Doanh nghiệp hưởng lợi vì vận tải thủy Hải Phòng giảm cước phí

(PLVN) -  Sau khi Hải Phòng giảm 50% phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi.
Hải Phòng giảm 50% cước phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa.

Giảm phí sẽ tăng tính cạnh tranh

Từ ngày 1/1/2023, TP Hải Phòng chính thức giảm 50% phí sử dụng hạ tầng cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa.

Theo ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, việc giảm phí không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn là “cú hích”, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng vận tải thủy cho cả lợi ích trước mắt cũng như lâu dài.

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, hàng năm có khoảng 80.000 Teus và 3,5 triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu thông qua cảng biển Hải Phòng được vận tải bằng phương tiện thủy nội địa. Với việc giảm phí, các chủ hàng sử dụng đường thủy sẽ giảm được khoảng 40 tỷ đồng/năm.

Hiện nay có khoảng 6 triệu Teus hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng một năm, tính trung bình khoảng 16.000 Teus/ngày, tương đương khoảng gần 10.000 xe chở container/ngày lưu thông trên các tuyến đường bộ dẫn đến cảng. Việc giảm phí hạ tầng cảng biển sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của vận tải đường thủy, thúc đẩy xu hướng chuyển dịch hàng hóa từ đường bộ xuống đường thủy.

Dự báo lượng hàng này đạt khoảng 10-15% tổng lượng hàng thông qua cảng biển Hải Phòng, tương ứng khoảng 580.000 - 870.000 Teus/năm, góp phần giảm khoảng 800 - 1.200 xe chở container/ngày chạy trên các tuyến đường bộ dẫn đến cảng biển Hải Phòng.

Theo Hiệp hội Logistics Hải Phòng, việc giảm phí đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải thủy, giúp giảm chi phí, từ đó giảm được giá thành vận chuyển, tăng tính cạnh tranh cho vận tải thủy khu vực Hải Phòng nói riêng, phía Bắc nói chung.

Theo tìm hiểu của PLVN, mạng lưới đường thủy nội địa phía Bắc có gần 2.700km, chiếm khoảng 40% tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước. Thế nhưng, vận tải hàng hóa bằng đường thủy tại Hải Phòng và khu vực phía Bắc khá khiêm tốn, mới đạt khoảng 6%. Trong đó, vận chuyển container bằng đường thủy nội địa tại khu vực phía Bắc đạt khoảng 2% trên tổng sản lượng hàng hóa container thông qua cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Như vậy, với việc Hải Phòng giảm phí, kỳ vọng sẽ thu hút được hàng container đi bằng đường thủy.

Theo tính toán của Hiệp hội Logistics Hải Phòng, trước đây chi phí vận chuyển 1 container bằng đường bộ từ Hải Phòng đi Bắc Ninh khoảng 4 triệu đồng/container. Nếu vận chuyển bằng đường thủy mất khoảng 3,4 triệu đồng/container. Sau khi Hải Phòng giảm phí đường thuỷ nội địa, chủ hàng sẽ giảm thêm được 230 nghìn đồng cho một container 40 feet. Như vậy, một chuyến container từ Hải Phòng đi Bắc Ninh bằng thủy nội địa chỉ còn chưa đến 3,2 triệu đồng.

Cần nhiều yếu tố để phát triển giao thông thủy nội địa

Theo Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu, Cục này đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải phương án tuyến vận tải thủy nội địa kiểu mẫu kết nối nguồn hàng từ các khu công nghiệp tại Bắc Ninh và các tỉnh lân cận gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội về cảng biển Hải Phòng bằng đường thủy nội địa thông qua các tuyến Kênh Cái Tráp - sông Cấm - sông Hàn - sông Kinh Thầy - sông Thái Bình - sông Đuống.

Với các giải pháp về cải tạo, nâng cấp hạ tầng, về phương tiện và chính sách giảm phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng, tuyến vận tải container đường thủy nội địa này được kỳ vọng sẽ thành công, mở ra cơ hội nhân rộng ra các tuyến vận tải khác trên phạm vi cả nước.

Theo ông Lê Mạnh Cương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, để vận tải thủy khu vực phát triển còn cần đến nhiều yếu tố. Theo đó, bên cạnh việc giảm phí hạ tầng cảng biển, các cơ quan quản lý cần tạo cơ chế thông thoáng, giảm thiểu các thủ tục thủ công và áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quản lý phương tiện, thiết bị vận tải.

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo để tạo ra sự kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nâng cao tĩnh không cầu Đuống, cầu Bình, cầu An Thái, cầu Hạ Lý; thường xuyên duy tu bảo trì nạo vét một số tuyến đường sông bị bồi đắp để đảm bảo cho các sà lan cỡ to và sà lan chở được hàng container xếp cao 3 lớp an toàn trên tuyến.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khai thác cảng biển tại khu vực Hải Phòng cần bố trí một khu vực cầu bến riêng, tạo điều kiện cho sà lan ra vào xếp dỡ hàng hóa được nhanh chóng, thay vì phải chờ đợi, phụ thuộc kế hoạch xếp dỡ hàng tàu biển như hiện nay.

Đọc thêm