Vụ việc kéo dài cả tháng nay nhưng công an vẫn đứng ngoài cuộc?
Tài khoản “đóng băng”, công nhân đói
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều công nhân của Cty SVN cho biết, do bị mất việc đột ngột, đã hơn một tháng nay họ không có tiền để trang trải cuộc sống và trả tiền thuê trọ. Công nhân Nguyễn Xuân Thành, quê Thanh Hóa cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại em đã bị công ty nợ hơn 2 tháng tiền lương”…
Trả lời báo chí về những phản ánh của công nhân, ông Nguyễn Giang Nam - Chủ tịch HĐQT Cty SVN cho biết: “Chúng tôi rất mong giải quyết quyền lợi về tiền lương cho người lao động, giúp họ sớm ổn định cuộc sống. Nhưng tiền hiện đang nằm hết trong tài khoản ngân hàng, trong khi Giám đốc cũ là ông Lê Đình Tềnh đã lấy mất con dấu và các giấy tờ quan trọng khác ra khỏi công ty nên không thể rút được tiền để trả lương cho công nhân”.
Theo ông Nam, nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc họp HĐQT ngày 14/6/2014. Tại cuộc họp này, do phát hiện Giám đốc Lê Đình Tềnh không thực hiện các nghị quyết của HĐQT, có dấu hiệu sai trái về thu, chi tài chính, HĐQT đã ra Nghị quyết cách chức Giám đốc đối với ông Tềnh và bầu lại giám đốc mới. Cá nhân ông Tềnh cũng đã thừa nhận sự yếu kém của mình và ký tên vào biên bản, thống nhất sáng thứ hai ngày 16/6/2014 đến công ty để bàn giao con dấu và các giấy tờ liên quan cho tân giám đốc.
Nhưng, đến hẹn ông Tềnh đã không có mặt, trốn biệt tăm khỏi công ty mặc mọi người đổ xô đi tìm. Gần một tháng qua, ông Tềnh vẫn chưa trở lại công ty để bàn giao. Hiện, công ty này đang bị chiếm giữ các loại như con dấu tròn, giấy đăng ký mẫu dấu, giấy đăng ký kinh doanh, tiền quỹ khiến mọi hoạt động ngừng trệ...
Chủ tịch Nam tiết lộ với phóng viên, ngoài việc ôm dấu bỏ trốn, ông Tềnh còn có liên quan đến một số sai phạm có tính “dây chuyền” về thu, chi nội bộ và mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Cụ thể, ông Tềnh và giám đốc cũ là ông Lâm Đức Tráng chi ăn nhậu hơn 300 triệu/năm, hơn 200 triệu không giải trình được.
Gần nhất - tháng 5/2014, ông Tềnh đã rút ra 40 triệu chi không có cơ sở, có dấu hiệu bỏ túi… Trước đó, ông Tềnh cũng đã mua bán hóa đơn GTGT với Cty Huỳnh Thy nhằm hợp thức hóa giao dịch. Đến khi bị cơ quan điều tra phát hiện và thu hồi, ông Tềnh mới báo cáo HĐQT, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến uy tín của công ty…
Công an “đẩy” sang Tòa
Ngay sau khi sự việc này xảy ra, các thành viên HĐQT Cty SVN đã làm văn bản trình báo đến Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an TP.HCM nhờ can thiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Điều khó hiểu là, dù ông Tềnh đã bị HĐQT cách chức và công ty đang tiến hành làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật nhưng Đại úy Hoàng Tuấn Nam (Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.HCM) lại cho rằng vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án?
Trao đổi với PV Báo PLVN, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.HCM cho rằng: “Nguyên tắc con dấu phải để ở trụ sở doanh nghiệp”. Ý kiến này hoàn toàn phù hợp Khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2005: “Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp”.
Ngoài ra, tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu cũng quy định rõ: “Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình. Con dấu phải được để tại trụ sở cơ quan, tổ chức và phải được quản lý chặt chẽ”.
Ông Nguyễn Giang Nam cho rằng: “Theo Luật Doanh nghiệp, thẩm quyền HĐQT được miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức. Trong trường hợp này, ông Tềnh đang chiếm giữ và sử dụng con dấu trái với quy định của pháp luật. Làm việc với công an, ông Tềnh cũng khai là đã mang con dấu ra khỏi trụ sở công ty gần một tháng nay, nhưng lại không nói mang đi đâu? Vì thế, bây giờ tất cả những giao dịch của ông Tềnh ở bên ngoài là vô hiệu”.
Việc ông Tềnh ôm con dấu ra khỏi công ty trong khi đã bị cách chức được xác định là hành vi quản lý và sử dụng con dấu trái quy định hay chỉ là câu chuyện tranh chấp về con dấu? Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi của ông Tềnh không thể xác định là tranh chấp con dấu (vì ông Tềnh đã bị cách chức giám đốc) mà chỉ có thể là hành vi quản lý và sử dụng sai con dấu.
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 07/2010/TT-BCA của Bộ Công an: “Người nào có hành vi vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Hành vi vi phạm của nguyên Giám đốc Lê Đình Tềnh là khá rõ ràng nhưng tại sao Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.HCM lại né không giải quyết mà yêu cầu chuyển sang Tòa án?Như vậy, vô hình trung đã tiếp tay cho hành vi chiếm giữ con dấu trái phép của ông Giám đốc đã bị phế truất?