Tăng thẩm quyền chứng thực cho cấp xã

(PLO) - Theo quy định hiện hành, việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc thẩm quyền của Phòng Tư pháp. Điều đó gây không ít khó khăn cho người dân và khiến nhiều Phòng Tư pháp luôn nằm trong tình trạng quá tải. Vì thế, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi quy định này theo hướng không phân biệt thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài/song ngữ/tiếng Việt.
Cấp xã sợ văn bản tiếng nước ngoài?
Trước đây, Thông tư số 03/2008/TT-BTP hướng dẫn thẩm quyền chứng thực bản sao đối với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ, trong đó có ghi đầy đủ bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì người yêu cầu chứng thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã. 
Còn tại Nghị định số 04/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc thẩm quyền của Phòng Tư pháp. 
Nghĩa là, khi có yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản song ngữ, người dân bắt buộc phải đến Phòng Tư pháp mà không được lựa chọn như trước đây. 
Trong khi đó, trên thực tế hầu hết các văn bằng, chứng chỉ hiện nay đều được cấp dưới dạng song ngữ. Ngoài ra, khi thực hiện chứng thực, người dân thường sẽ yêu cầu chứng thực nhiều loại giấy tờ, văn bản khác nhau (không chỉ giấy tờ, văn bản song ngữ) nên xuất phát từ quy định trên, đa số nhu cầu chứng thực của người dân được dồn đến Phòng Tư pháp, gây quá tải cho Phòng Tư pháp và phiền hà, tốn kém cho người dân cả về thời gian và kinh phí. 
Về bản chất pháp lý, chứng thực là việc cơ quan hành chính nhà nước xác nhận tính chính xác, tính có thực của các văn bản, giấy tờ được chứng thực so với bản chính; nhiệm vụ của người thực hiện chứng thực là kiểm tra, đối chiếu, bảo đảm nội dung của bản sao văn bản, giấy tờ đúng với bản chính. 
Do đó, khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính đối với văn bản, giấy tờ bằng tiếng nước ngoài hay song ngữ, quy trình thực hiện cũng tương tự như đối với văn bản, giấy tờ bằng tiếng Việt. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet
 Ảnh minh họa. Nguồn internet
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, thay thế cho Nghị định số 79/2007/NĐ-CP; Nghị định số 04/2012/NĐ-CP và Nghị định số 75/2000/NĐ-CP. Theo Dự thảo Nghị định, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao như nhau, không phân biệt chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài/song ngữ/tiếng Việt, nhằm giúp cho người dân đỡ mất chi phí, thời gian đi lại. 
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ) Lê Trọng Vinh cho rằng, tình trạng quá tải chứng thực giấy tờ song ngữ chỉ xuất hiện ở Phòng Tư pháp các thành phố lớn, chứ nhiều nơi “có khi cả tháng chả có việc gì”. 
Xe máy hết thời lách luật?
Bên cạnh đó, về thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch của UBND, Nghị định số 75/2000/NĐ-CP quy định như sau: UBND cấp huyện chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng, chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản; UBND cấp xã chứng thực di chúc, văn bản từ chối nhận di sản. Như vậy, ngoài tổ chức hành nghề công chứng, đối với những địa bàn chưa chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND sang các tổ chức hành nghề công chứng thì UBND cấp huyện có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng. 
Có điều, trên thực tế tài sản là động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng như một số loại xe máy, ti vi, điện thoại... là đối tượng giao dịch thường xuyên của người dân. Đây là loại giao dịch không phức tạp, tài sản có giá trị thấp, nhân thân người tham gia giao dịch rõ ràng, tần suất thực hiện giao dịch cao. Việc yêu cầu người dân đến tổ chức công chứng, UBND cấp huyện thực hiện hợp đồng, giao dịch vừa gây phiền hà, tốn kém cho người dân, vừa không phù hợp tính chất của giao dịch. 
Do đó, cần phân cấp thẩm quyền chứng thực loại việc này cho UBND cấp xã - cấp chính quyền cơ sở gần dân nhất, nắm rõ thân nhân người giao dịch và tài sản giao dịch - thực hiện sẽ phù hợp và thuận lợi hơn cho người dân. Đặc biệt, sau khi Thông tư số 36/2010/TT-BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe có hiệu lực thi hành (ngày 16/12/2010), nhiều UBND cấp xã đã thực hiện chứng thực chữ ký trên giấy tờ mua bán xe.
Hơn nữa, trong cuộc sống phát sinh nhiều vụ việc mà các cá nhân ủy quyền cho nhau thực hiện. Có nhiều trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền, không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản như ủy quyền lĩnh lương hưu, trợ cấp, ủy quyền nhận bưu phẩm, ủy quyền nộp hồ sơ… Vì ủy quyền là một loại giao dịch nên theo quy định hiện hành, UBND cấp xã không được chứng thực giấy ủy quyền. Mặc dù vậy, trên thực tế để tạo thuận lợi cho người dân, tại một số địa phương UBND cấp xã đã vận dụng việc chứng thực chữ ký trên loại giấy tờ này. 
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tránh làm phức tạp hóa các quan hệ dân sự có tính chất đơn giản, đồng thời tránh việc phải thực hiện pháp luật theo hướng vận dụng dễ gây rủi ro cho các giao dịch, cần thiết quy định việc giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản dưới 50 triệu đồng cho UBND cấp xã trong Dự thảo Nghị định. 
Dẫn chứng việc mua bán xe máy có giá trị lớn – xe SH chẳng hạn - mà ra công chứng thì mất nhiều tiền, trong khi ra UBND xã mất có 10 nghìn, gây thất thu ngân sách nên có ý kiến đề nghị “nơi nào chưa có công chứng mới giao cho xã”. Một số ý kiến khác lại băn khoăn vì khó phân định được các động sản dưới 50 triệu đồng như chiếc xe máy 49 triệu hay 50 triệu còn phụ thuộc thời điểm mua bán, nơi mua bán…, điển hình là giá vàng rất khác nhau ở từng địa điểm mua bán. Do vậy, “việc xác nhận hợp đồng mua bán xe là thẩm quyền công chứng làm” – các ý kiến này nhấn mạnh.            

Đọc thêm