Bên mua trả thừa tiền, bên bán vẫn đòi nợ
Công ty Phượng Hoàng (trước đây là doanh nghiệp tư nhân Phượng Hoàng) có quan hệ mua bán mặt hàng gương kính Tràng An với Công ty TNHH Dương Giang từ lâu. Năm 2016, hai doanh nghiệp này tiếp tục ký hợp đồng mua bán mặt hàng kính nhãn hiệu kính nổi Tràng An.
Theo bản hợp đồng này, hai bên thỏa thuận việc mua bán hàng theo phương thức bên mua gửi đơn hàng, bên bán xác nhận đơn hàng sau khi bên mua thanh toán toàn bộ giá trị theo đơn đặt hàng. Như vậy, bên mua hàng phải thanh toán tiền mua hàng khi thực hiện đặt hàng thì mới được nhận hàng hóa.
Cũng theo hợp đồng và chính sách bán hàng của Công ty Dương Giang thì bên mua hàng được chiết khấu (giảm giá) so với giá niêm yết. Theo đại diện của Công ty Phương Hoàng, mỗi lần giao hàng, đơn hàng đều được chiết khấu và nhân viên của Công ty đã ghi lại tỷ lệ chiết khấu vào sổ sách để theo dõi.
Trong quá trình bán hàng, Công ty Dương Giang cũng cam kết chịu trách nhiệm đối với các sản phẩm kính hỏng, kính vỡ.
Như vậy, công nợ cuối cùng của hai bên phải được xác định sau khi bên bán tính toán phần chiết khấu cho bên mua đối với mỗi đơn hàng và khấu trừ số lượng các sản phẩm hỏng, vỡ.
Trong quá trình thực hiện các hợp đồng mua bán mà hai bên đã ký kết, Công ty Dương Giang đã giao khối lượng hàng hóa trị giá hơn 183 tỷ đồng. Đổi lại, Công ty Phượng Hoàng cũng đã thanh toán hơn 199 tỷ đồng. Với số liệu giao hàng và giao tiền này, về lý thì bên bán còn nợ Công ty Phượng Hoàng số hàng hơn 15 tỷ đồng.
Thế nhưng, Công ty Dương Giang lại cho rằng, Công ty Phượng Hoàng còn nợ số tiền hơn 15,4 tỷ đồng chưa trả. Vì vậy, ngày 15/8/2016, Công ty Dương Giang đã khởi kiện đòi Công ty Phương phải trả hơn 14 tỷ đồng tiền hàng và hơn 500 triệu đồng tiền lãi do “chậm trả”. Vụ kiện được TAND TP Ninh Bình thụ lý giải quyết.
Về phía Công ty Phượng Hoàng, trong đơn phản tố của mình, Công ty này cho rằng, từ năm 2011 đến 2016, Công ty Dương Giang đã giao số lượng hàng hóa là gần 183 tỷ đồng, Công ty Phượng Hoàng đã bằng tiền mặt và trả qua tài khoản số tiền hơn 199 tỷ đồng. Như vậy, Công ty Dương Giang phải hoàn trả số tiền hơn 15 tỷ đồng.
Nhiều lỗi tố tụng khiến bên mua phải trả nợ oan?
Trong quá trình giải quyết vụ án, TAND TP Ninh Bình thu thập chứng cứ để làm rõ xem thực chất Công ty Dương Giang đã nhận tiền nhiều hơn số hàng đã mua hay Công ty Phượng Hoàng còn trả thiếu tiền như yêu cầu khởi kiện của Công ty Dương Giang.
Trong đó, vấn đề lớn nhất cần phải làm rõ chính là số tiền mà Công ty Phượng Hoàng đã trả vào tài khoản của Công ty Dương Giang nhiều hơn 15 tỷ đồng so với số hàng hóa mà hai bên giao nhận, thực chất là gì.
Theo lời khai của nguyên đơn và một số nhân chứng là nhân viên của Công ty Dương Giang, trong số hơn 199 tỷ đồng mà Công ty Phượng Hoàng trả bằng tiền mặt và chuyển vào tài khoản của Công ty Dương Giang, có hơn 30,2 tỷ đồng là tiền của Công ty Dương Giang, được nhân viên của Công ty Dương Giang nộp vào tài khoản của Công ty Phượng Hoàng để chuyển “vòng” trở lại Công ty Dương Giang.
|
Bản án gây tranh cãi của TAND TP Ninh Bình |
Lý giải về điều này, Công ty Dương Giang cho rằng, do khi trả tiền mua bán hàng hóa, Công ty Phượng Hoàng trả tiền mặt. Do việc trả tiền mặt không thể thực hiện xuất hóa đơn nên Công ty Dương Giang đã nộp tiền vào tài khoản của Công ty Phượng Hoàng để chuyển khoản, làm cơ sở xuất hóa đơn giá trị gia tăng.
