn truyền nghề lại cho cả ba cô con dâu. Mẹ chồng bà ngày đó là một trong những tay mạng và sang sợi nổi tiếng Hà thành. Mà ngày ấy hầu hết, trên áo người nào cũng phải có vài miếng tích kê và mọi người cho thế là bình thường. “Chỉ có nhà giàu có quần áo đẹp nếu bị rách thì họ mới đem đi mạng còn nhà nghèo thì thường chỉ dùng miếng tíck kê khâu đè lên chỗ rách vì sợ tốn tiền mạng. Cụ từng mạng những bộ quần áo cực kỳ đắt tiền cho quan Tây ở một cửa hàng may trên bờ Hồ”, bà Hồng kể lại.

Cũng theo bà Hồng, cụ Diệp bị điếc không phải do tuổi già mà do trận bom Mỹ ném xuống Hà Nội năm 1972. Trong khi cả thành phố lo đi sơ tán thì cụ Diệp ở lại khâu cho hết số quần áo đã nhận. Bản thân bà Hồng hồi thanh niên, bà đã từng làm trong Hợp tác xã may mặc gần nhà. Cụ Diệp đã thấy, cô con dâu rất khéo tay nên đã truyền nghề cho, dù cụ có đến ba người con gái. Hà Nội ngày xưa có nhiều phố làm nghề này như: Hàng Bông, Phủ Doãn, Hàng Hòm, Hàng Gai… Nhưng sau này, hầu như các cửa hàng đó đểu chuyển nghề hết, như xây khách sạn, hay bán đồ lụa tơ tằm cho Tây. Còn giữ được nghề truyền thống này, thì chỉ có tôi thôi”.

Đối với bà khi con cái đã khôn lớn trưởng thành thì việc kiếm tiền cũng chỉ là một chuyện, chủ yếu bà vẫn muốn cái giữ nghề để vui lúc tuổi già. “Ngày nào cũng cặm cụi mà làm không hết việc, chỉ cần một ngày không cầm đến cây kim, sợi chỉ là tôi đã thấy nhớ. Mình chuyên tâm với nghề thì nghề không phụ mình. Chỉ với nghề mạng, sang sợi, mẹ chồng tôi đã nuôi nấng cả 4 người con học hành đến nơi đến chốn. Giờ đến lượt tôi cũng nuôi con thành đạt. Nghề này không thể giàu nhưng cũng giúp cho gia đình tôi vượt qua gian khó của cả thời bao cấp cũng như những cơn bão giá như hiện nay”, bà Hồng cười vui vẻ.

Khâu vá kỷ niệm

Những tưởng thời bao cấp thiếu thốn thì nhiều người còn khó khăn tới vá, nhưng có điều thú vị, cửa hàng nhà bà hiện nay phần nhiều là nhận những bộ quần áo đắt tiền, trong đó có không ít hàng hiệu. Một cậu thanh niên ăn mặc khá bóng bẩy khi nhận lại chiếc áo len hàng hiệu từ tay bà Hồng tỏ ra rất hài lòng khi tìm mãi không nhận ra vết mạng. Cậu cho biết: “Em được bạn bè giới thiệu nên mấy năm nay nếu có chiếc quần áo nào chẳng may bị rách đều mang ra đây nhờ bà Hồng. Vì là đồ hiệu có trị giá hàng triệu đồng nên nếu chỉ vì một sứt một miếng nhỏ mà bỏ đi thì rất phí, hơn nữa đã đưa cho bà Hồng vá thì yên tâm ngay cả mình cũng phải tìm mỏi mắt mới phát hiện ra vết mạng rất khéo léo”.

Ngồi một lúc lại thấy mấy chị mang quần áo đến nhờ bà mạng. Chị nói, chiếc áo khoác này của chồng chị mua từ nước ngoài chẳng may bị vướng đinh nên rách toạc một vết nhỏ bằng ngón tay, chị đã đưa ra hàng họ tíc kê một miếng nhưng rất lộ và xấu nên chính vì vậy chị phải cất công đến tận đây để nhờ bà Hồng “vì đường may của bà rất khéo, không lộ”. Do khách hàng đông mình bà làm không xuể nên nhiều khách hàng gửi chiếc áo ở đây chờ đến cả tháng vẫn chưa lấy được.  Chị Mai Anh, một khách hàng cho biết: “ Tôi phải chạy đi chạy lại mấy lần nhưng vẫn kiên nhẫn chỉ nhờ bà Hồng, còn ngay cả có vài hàng bên cạnh đó cũng không gửi vì nhiều người vá chính không làm mà lại thuê nhân công ở quê vá nên không đẹp”.

