Người vớt xác tường thuật vụ "ông chủ" cấm cứu lao động “vượt ngục”

Nhiều ngày sau cái chết oan khuất của Sơn Bồ Rót là người lao động “vượt ngục” tại Dầu Tiếng (Bình Dương) mà báo PLVN đã phản ánh, vụ việc vẫn chìm trong im lặng... Từ miền Tây, nhóm phóng viên thường trú khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp chi tiết về vụ việc qua lời kể của anh Lý Vũ Phong, cùng làm việc trong xưởng gỗ, người đã trái lệnh ông chủ bơi ghe ra cứu Sơn Bồ Rót nhưng không kịp.

[links()]Nhiều ngày sau cái chết oan khuất của Sơn Bồ Rót là người lao động “vượt ngục” tại Dầu Tiếng (Bình Dương) mà báo PLVN đã phản ánh, vụ việc vẫn chìm trong im lặng. Ngược lại, từ phía ông chủ xưởng gỗ, là đối tượng bóc lột lao động tàn tệ, kẻ ngăn cản cấm không cho cứu người trong lúc sắp chìm, lại bắn tin “chờ có kết luận điều tra sẽ kiện Xa lộ Pháp luật”.

Từ miền Tây, nhóm phóng viên thường trú khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xin cung cấp chi tiết về vụ việc qua lời kể của anh Lý Vũ Phong, cùng làm việc trong xưởng gỗ, người đã trái lệnh ông chủ bơi ghe ra cứu Sơn Bồ Rót nhưng không kịp.

Theo lời anh Phong, chủ xưởng gỗ này cho rằng đã “mua đứt” công an địa phương. Ông ta còn hướng dẫn Phong và những công nhân khác khai sai sự thật để “sau này tao sẽ tính cho”.

Mẹ và đứa em mù lòa của nạn nhân Sơn Bồ Rót
Mẹ và đứa em mù lòa của nạn nhân Sơn Bồ Rót.

Làm việc từ 4h30, không được giữ tiền, điện thoại

Anh Lý Vũ Phong là con út của gia đình liệt sĩ (anh thứ năm là liệt sĩ) ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Do hoàn cảnh quá nghèo, ở địa phương không có việc làm, vợ chồng anh và hai đứa con (một 13 tuổi, một mới 10 tuổi) phải đi làm thuê ở nhiều nơi.

Vào giữa tháng 5/2013, Phong cùng vợ là Trần Thị Lụa được công ty môi giới Tuấn Sơn bán vào làm công trong xưởng gỗ của ông Phong (ấp Thanh Tân, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương – khu vực hồ Dầu Tiếng).

Phong gặp nạn nhân Rót và được Rót cho biết cũng mới được người ta giới thiệu vào làm được 1-2 ngày trước đó. Còn có hai người nữa cùng làm công nơi đây là Đẹp và Đương. Đến lúc này họ mới hiểu ra là mình đang sống trong một "trại nô lệ".

Sau khi bước vào cánh cổng, tất cả lao động đều được học tập “nội quy” xưởng gỗ. Tất cả công nhân đều không được xài điện thoại, xài tiền, không được rời khỏi xưởng nửa bước khi ông chủ chưa cho phép. Vợ chồng Phong có mấy trăm ngàn phải giao nộp hết cho vợ chồng ông chủ cất giữ.

Xưởng có hàng rào vững chắc nhưng ông chủ vẫn lấy ổ khóa khóa các phòng của công nhân lại, đẩy vào mỗi phòng một cái thùng nhựa để các công nhân tiểu tiện, sáng tự mang đi đổ.

Một ngày làm việc bắt đầu từ 4h30 đến sau 12h mới được nghỉ ăn cơm trưa. Thức ăn rất tồi tệ kham khổ, chỉ có một miếng khô cá ba sa hoặc một con khô lù đù và cơm trắng.

Vợ Phong phải đi hái rau muống quanh đó luộc cải thiện bữa ăn. Mỗi ngày chỉ có hai bữa cơm trưa, tối, người lao động muốn ăn sáng phải mua mì gói của vợ ông chủ xưởng và ghi sổ nợ.

Tiền lương danh nghĩa là 2,5 triệu đồng/tháng nhưng thực sự không ai được lãnh đồng nào vì tháng đầu tiên phải trả phí môi giới cho công ty Tuấn Sơn.

Những tháng sau đó, chủ sẽ giữ lương lại, đến khi về Tết sẽ tạm ứng một phần cho công nhân.

Ông chủ xưởng tuyên bố không ai được rời khỏi xưởng nếu chưa làm đủ tiền trả nợ cho ông ta. “Hóa ra, mỗi người chúng tôi đã được người ta bán cho ông Phong giá 700 ngàn đồng. Biết mình bị hà hiếp, bị lợi dụng, nhưng xứ lạ quê người, đành cắn răng chịu đựng. Rót buồn lắm khi bị ông chủ tạm giữ điện thoại di động, tắt đường liên lạc với gia đình”, nạn nhân Phong kể lại.

