Dỡ nhà nhường đất cho thủy điện, bị kiểm lâm xử phạt vì vận chuyển... gỗ

(PLO) - Được chính quyền xác nhận trước khi vận chuyển ngôi nhà gỗ ra xã khác để dựng lại do phải nhường đất cho dự án thủy điện, anh Lô Văn Tùng (trú tại xã Nga My, Tương Dương, Nghệ An) bị kiểm lâm bắt giữ và xử phạt 150 triệu đồng về hành vi “vận chuyển lâm sản trái phép”, bị tịch thu tang vật.
Số gỗ bị tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm cơ động số 1 Khe Choăng che bạt nằm giữa sân
Số gỗ bị tạm giữ tại Trạm Kiểm lâm cơ động số 1 Khe Choăng che bạt nằm giữa sân

Cách xử lý trên liệu có quá nghiêm khắc đối với một hộ gia đình dân tộc thiểu số, thuộc diện tái định cư như gia đình anh Tùng?

Chính quyền xác nhận, vẫn bị Kiểm lâm bắt giữ

Theo đơn của anh Lô Văn Tùng (SN 1983, dân tộc thiểu số Ơ Đu) thì gia đình anh thuộc diện bị ảnh hưởng của thủy điện Bản Vẽ, phải nhường đất ở bản Kim Đa cho dự án. Được tận thu gỗ từ lòng hồ nên vợ chồng anh cũng cất góp được một phần gỗ để làm nhà. Phần gỗ còn lại là mua lại của anh em cất mới xong nhưng chưa có điều kiện để dựng.

Ngày 16/4/2017, anh Tùng có đơn xin chuyển nhà về mảnh đất mới mua ở xã Thạch Giám, được Phó Ban quản lý bản Văng Môn và cán bộ lâm nghiệp xã ký xác nhận. Chủ tịch UBND xã Nga My (ông Vi Văn Tỷ) cũng đã có bút phê “kính chuyển các cơ quan, ban ngành có liên quan tạo mọi điều kiện giúp đỡ anh Tùng để có nhà ở”. Sau khi có xác nhận, vợ chồng anh Tùng đến gặp cán bộ Hạt Kiểm lâm Tương Dương và Trạm Quản lý Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) số 1 (thuộc Đội Kiểm lâm cơ động số 1) trình báo (bằng miệng) về việc chuyển nhà. 

Sáng 25/4/2017, anh Tùng nhờ anh Võ Hữu Sỹ (SN 1981, chủ xe ô tô BKS 37C-159.29) chở ngôi nhà gỗ nói trên về xã Thạch Giám. Trong quá trình vận chuyển, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 đã kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số gỗ (gỗ tròn nhóm 2A = 3.676m3; gỗ xẻ các loại từ (N3 –N8)= 9,694m3) cùng với với chiếc xe tải. 

Tịch thu nhà gỗ, xử phạt 150 triệu đồng liệu đã thấu tình, đạt lý ?

Theo biên bản của Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 thì lý do tạm giữ tạm giữ phương tiện, tang vật là: “xác minh tình tiết vi phạm vụ việc hành chính”.

Đến ngày 25/5/2017, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 2199 về việc kéo dài thời tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm hành chính với lý do là “Để xác minh tình tiết mà nếu tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt”, thời gian gia hạn đến hết ngày 23/6/2016. 

Gỗ dựng nhà bị tạm giữ được phủ bạt, để trong sân của Trạm Kiểm lâm cơ động số 1 (tại Khe Choăng, Con Cuông) khiến vợ chồng anh Tùng, chị Hoa xót xa vì bị xuống cấp. Còn anh Võ Hữu Sỹ cũng hết sức lo lắng vì chiếc xe là tài sản mà gia đình tích góp, vay mượn mua để kinh doanh nhưng hai tháng nay bị “giam” ngoài nắng mưa, bên cạnh quốc lộ 7.

Theo ông Nguyễn Hữu Hiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tương Dương thì ông mới lên nhậm chức nên “không nắm rõ sự việc”. Còn ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cũng cho biết: “Không nắm được sự việc”. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Sơn, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 cho biết: vụ việc đã chuyển giao hồ sơ cho Chi cục xử lý.

Ông Sơn giới thiệu phóng viên gặp Đội phó Nhân Khắc Hoàng để nắm thêm vụ việc nhưng ông Hoàng đã cáo bận.

Đến ngày 19/6/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định xử phạt hành chính đối với anh Tùng về hành vi “vận chuyển lâm sản trái pháp luật” với tổng số tiền 150 triệu đồng, tịch thu tang vật để bán đấu giá. Anh Võ Hữu Sỹ cũng bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng về hành vi tương tự. 

Là hộ đồng bào người dân tộc thiểu số, vận chuyển một ngôi nhà gỗ thuộc diện tái định cư đã được chính quyền xác nhận nhưng vẫn bị tịch thu nhà gỗ và xử phạt với số tiền lớn như vậy liệu có thấu tình đạt lý? Việc tạm giữ một chiếc xe và tang vật để “xác minh tình tiết vi phạm vụ việc hành chính” mà phải gia hạn hơn hai tháng liệu có thực sự cần thiết? Gia đình anh Tùng đang gửi đơn khiếu nại mong có câu trả lời thỏa đáng về các vấn đề trên. 

Đọc thêm