Doanh nghiệp kêu cứu vì khoản nợ chạy lòng vòng: Mong muốn vụ án được xem xét thấu đáo, toàn diện

(PLVN) - Doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh thì gặp khó khăn do phía ngân hàng dừng cho vay tiếp, yêu cầu trả nợ. Khoản nợ này bị mua bán qua nhiều bên. Doanh nghiệp này sau đó được đề nghị mua lại chính khoản nợ trên nhưng không đồng ý nên bị kiện ra tòa yêu cầu trả nợ. Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã có những nhận định, phán quyết trái ngược nhau.
Chủ DNTN Hậu Giang Trần Văn Hậu bức xúc trước phán quyết  của TAND tỉnh Lào Cai
Chủ DNTN Hậu Giang Trần Văn Hậu bức xúc trước phán quyết của TAND tỉnh Lào Cai

Doanh nghiệp bị làm khó?

Thực hiện chủ trương ưu tiên mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh thu mua, chế biến nông - lâm sản dược liệu của tỉnh Lào Cai, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hậu Giang do ông Trần Văn Hậu làm chủ đã xây dựng dự án đầu tư cơ sở sản xuất, được tỉnh phê duyệt với tổng số vốn trên 27 tỉ đồng. 

DNTN Hậu Giang được Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, Chi nhánh Lào Cai (MHB Lào Cai) duyệt cho vay tổng mức vốn đầu tư 20 tỷ đồng, DN đã ký kết các hợp đồng tín dụng. Tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ nợ theo Hợp đồng thế chấp ngày 6/3/2009 với tổng tài sản thế chấp là 13 tỉ 900 triệu đồng. Phụ lục hợp đồng thế chấp ngày 6/9/2010 với tổng tài sản thế chấp tăng lên là 16 tỷ, 162 triệu đồng.

Tại thời điểm đó, khi MHB Lào Cai giải ngân được 18 tỷ đồng thì bất ngờ dừng lại, yêu cầu DN bán tài sản trả nợ bớt thì mới xem xét cho vay tiếp. Cũng thời điểm đó, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, DN gặp khó khăn do lạm phát giá các loại nguyên, vật liệu, thiết bị, nhân công, các chi phí khác đều tăng đột biến.

Với sức ép từ ngân hàng, DNTN Hậu Giang buộc phải bán tài sản thế chấp của bên thứ ba theo yêu cầu của Ngân hàng, trả ngân hàng 5,6 tỷ đồng với mong muốn được giãn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi, tiếp tục được cho vay trong hạn mức vốn lưu động đã được kí kết; nhưng không được chấp nhận.

Trong khi đó, giá trị bảo đảm của DN là 30 tỷ đồng, khi đó lớn hơn rất nhiều giá trị khoản vay. DN phản ánh còn bị phía ngân hàng yêu cầu trả nợ thêm vào gốc và lãi, đồng thời yêu cầu DN phải sản xuất dược liệu đúng như dự án đã phê duyệt và hạn trong 5 ngày phải làm xong Giấy chứng nhận tài sản gắn liền trên đất mới giải ngân. Sau đó, phía ngân hàng đưa Trung tâm định giá của Sở Tài chính Lào Cai đến định giá nhà máy 22 tỷ đồng. 

Nhận định được sự khủng hoảng kinh tế thời điểm đó, Chính phủ đã có các Nghị định 30 và 31 cùng các qui định khác với nội dung như: Khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất, không phạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp tục xem xét giải ngân cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh mới. Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng nghiêm cấm việc lợi dụng nghị quyết để trục lợi. Nhưng phía ngân hàng bị cho là không thực hiện để giúp DN tháo dỡ khó khăn. Trái lại đã đẩy DN đến tình trạng nợ xấu, nguy cơ phá sản, dẫn đến số nợ của DN từ 12,4 tỷ đồng đội lên gần 41 tỷ đồng (cả gốc và lãi). 

MHB Lào Cai sau đó bán toàn bộ tài sản nợ của DNTN Hậu Giang cho Công ty quản lý tài sản (VAMC). VAMC tiếp tục bán cho một ngân hàng với giá 6,9 tỷ đồng. Tiếp đó, Chi nhánh Ngân hàng này tại Sa Pa lại bán khoản nợ này cho Công ty Tân Trà Việt với số tiền 12 tỷ (Hợp đồng số 01/2017/HĐ-MHB ngày 2/11/2017).

Công ty Tân Trà Việt sau đó bị cho là yêu cầu DNTN Hậu Giang phải mua lại chính tài sản và khoản nợ của mình từ 18 tỷ xuống 14 tỷ, xuống 12 tỷ rồi xuống 9 tỷ, nếu không phải bàn giao tài sản vô điều kiện. DNTN Hậu Giang không đồng ý nên Công ty Tân Trà Việt khởi kiện, yêu cầu DNTN Hậu Giang trả số tiền gần 41 tỷ đồng.

Cần bản án thấu tình, đạt lý

Ngày 20/11/2018, TAND thành phố Lào Cai đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng mua bán nợ” ra xét xử (Bản án số 08/2018/KDTM-ST). Theo đó, Tòa cấp sơ thẩm tuyên Hợp đồng mua bán nợ số 01/2017/HĐMBN ngày 2/11/2017 giữa ngân hàng với Công ty Cổ phần Tân Trà Việt là vô hiệu. Bởi Công ty Tân Trà Việt là chủ thể không đáp ứng điều kiện để thực hiện kinh doanh mua bán nợ, không có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ - theo Điều 4 và 5 Nghị định 69/2016/NĐ-CP của Chính phủ. 

Mặt khác, Nghị quyết số 42 của Quốc hội ngày 21/6/2017 tại khoản 2 Điều 6 cũng quy định “Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh mua bán nợ”. Đối chiếu với những căn cứ và quy định trên, việc Công ty Tân Trà Việt mua trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng là trái quy định của pháp luật. Được biết, Tân Trà Việt trong chưa đầy chưa đầy 3 năm (từ tháng 9/2015 - 2/2018) đã thay đổi 5 đời Giám đốc.

Ngày 2/4/2019, TAND tỉnh Lào Cai xét xử phiên phúc thẩm (Bản án số 01/2019/KDTM-PT) tuyên Hợp đồng mua bán nợ số 01 nói trên có hiệu lực, buộc DNTN Hậu Giang phải trả 41 tỷ đồng cho Công ty Tân Trà Việt. Tòa cấp phúc thẩm căn cứ vào Thông tư 09/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo DN, Tòa án tỉnh Lào Cai đã không đánh giá đúng bản chất vụ án, áp dụng sai các quy định của pháp luật. Cụ thể là, Tòa không xem xét đến việc mua bán nợ vi phạm pháp luật, có dấu hiệu trục lợi dẫn đến gây thất thoát cho Nhà nước, đặc biệt là thiệt hại nghiêm trọng cho DNTN Hậu Giang.

Tòa án cấp phúc thẩm còn bị cho là đã không xem xét đến các vi phạm của ngân hàng trong nguyên tắc tài chính cho vay ngắn hạn, trung hạn để đầu tư dài hạn; vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận cho vay của Ngân hàng trong thực hiện các hợp đồng tín dụng với DN, cho nên các hợp đồng tín dụng này là vô hiệu, vì mục đích hợp đồng trái với thỏa thuận. 

Sau khi DNTN Hậu Giang có đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm, ngày 19/2/2020 TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét và có Quyết định hoãn thi hành án. Đại diện DN mong muốn TAND Cấp cao tại Hà Nội, VKSND Cấp cao tại Hà Nội xem xét vụ án một cách thấu đáo, toàn diện.

Đọc thêm