Sơn Bồ Rót là người con có hiếu và là lao động chính nuôi gia đình nên rất bức xúc khi bị thu giữ điện thoại không thể liên lạc với gia đình.

Cuộc “đào tẩu” mất mạng

Sáng 26/5/2013, Rót và Đương quyết định bỏ trốn. Anh Phong kể lại: “Khi ấy tôi khuyên đã lỡ bị lừa rồi, nên nhẫn nại, làm thêm vài ngày cho đủ tiền chuộc thân rồi ra đi công khai”. Tuy nhiên, Rót và Đương không tin và không nghe theo, quyết bỏ trốn.

Họ leo qua bức tường rào và bơi qua hồ rộng hơn 800m, theo ước lượng của Phong còn rộng hơn cả sông Năm Căn. Vào lúc này ông chủ xưởng đang nhậu với một số bạn bè. Tuy nhiên, nhờ hệ thống camera giám sát, nên ông chủ sớm phát hiện và cho người chạy xe vòng qua bên kia hồ, cầm gậy đứng canh chờ Rót và Đương để đánh đuổi trở lại.

Sơn Bồ Rót do tiếc của nên vừa bơi, vừa mang theo cái quần jean và quần áo khác nên đến giữa hồ thì có dấu hiệu đuối sức và làm dấu kêu cứu. Đương vẫn tiếp tục bơi qua phía bên kia.

Lối xóm đến chia buồn cùng gia đình lao động “vượt ngục” bị chết
Lối xóm đến chia buồn cùng gia đình lao động “vượt ngục” bị chết.

Phong và Đẹp thấy Rót đuối sức, nên kêu la đòi bơi xuồng ra cứu giúp. Ông chủ không cho bảo rằng: “Nó có sức bơi đi trốn thì có sức quay trở lại”. Ông chủ còn hăm he “ai dám cứu sẽ cho người đánh tàn phế”. Một mặt, ông gọi điện thoại cho số người đứng bên kia hồ phải đánh đập không cho Đương lên bờ.

Khi thấy Rót sắp chìm, anh Phong lao xuống chiếc ghe gần đó, lắc nước, tát nước bơi ra hồ cứu Rót. Lúc đó có mặt mấy ông bạn nhậu của ông chủ bước ra đứng coi, không ai phụ giúp Phong nên phải mất thêm một lúc lâu, Phong mới bơi được đến nơi. Khi đến nơi thì Rót đã chìm hẳn.

Phong nhảy xuống hồ mò tìm nhưng mực nước hồ quá sâu (ước lượng hơn 5m), hơi của Phong cạn nên không đủ sức tìm. Trong lúc đó, Đương đã bơi qua phía bên kia hồ thì bị nhóm người của ông chủ dùng gậy đánh đuổi trở lại. Đương bơi ngược lại gần đến giữa hồ thì đuối và bắt đầu chìm như Rót.

Lý Vũ Phong đã bơi xuồng tới vớt Đương lên, còn Rót chìm mất dưới lòng hồ.

Vào khoảng hơn 11h, Phong đưa Đương vào bờ và yêu cầu ông chủ điện báo công an nhưng ông chủ không làm, còn hăm he rằng ông “đã mua công an hết rồi”. May sao lúc ấy có nhiều người dân gần đó thấy sự việc đã gọi điện cho công an. Khi công an đến cho người trục vớt Rót lên, đã vào khoảng 15h ngày 26/5/2013. Thân hình, tay chân Bồ Rót bị co cứng, có dấu hiệu bị chuột rút.

Lúc này ông chủ xưởng gỗ nói với vợ chồng, con cái Phong và Nguyệt, Đương, cấm không cho nói là Bồ Rót và Đương bỏ trốn, bảo hãy khai rằng Rót và Đương “bơi đua” nên xảy ra tai nạn, “cứ khai như vậy sau này tao sẽ tính cho”.

Phong cho biết là vợ chồng anh và Nguyệt, Đương đã làm việc với công an Dầu Tiếng một tuần lễ và họ đã khai đầy đủ sự thật như đã kể với nhà báo. Bản thân hai vợ chồng và hai con của Phong đã làm việc cho xưởng gỗ hơn một tuần lễ nhưng không được một đồng lương nào. Theo cách tính của chủ xưởng, vợ chồng anh còn nợ mấy chục ngàn đồng nhưng công an nói cho qua, không phải nợ.

Vợ chồng anh đã tìm được việc làm mới, lương tháng 4,5 triệu đồng, được chủ bao ăn ở miễn phí, luôn cả hai con.

Trước những thông tin của nhân chứng sự việc đã nêu, Xa lộ Pháp luật một lần nữa khẳng định đối tượng Phong là chủ xưởng gỗ đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, nhốt giam giữ người lao động như tù nhân, và đặc biệt là hành vi ngăn cản người khác cứu người bị nạn sắp chết.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm