Đó là thông tin ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết tại diễn đàn “Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho DNNVV” do VCCI tổ chức tại Hà Nội chiều qua, ngày 7/8.
“Đây là con số lớn và đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần là những người trẻ, sinh viên, họ không có tài sản, mà chỉ có ý tưởng kinh doanh, những đối tượng này rất cần bệ đỡ nguồn vốn từ hệ thống các ngân hàng” - ông Lộc nhận định.
Đồng quan điểm,TS. Nguyễn Thị Hiền – Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ ra rằng, mặc dù tạo ra gần 60% việc làm (chiếm 42,2% số lao động), 44,8% doanh thu, đóng góp khoảng 40% GDP, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu, đóng góp 29,3% cho ngân sách nhà nước, tuy nhiên DNNVV vẫn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn.
Cũng theo bà Hiền, vẫn còn những DNNVV đỏ mắt đốt đuốc đi tìm vốn. “Tính đến cuối tháng 05/2018, tổng dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.402.813 tỷ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2017” - bà Hiền thông tin.
Khó khăn từ chính bản thân doanh nghiệp
Theo Chủ tịch VCCI, để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả “3 nhà”: nhà nước – nhà băng và doanh nghiệp. “Thứ nhất là Nhà nước, mà đại diện không chỉ là Ngân hàng Nhà nước mà còn của các bộ ngành liên quan, thứ hai là nhà băng và các thiết chế tài chính, thứ ba các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cụ thể, về phía Nhà nước, hiện còn nhiều khuôn khổ pháp luật chưa thực sự khơi nguồn cho đầu tư. “Thời đại 4.0 nhưng phương pháp quản lý nhà nước còn cơ học, chưa chấp nhận rủi ro. Các thiết chế về quyền sử dụng đất chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng” – Chủ tịch VCCI nói.
Về phía các nhà băng và thiết chế tài chính, hiện còn thờ ơ, DNNN vẫn là đối tượng ưu tiên của các ngân hàng. Xét về mặt hiệu quả thì ngân hàng cho vay các khoản lớn với doanh nghiệp lớn là ưu tiên đảm bảo an toàn theo hình thức thế chấp tài sản.
“Tuy nhiên nền kinh tế số và nền kinh tế khởi nghiệp thì không có nhiều tài sản. Cho nên, tôi nghĩ là cho vay bằng hình thức thế chấp tài sản vẫn chiếm lớn, cho vay căn cứ vào sản xuất kinh doanh chưa trở thành cơ chế, chưa trở thành văn hoá tín dụng ở nước ta. Vậy làm sao thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo?” - ông Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.
Về phía doanh nghiệp, đến thời điểm này, trong khoảng 670.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đến 98-99% là DNNVV, nếu tính cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị. Như vậy tuyệt đại bộ phận là DNNVV và doanh nghiệp siêu nhỏ.
Trong số gần 6 triệu đơn vị này thì chỉ có 2 triệu có đăng ký, gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 doanh nghiệp có đăng ký. Còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức mà phi chính thức ít minh bạch và phi minh bạch. Ngay trong 2 triệu đơn vị có đăng ký này thì sự minh bạch trong quản trị cũng luôn là điểm yếu với rất nhiều doanh nghiệp.
Do đó, Chủ tịch VCCI nhận định, sự thiếu minh bạch khó tạo niềm tin mà tín dụng chính là niềm tin, cộng thêm thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng (TCTD) “nói không” với DNNVV.
Còn theo TS Nguyễn Thị Hiền, tính hiệụ quả trong hoạt động của DNNVV chưa cao, xét về quy mô tỷ lệ thua lỗ của DNNVV và siêu nhỏ lớn hơn doanh nghiệp lớn. Thứ hai, mức độ quản trị thông tin hạn chế, không xây dựng được hệ thống báo cáo, việc thiếu minh bạch thông tin khiến các ngân hàng đánh giá mức độ thấp hơn, thời gian xét duyệt vay vốn dài hơn.
Về phía các ngân hàng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra thực trạng các sản phẩm tín dụng chưa tương xứng. Cùng với đó, nhiều tổ chức còn có áp dụng quy trình cấp tín dụng và chấm điểm tín dụng như nhau. Do đó, kiến nghị cần thay đổi quan điểm của các TCTD về mức độ rủi ro của DNNVV.
Đặc biệt, với cơ cấu đa dạng hiện nay, các TCTD Việt Nam có thể cung cấp tín dụng cho các đối tượng mục tiêu lớn hơn, không bó hẹp như hiện tại. Nhờ đó, tỷ lệ DNNVV được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng sẽ lớn hơn.
Nguyên nhân tiếp cận tín dụng của DNNVV còn khó khăn theo TS. Cấn Văn Lực đến từ các TCTD. Theo đó, một số TCTD chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV, một phần do biên lợi nhuận thấp (do trần lãi suất cho vay), trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao.