Ý kiến trình bày này được nêu tại tòa để giải thích cho việc nhân viên của Công ty Dương Giang đứng tên trong một số phiếu nộp tiền mặt vào tài khoản của Công ty Phượng Hoàng.
Song, Công ty Phượng Hoàng cho rằng đây không phải là sự thật vì không thể có chuyện bên bán mang cả chục tỷ đồng nộp vào tài khoản của bên mua nhằm mục đích trả nợ tiền hàng cho bên bán. Hơn nữa, trong số hơn 199 tỷ đồng, có đến hơn 97 tỷ đồng được trả bằng tiền mặt, vẫn xuất hóa đơn giá trị gia tăng như bình thường. Do đó, việc Công ty Dương Giang lý giải số tiền 30,2 tỷ được Công ty này cho nhân viên nộp vào tài khoản của bên mua để chuyển khoản nhằm xuất hóa đơn giá trị gia tăng là không đúng.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 9/8/2019, Công ty Phượng Hoàng còn yêu cầu Công ty Dương Giang phải trả tiền hơn 906 triệu đồng tiền chiết khấu thương mại và tiền đền bù các sản phẩm kính lỗi và kính vỡ. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được Tòa án chấp nhận.
Cũng tại phiên tòa này, TAND TP Ninh Bình chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Dương Giang, buộc Công ty Phượng Hoàng phải trả hơn 15 tỷ đồng tiền còn nợ và hơn 3 tỷ đồng tiền lãi do chậm trả. Tổng cộng, Công ty Phượng Hoàng bị tòa buộc phải trả cho nguyên đơn hơn 18 tỷ đồng.
Theo Luật sư Trần Anh Tú, người tham gia tố tụng trong quá trình TAND tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm thì bản án sơ thẩm còn nhiều vấn đề gây tranh cãi, nhất là số tiền hơn 30,2 tỷ đồng mà trong bản án sơ thẩm, Tòa cho là của Công ty Dương Giang nộp vào tài khoản của Công ty Phượng Hoàng để “chuyển trả” cho chính Công ty Dương Giang. Đây là sự việc có yếu tố khuất tất, chưa được làm rõ.
Bên cạnh đó, quan trọng hơn vụ án này chưa được Tòa án sơ thẩm giải quyết một cách triệt để liên quan đến công nợ phát sinh theo hợp đồng mua bán hàng hóa, dẫn đến bên mua bị thiệt hại, phải trả nợ "oan".
“Do đây là tranh chấp công nợ phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa, lẽ ra tòa án phải xem xét cả yêu cầu của bị đơn về việc tính toán chiết khấu thương mại, hoàn trả tiền do hàng hóa bị lỗi, hư hỏng. Song, tòa án đã không xem xét nội dung này dẫn đến việc tính toán sai số nợ, khiến cho bị đơn có thể gánh nợ oan”, Luật sư Trần Anh Tú đánh giá.
Ngoài ra, Luật sư Trần Anh Tú cho biết, có nhiều vi phạm tố tụng trong vụ án này cần phải được “sửa chữa” bằng việc xét xử lại. Đó là việc không đưa một số người liên quan đến số tiền nộp vào tài khoản Công ty Phượng Hoàng vào tham gia tố tụng với vai trò là người có quyền lợi liên quan để giải quyết vụ án khách quan hơn, thay vì xác định các cá nhân này là nhân chứng.
“Tiền mặt không phải do Công ty Dương Giang nộp vào tài khoản của Công ty Phượng Hoàng mà tòa án lại xác định là tài sản thuộc sở hữu của Công ty Dương Giang là chủ quan và không có căn cứ. Việc Tòa công nhận số tiền mà người thứ 3 nộp vào tài khoản của Công ty Phượng Hoàng là tài sản của Công ty Dương Giang là không thể chấp nhận được. Việc Công ty Phượng Hoàng trả tiền cho Công ty Dương Giang nhiều hơn hàng hóa đã nhận là sự thật và cần đưa các cá nhân nộp tiền vào tài khoản của Công ty Phượng Hoàng vào vụ án với tư cách là người liên quan”, Luật sư Trần Anh Tú cho biết thêm.
Vụ án sẽ được TAND tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm vào ngày 13/12/2019 tới đây. Liệu những “lỗi” của tòa án cấp sơ thẩm có được xem xét khắc phục hay không. Bên cạnh đó, theo Công ty Phượng Hoàng, số tiền hàng mà Công ty Dương Giang đã xuất hóa đơn ít hơn nhiều so với số tiền mà công ty này đòi nợ nên việc trốn thuế qua mua bán hàng hóa cũng cần phải được làm rõ.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.