Bà Hồng cho biết: “Không phải quần áo nào rách tôi cũng nhận, mình chỉ nhận khi mình cảm thấy có thể làm gia cố lại vẻ đẹp cho chiếc áo, còn nếu  làm xấu mình đi thì mình sẽ nói với khách hàng không nên vì như thế chỉ tốn tiền. Mình làm phải giữ uy tín chứ không phải cứ có hàng là nhận để lấy tiền”. 
Bà Hồng tâm sự bí quyết nghề: mỗi chất vải, mỗi miếng rách phải có những cách mạng, vá khác nhau. Đối với loại vải cứng như kaki, jean cứng rất khó nên có cách xử lý khó hơn, còn với những chất vải mềm, hay vải len dễ xử lý hơn nhiều. Với quần áo len bà thường tìm từng sợi chỉ thừa, hoặc rút chỉ từ chỗ khác của chính chiếc áo đó để mạng nên rất khó phát hiện được. Có những chiếc áo bà phải kỳ công mất cả tiếng đồng hồ mới hài lòng. Bà cho biết, mỗi ngày bà cũng chỉ làm 4,5 chiếc thôi chứ không làm nhiều bởi vì rất mỏi mắt, mỏi lưng. Mỗi chiếc sửa thường từ 40 ngàn - 150 ngàn nên mỗi ngày cũng kiếm được đều đều 200 -300 ngàn đồng đủ tiền sinh hoạt cho gia đình.
 Bà cho biết, có những chiếc quần tới gần chục chỗ bị gián nhấm, hoặc đã rất lỗi mốt, nếu tính ra tiền mạng còn nhiều hơn tiền mua mới, nhưng khách vẫn yêu cầu làm bằng được vì đó có thể là đồ kỷ niệm mà họ muốn lưu giữ. Không ít quan chức ngoại giao, nghệ sĩ nổi tiếng vẫn lặng lẽ tìm về ngõ nhỏ Thanh Miến, cạnh Quốc Tử Giám để được những bàn tay khéo léo phục chế lại những chiếc váy đáng giá vài nghìn đô. Có một cô ca sĩ nổi tiếng, đi lưu diễn ở nước ngoài, cũng nhờ người nhà mang đến địa của tôi để làm mới chiếc váy cô rất thích. Thậm chí, khách Tây cũng biết đến cửa hàng của tôi để tìm đến. 
Có lần có hai vợ chồng người Pháp đã ngồi cả buổi chiều để xem tôi vá lại quần áo. Sau khi nhận được sản phẩm, họ cảm ơn và nhiều lần sau, họ vẫn đến để sửa lại quần áo bị lỗi. Có lần một ông khách Tây đến vá một chiếc áo vest hàng hiệu,  khi cầm chiếc áo vô cùng ngạc nhiên vì vết rách đó gần như biến mất. Ông cảm ơn rối rít và biếu bà Hồng cả tờ 100.000 dù bà chỉ xin 20.000 đồng. 

Cả đời người ngày ngày cặm cụi với cây kim, sợi chỉ, nhiều ngón tay đã chai sẫn in những vệt kim khâu, bà Hồng tâm sự: “Nhiều lúc tôi cũng mỏi mắt, đau lưng nhưng khi biết mình góp phần vào việc gìn giữ kỷ niệm cho người khác tôi rất vui. Còn sức thì vẫn còn làm chỉ khi nào sức yếu không thể làm được mới nghỉ”. Dù rất muốn truyền nghề cho cô con dâu 8X của mình nhưng vì con đã có sự nghiệp riêng nên chỉ thi thoảng vẫn cùng mẹ chồng nối đường kim mũi chỉ, âm thầm lưu giữ nghề xưa.

Giữa phố phường đông đúc, hối hả người phụ nữ Hà Thành ấy đã dành cả đời cho những đường kim mũi chỉ như muốn lưu giữ nét văn hóa Hà Nội xưa. 

Đọc thêm