Cùng với đó, sự phối hợp chưa tốt giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV và các TCTD (về thẩm định, về nhận tài sản đảm bảo, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, khi xử lý rủi ro). Một số TCTD đang trong quá trình tái cơ cấu, thay đổi chiến lược hoạt động.
Ngoài ra, theo TS Lực, còn có nguyên nhân từ chính bản thân DNNVV do trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu, thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi, thiếu tài sản đảm bảo, thông tin thiếu minh bạch, khó đối chiếu...
“Thông tư 39/2016/TT-NHNN yêu cầu doanh nghiệp khi vay phải cung cấp báo cáo thuế hoặc báo cáo kiểm toán, trong khi các DNNVV thường không cung cấp được hoặc báo cáo lỗ hoặc lãi rất ít. Doanh nghiệp chưa nắm rõ về thủ tục vay vốn, bảo lãnh, về chính sách, sản phẩm – dịch vụ và các gói của các TCTD các chương trình hỗ trợ của chính phủ/hiệp hội. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn…” - ông Lực nói.
TS. Cấn Văn Lực:
Cần cải thiện tính minh bạch, công khai của doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng
Chuyên gia tài chính - TS. Cấn Văn Lực |
“Trong các hình thức tiếp cận vốn cho DNNVV, cần lưu ý tới những hình thức chưa được áp dụng thường xuyên như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cho vay tài chính… Theo đó, cần sớm ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV, đồng thời tăng cường vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp trong việc hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và các quỹ bảo lãnh tín dụng.
Đối với doanh nghiệp, cũng nên cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin, sẵn sàng làm việc với các tổ chức tín dụng, quản trị doanh nghiệp và quản lý chiến lược cũng như tài chính”.
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI:
Cần sự phối hợp từ nhà nước – doanh nghiệp – tổ chức tài chính
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI |
“Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ hơn về khuân khổ chính sách và pháp luật, tạo điều kiện cho vay trong thời đại 4.0, thúc đẩy khởi nghiệp. Đồng thời có chính sách thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.
Đối với các ngân hàng, cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, những gói cho vay hướng đầu tư mạnh cho khởi nghiệp, cho nông nghiệp căn cứ vào ý tưởng và phương án kinh doanh, ví dụ như: cho vay vốn dựa trên cây trồng, vật nuôi của người nông dân, bằng chính cánh đồng của họ. Tức là căn cứ vào phương án kinh doanh, chứ nếu căn cứ vào nhà xưởng thì sẽ rất khó cho đầu tư vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tài chính, các công ty bảo hiểm cần tương tác, bọc lót trong hướng tới hỗ trợ DNNVV.
Các giải pháp như tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, nhất là thủ tục thuế, hải quan, cấp phép, phá sản doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng, logistics, hỗ trợ tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển cân bằng thị trường tài chính nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu, tài chính vi mô, quỹ đầu tư…; tăng cường vai trò Hiệp hội DNNVV; tăng cường hợp tác quốc tế... cũng được các diễn giả nhắc đến để giúp DNNVV tháo gỡ nút thắt về vốn như hiện nay”.
Bà Hoàng Thị Hồng - Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV (Bộ KH&ĐT):
Hỗ trợ vốn cho DNNVV theo chu trình phát triển của doanh nghiệp
Bà Hoàng Thị Hồng- Giám đốc Quỹ hỗ trợ DNNVV (Bộ KH&ĐT) |
“Việc hỗ trợ dựa trên chu trình hoạt động của doanh nghiệp từ bắt đầu khởi nghiệp, tăng tốc, phát triển bền vững, cơ cấu lại, và sau đó là phá sản hoặc bắt đầu chu trình mới. Điều này khiến cho hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp được thiết thực hơn.
Ngân hàng và các tổ chức tín dụng rất khó có thể hỗ trợ doanh nghiệp ở những giai đoạn đầu, bởi bản chất của khởi nghiệp là rủi ro, thiếu minh bạch, thiếu thông tin. Vào giai đoạn này doanh nghiệp rất cần sự tham gia hỗ trợ của các quỹ, các nhà đầu tư, các quỹ mạo hiểm thiên thần.
Khi doanh nghiệp đi vào giai đoạn phát triển bền vững, ngân hàng mới nên tham gia vào hỗ trợ doanh nghiệp. Khi đó Ngân hàng sẽ có điều kiện lựa chọn những doanh nghiệp tốt nhất, chia thành 4 hạng, A,B,C,D theo tiêu chuẩn quốc tế. Những doanh nghiệp nhóm A,B thì ngân hàng tham gia hỗ trợ, nhóm doanh nghiệp C,D thì các quỹ hỗ trợ DNNVV hoặc các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV.... Như vậy, quỹ hỗ trợ không thực hiện đại trà với toàn bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.